Bộ Y tế đề nghị các tỉnh, TP tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola

Thứ 3, 05/08/2014 | 09:53:49
916 lượt xem

Để chủ động phòng chống dịch bệnh do virus Ebola không lan truyền vào Việt Nam, Bộ Y tế vừa có công văn gửi Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố về việc tăng cường giám sát phòng, chống dịch bệnh do virus Ebola.

Virus Ebola.

 
 
Virus Ebola.
 
Theo đó, Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phối hợp chặt chẽ với các cơ quan chức năng tại cửa khẩu để giám sát chặt chẽ người nhập cảnh, lưu ý những người từ các quốc gia có dịch bệnh, đồng thời thực hiện tốt việc giám sát tại cộng đồng và cơ sở y tế. Khi phát hiện các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh do virus Ebola và có tiền sử đi về từ vùng có dịch trong vòng 21 ngày, thực hiện ngay cách ly và lấy mẫu gửi về Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư hoặc Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh để xét nghiệm xác định.
 Sở Y tế chuẩn bị đầy đủ về cơ sở vật chất, phòng cách ly, trang thiết bị, thuốc, hóa chất trong dự phòng và điều trị Ebola. Đặc biệt lưu ý túi phòng hộ cá nhân, phương tiện vận chuyển riêng biệt, hóa chất khử khuẩn.

Tại các cơ sở y tế có đủ điều kiện, tổ chức tốt việc thu dung, điều trị bệnh nhân bảo đảm tránh lây lan và hạn chế tối đa tử vong, có kế hoạch bố trí giường bệnh, cơ sở y tế điều trị khi có số lượng lớn bệnh nhân.

Thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng hộ cá nhân đối với nhân viên y tế và người tiếp xúc với các trường hợp nghi ngờ hoặc xác định, không để lây bệnh cho nhân viên y tế, các bệnh nhân khác trong bệnh viện cũng như lây lan trong cộng đồng.

Kiện toàn các đội chống dịch, đội cấp cứu cơ động, sẵn sàng làm nhiệm vụ khi cần thiết và tổ chức thường trực chống dịch theo quy định.

UBND các tỉnh, thành phố chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan thông tin đại chúng chủ động đưa tin kịp thời về tình hình dịch bệnh để người dân không hoang mang lo lắng và thực hiện tốt các biện pháp phòng chống bệnh khi cần thiết theo khuyến cáo của Bộ Y tế.

Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), bệnh do virus Ebola là một bệnh truyền nhiễm cấp tính nguy hiểm có khả năng lây lan nhanh và tỷ lệ tử vong cao (có thể tới 90%). Bệnh lây từ người sang người qua tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết, bộ phận cơ thể của người mắc bệnh, động vật bị bệnh hoặc tiếp xúc với môi trường bị ô nhiễm bởi dịch tiết của người, động vật mắc bệnh.

Vụ dịch đầu tiên được ghi nhận vào năm 1976 tại Sudan với hơn 600 người mắc. Từ đó đến nay dịch đã xảy ra tại 11 quốc gia châu Phi. Đặc biệt từ tháng 12-2013 đến ngày 30-7-2014 thế giới đã ghi nhận 1.323 người mắc, trong đó có 729 người tử vong tại bốn quốc gia vùng Tây Phi (Guinea, Leberia, Sierra Leone và Nigeria). Tới nay dịch bệnh chưa có dấu hiệu giảm tại các quốc gia trên và có nhiều nguy cơ lan truyền sang quốc gia khác.

Người mắc bệnh do virus Ebola thường xuất hiện các triệu chứng như sốt đột ngột, mệt mỏi kéo dài, đau cơ, đau đầu, đau họng. Tiếp theo là các triệu chứng nôn, ỉa chảy, phát ban, suy thận, suy gan. Một số trường hợp bị chảy máu trong nội tạng và chảy máu ngoài. Thời gian ủ bệnh là từ hai đến 21 ngày. Bệnh nhân dễ lây truyền bệnh ngay khi bắt đầu xuất hiện triệu chứng.

Bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola cần được điều trị tích cực, được bù nước với các dung dịch điện giải qua đường uống hay truyền tĩnh mạch. Hiện chưa có phương pháp điều trị đặc hiệu cho bệnh này. Nhiều bệnh nhân đã khỏi bệnh sau khi được chăm sóc y tế thích hợp. Để kiểm soát sự lây truyền của virus, người mắc bệnh hay nghi ngờ mắc bệnh cần được cách ly với các bệnh nhân khác trong cơ sở y tế và được nhân viên y tế điều trị với việc tuân thủ các biện pháp phòng chống nhiễm khuẩn đã khuyến cáo.

Cục Y tế dự phòng khuyến cáo, để phòng bệnh, người dân cần thực hiện vệ sinh cá nhân (rửa tay bằng xà phòng, chất sát khuẩn…); tránh tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh. Không cầm, nắm các vật có thể đã tiếp xúc với máu, dịch tiết của người, động vật nhiễm bệnh trước đó. Nếu đang ở vùng có dịch mà xuất hiện các triệu chứng (sốt, đau đầu, đau họng, ỉa chảy, nôn, đau dạ dày, phát ban, đỏ mắt) cần đến ngay cơ sở y tế để có biện pháp xử lý kịp thời.

Tổ chức Y tế Thế giới cũng khuyến cáo, người đi du lịch cần tránh mọi tiếp xúc với người mắc bệnh; cán bộ y tế đi làm việc tại các vùng bị ảnh hưởng cần tuân thủ nghiêm ngặt các hướng dẫn về phòng chống nhiễm khuẩn. Nếu đã từng ở những nơi có các trường hợp mắc mới được thông báo nên theo dõi xem có thấy xuất hiện các triệu chứng của bệnh và đến ngay cơ sở y tế khi thấy xuất hiện các dấu hiệu bệnh đầu tiên. Nhân viên chăm sóc y tế cho người du lịch trở về từ các vùng bị ảnh hưởng nếu thấy xuất hiện các triệu chứng tương tự cần cân nhắc khả năng có thể bị mắc bệnh do virus Ebola.

L.H.N

Theo: Nhandan.com.vn

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...