Hưng Hà: Vùng quê phát tích, dựng nghiệp của Vương triều Trần

Thứ 2, 02/03/2015 | 14:58:15
1,283 lượt xem

Ngày 31/12/2014, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng đã ký Quyết định số 2408 cấp Bằng xếp hạng Di tích Quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (Thái Bình). Trước đó, ngày 27/1/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 231 cấp Bằng chứng nhận Lễ hội đền Trần Thái Bình là Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Từ ngày 3/3 đến ngày 8/3/2015 (tức ngày 13 đến ngày 18 tháng Giêng Ất Mùi), huyện Hưng Hà long trọng tổ chức Lễ hội đền Trần và đón Bằng di tích Quốc gia đặc biệt.

Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đánh trống khai hội đền Trần Thái Bình năm 2012
Vùng đất Long Hưng - Ngự Thiên, nay là huyện Hưng Hà, ngay từ đầu thế kỷ XIII, nhà Trần - một vương triều cường thịnh, với hào khí Đông A lẫy lừng, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam đã chọn làm nơi dựng nghiệp.
 

Trong Đại Việt sử ký toàn thư, Việt Sử thông giám cương mục, Kiến văn tiểu lục,... đều ghi rõ: “Tổ tiên nhà Trần, đời nối đời làm nghề chài lưới. Từ đầu thế kỷ XII, họ Trần đã đến vùng Tức Mặc (Nam Định) và Lưu Xá (xã Canh Tân, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) sinh sống và làm nghề đánh cá trên lưu vực sông Hồng, sông Luộc. Bởi thấy vùng đất Long Hưng thuận lợi, có địa thế đẹp, cụ Trần Hấp đã di chuyển mộ cha và vợ đến vùng đất Thái Đường - Ngự Thiên thuộc thôn Tam Đường, xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình ngày nay và lên bờ định cư, phát triển nông trang”.

Cùng với sự lớn mạnh của dòng họ và hậu thuẫn của các thế lực mạnh thời đó, dòng họ Trần đã từng bước được triều Lý giao cho nhiều công việc quan trọng. Trong đó có cả việc tham gia dẹp loạn nội triều. Chính những biến loạn trong triều Lý và sự lớn mạnh của dòng họ Trần trên vùng đất Long Hưng mà Thái Tử Sảm của triều Lý (sau này là Vua Lý Huệ Tông) đã về vùng đất Long Hưng lánh nạn rồi gặp gỡ, nên duyên với người con gái tài sắc vẹn toàn của dòng họ Trần (sau này là Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung) - người đã cùng Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ với tài thao lược về chính trị và quân sự đặc sắc, đã tạo ra sự chuyển giao quyền lực từ triều Lý sang triều Trần bằng một cuộc kết hôn giữa Lý Chiêu Hoàng (vị Vua cuối cùng của triều Lý) với Trần Cảnh (con trai cụ Trần Thừa). Việc vua Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng là Trần Cảnh (sau này là Vua Trần Thái Tông) là cuộc chuyển giao quyền lực chính trị có một không hai trong lịch sử các triều đại phong kiến Việt Nam diễn ra vào năm 1225.

Khi thay thế triều Lý, triều Trần đã về trấn giữ Kinh đô Thăng Long nhưng vùng đất Long Hưng - Hưng Hà vẫn được các Vua Trần chọn là hậu phương vững chắc. Triều đình đã cho các Vương hầu, thân tộc của mình về Long Hưng xây dựng các điền trang, thái ấp, phát triển sản xuất, tích trữ lương thảo làm cơ sở nuôi quân đánh giặc. Trai tráng đất Long Hưng được các Vua Trần tin cẩn, lựa chọn sung làm quân túc vệ, quân tinh cương bảo vệ triều đình. Đó cũng chính là lực lượng giúp vua phòng khi có binh biến, giặc xâm lăng.

  

Du khách thập phương tham quan Khu di tích lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần (xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà). Ảnh: Thành Tâm.

Cùng với Kinh đô Thăng Long, vùng đất Long Hưng (Hưng Hà - Thái Bình ngày nay) đã được nhà Trần xây dựng hành cung Lỗ Giang và cung điện của triều đình, đây là hậu phương vững chắc, tập hợp quân sĩ, chuẩn bị vũ khí, lương thảo. Đặc biệt, sau mỗi lần chiến thắng quân Nguyên - Mông và bình Chiêm thắng lợi, các vị vua triều Trần đều về đây tổ chức đại lễ bái yết tổ tiên, ban phúc ân cho muôn dân trăm họ và ăn mừng chiến thắng. Trong lễ tế tổ và mừng chiến thắng quân Nguyên - Mông lần thứ ba, ngày 17 tháng 3 năm Mậu Tý (1288), Vua Trần Nhân Tông đã cảm khái đọc hai câu thơ bất hủ để ca ngợi tinh thần quyết chiến, quyết thắng chống giặc ngoại xâm của quân dân Đại Việt và thể hiện tấm lòng của vua tôi nhà Trần đối với vùng đất và con người Long Hưng - Hưng Hà:

“Xã tắc lưỡng hồi lao thạch mã

Sơn hà thiên cổ điện kim âu”

Nghĩa là:

“Đất nước hai phen chồn ngựa đá

Non sông nghìn thuở vững âu vàng”

Và cũng tại phủ Long Hưng, tháng 4 năm Kỷ Sửu (1289), Vua Trần Nhân Tông tiến phong Trần Quốc Tuấn làm Đại nguyên soái Hưng Đạo Đại Vương.

Gần 800 năm qua, Lăng mộ và Đền thờ các vị vua Trần, Lăng mộ Thái Sư Trần Thủ Độ và Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung vẫn còn đó và được đời đời cháu con và nhân dân hương khói, giữ gìn. Dòng sông mà bao đời nay nhân dân Hưng Hà thường gọi là sông Thái Sư, chính là con sông do Thái sư Trần Thủ Độ chỉ huy khơi đào - nay vẫn ngày ngày mang dòng nước tưới mát cho một vùng rộng lớn của quê lúa Hưng  Hà. Có thể khẳng định, mỗi con sông, mỗi cánh đồng, mỗi thôn làng trên vùng đất Long Hưng xưa, Hưng Hà nay đều mang đậm nét những dấu tích anh linh của triều đại nhà Trần võ công oanh liệt.

Vương triều Trần tồn tại và phát triển trong vòng 175 năm (từ 1225 đến năm 1400) có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước của dân tộc ta. Những đóng góp về chính trị, kinh tế, quân sự, văn hóa - xã hội của vương triều Trần trong sự phát triển của lịch sử dân tộc là vô cùng to lớn, rực rỡ và rất đáng tự hào. Một triều đại không chỉ giỏi trong đánh giặc giữ nước, lãnh đạo phát triển kinh tế, quản lý xã hội, tổ chức bộ máy chính quyền nhà nước mà còn để lại những di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đồ sộ, đặc sắc, phong phú mà đỉnh cao là hào khí Đông A lẫy lừng.

Phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước và ý chí bất khuất, kiên cường của ông cha, từ khi có Đảng lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã vượt qua nhiều khó khăn thử thách, đóng góp sức người, sức của cho các cuộc kháng chiến chống ngoại xâm của dân tộc. Thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và  lãnh đạo, Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà đã giành được nhiều thành tựu to lớn và toàn diện trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh, xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, nhất là chương trình xây dựng nông thôn mới. Trong 4 năm qua, toàn huyện đã huy động khoảng 3.000 tỷ đồng đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn; tiếp nhận hơn 111.000 tấn xi măng của tỉnh, huy động hơn 250 tỷ đồng từ ngân sách xã, hơn 200 tỷ đồng của nhân dân, xây dựng được khoảng 1.200km đường giao thông và nhiều công trình phúc lợi khác. Kết thúc năm 2014, toàn huyện đã có 14 xã đạt chuẩn nông thôn mới, đạt tỷ lệ 42,42%, tạo thế và lực để Hưng Hà sớm đạt chuẩn huyện nông thôn mới.

Lễ hội đền Trần Thái Bình, nơi hội tụ khá đầy đủ những di sản văn hóa phi vật thể như: Lễ rước nước, thi cỗ cá thời Trần, tục giao chạ, các trò chơi dân gian, các điệu dân ca, dân vũ mà Vương triều Trần để lại. Đó chính là những yếu tố quan trọng để lễ hội đền Trần Thái Bình là một trong số rất ít lễ hội của nước ta được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Những năm qua, việc giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị văn hóa của Khu di tích lịch sử nhà Trần được trung ương và các cấp, các ngành rất quan tâm. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước đã về dâng hương tưởng niệm các vua Trần, đồng thời động viên cán bộ, nhân dân địa phương tiếp tục giữ gìn, tôn tạo và phát huy giá trị của di tích lịch sử thiêng liêng này. Gần đây nhất, ngày 27/2/2010, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết về dự khai mạc lễ hội đã phát biểu và khẳng định: “Đây là nơi phát tích, dựng nghiệp của Vương triều Trần”.

Theo dòng chảy lịch sử của dân tộc và phong tục cổ truyền của địa phương, Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình thống nhất định lệ hằng năm ngày 13 tháng Giêng âm lịch là ngày khai mạc và tổ chức lễ hội đền Trần Thái Bình. Đây là dịp để các tầng lớp nhân dân trong tỉnh, đồng bào, du khách thập phương trong và ngoài nước tề tựu về mảnh đất linh thiêng, thắp nén tâm hương tưởng niệm và tri ân các vua Trần, Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, Quốc công tiết chế Hưng đạo Đại Vương Trần Quốc Tuấn và các tôn thất nhà Trần. Đồng thời, thông qua đó để giáo dục thế hệ trẻ lòng tự hào, ý chí quật cường, bất khuất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam anh hùng.

Trong thời gian qua, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thái Bình, các cơ quan chuyên môn của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và với các cứ liệu lịch sử khoa học, ngày 27/1/2014, Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã ký Quyết định số 231 cấp Bằng chứng nhận lễ hội đền Trần Thái Bình là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; ngày 31/12/2014 Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2408 cấp Bằng xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt Khu lăng mộ và đền thờ các vị vua triều Trần. Đây là những sự kiện văn hóa đặc biệt quan trọng trong đời sống tinh thần của mỗi người dân Thái Bình, Hưng Hà nói riêng và cả nước nói chung.

Đảng bộ và nhân dân Hưng Hà sẽ tiếp tục bảo tồn và phát huy giá trị của các di sản văn hóa thời Trần, biến hào khí Đông A lẫy lừng của Vương triều Trần và quân dân Đại Việt thành nguồn sức mạnh to lớn, đẩy mạnh sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội, sớm đạt chuẩn huyện nông thôn mới, thực hiện công nghiệp hóa nông nghiệp, nông thôn trên quê hương Hưng Hà.

Nguyễn Hồng Chuyên

Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch HĐND huyện Hưng Hà

Theo báo Thái Bình


  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...