Đề án Quy hoạch mạng lưới điểm xử lý không chôn lấp chất thải rắn thông thường tập trung tại các huyện, thành phố

Thứ 4, 02/01/2019 | 17:26:43
935 lượt xem

Sáng 2-1, đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe và thảo luận về dự thảo Đề án Quy hoạch mạng lưới điểm xử lý không chôn lấp chất thải rắn thông thường tập trung tại các huyện, thành phố trên địa bàn tỉnh Thái Bình đến năm 2025, định hướng đến năm 2035.

Dự họp có các đồng chí Phó Chủ tịch UBND tỉnh, lãnh đạo một số Sở, ngành, địa phương.

Theo định hướng đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, quy hoạch điểm xử lý chất thải rắn thông thường tập trung là quy hoạch mở, chia làm 2 mô hình gồm mô hình khu vực liên xã và mô hình khu vực huyện, thành phố. Sẽ không còn xử lý theo phương pháp chôn lấp, toàn bộ điểm xử lý chất thải cấp xã sẽ chuyển về khu xử lý tập trung khu vực liên xã hoặc khu vực huyện với công nghệ xử lý tiên tiến. Khi đó các điểm xử lý khu vực xã sẽ trở thành các điểm trung chuyển tập kết. 

Đến năm 2035 sẽ kết hợp đồng thời cả khu xử lý khu vực liên xã và khu vực huyện nâng thành quy hoạch vùng liên huyện hoặc toàn tỉnh với công nghệ xử lý tiên tiến như xử lý kết hợp phát điện. Các khu liên xã sẽ là các điểm trung chuyển xử lý ban đầu. Theo quy hoạch, tổng số điểm xử lý rác thải tập trung đến năm 2025 là 13 điểm, định hướng đến năm 2035 mỗi huyện 1 điểm xử lý tập trung. Tổng nhu cầu vốn đầu tư mạng lưới điểm xử lý chất thải rắn tập trung đến năm 2025 trên toàn tỉnh là 1.155 tỷ đồng, bằng nguồn vốn xã hội hóa từ các nhà đầu tư cùng với vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ theo cơ chế của nhà nước và vốn hỗ trợ ODA cho chương trình xử lý rác thải. 

Cũng liên quan đến vấn đề xử lý rác thải, các đại biểu đã nghe tình hình triển khai dự án nhà máy xử lý rác thải công suất 300 tấn/ngày và phát điện 5MV tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình của Công ty cổ phần môi trường xanh Thái Bình.

Các đại biểu đã tập trung phân tích về tính khả thi của các địa điểm được quy hoạch làm điểm xử lý không chôn lấp chất thải rắn thông thường tập trung tại các huyện, thành phố. 

Phát biểu kết luận, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, thời gian qua tỉnh Thái Bình đã có nhiều cơ chế và biện pháp xử lý rác thải, cơ bản giải quyết được hiện tượng ô nhiễm môi trường gây bức xúc trong cộng đồng dân cư. Tuy nhiên vẫn tồn tại một số vấn đề cần phải giải quyết. 

Trên cơ sở các ý kiến của đại biểu, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh cho rằng, hiện chưa thể phê duyệt được Đề án quy hoạch này. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh, Đề án cần phải đánh giá đúng thực trạng về thu gom, vận chuyển và khả năng xử lý rác thải hiện nay. Trong quy hoạch nhất thiết phải có điểm trung chuyển rác. Về lâu dài, toàn tỉnh chỉ nên có 3 điểm xử lý tập trung là phù hợp, còn trước mắt, mỗi huyện cần có 1 điểm xử lý rác tập trung, sau này sẽ là điểm trung chuyển rác. Đề án cần nêu rõ cơ chế khuyến khích hỗ trợ điểm xử lý rác tập trung liên vùng. Các huyện, thành phố khẩn trương tuyên truyền, vận động người dân, tạo sự đồng thuận về địa điểm xử lý rác. 

Đồng chí thống nhất phương thức đầu tư nhà máy xử lý rác sẽ chủ yếu bằng nguồn vốn xã hội hóa, ngân sách nhà nước hỗ trợ phần xử lý rác, người dân trả tiền cho việc thu gom rác. Quan điểm xử lý rác là phải dùng công nghệ hiện đại, trước mắt duy trì cơ chế hiện tại, sau sẽ bỏ dần. Giao Sở Xây dựng tiếp thu ý kiến các đại biểu hoàn thiện Đề án trình UBND tỉnh phê duyệt.

Liên quan đến dự án nhà máy xử lý rác thải tại phường Tiền Phong, thành phố Thái Bình, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh thống nhất với đề xuất của doanh nghiệp, gia hạn thời gian đầu tư thực hiện dự án, trên cơ sở đó Công ty cổ phần môi trường xanh Thái Bình phải có văn bản cam kết, đưa ra mốc thời gian cụ thể hoàn thành dự án. Giao Văn phòng UBND tỉnh, Sở Kế hoạch và đầu tư phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn nhà đầu tư triển khai các bước đi tiếp theo phù hợp với chủ trương của tỉnh.


+ Cũng trong sáng 2-1, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu nghe báo cáo phương án xử lý đối với việc sử dụng đất một số dự án tại phường Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình.

Dự án Khu phố 3,4 Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình được UBND tỉnh cấp phép đầu tư xây dựng cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD năm 2004 trên diện tích đất hơn 87.100m2, trong đó nội dung và quy mô đầu tư gồm hạ tầng kỹ thuật và xây dựng nhà ở để kinh doanh.

Từ đó đến nay, trong quá trình thực hiện dự án đầu tư đã phát sinh một số vấn đề vướng mắc cần phải giải quyết. Tại cuộc họp, Sở Tài nguyên và Môi trường đã báo cáo việc tham mưu UBND tỉnh giải quyết đề nghị của Bộ Xây dựng tại văn bản số 2725 ngày 31/10/2018 về xem xét có ý kiến đối với phương án sử dụng đất sau cổ phần hóa tại Dự án Khu phố 3,4, Khu đô thị mới Trần Hưng Đạo, thành phố Thái Bình. 

Về vấn đề này, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Tài nguyên và Môi trường tham mưu trình UBND tỉnh phương án giao đất cho Tổng công ty Đầu tư phát triển nhà và đô thị HUD sử dụng sau cổ phần hóa. Đối với khu đất giáo dục, phía Tổng công ty HUD cần hoàn thiện việc bàn giao cho thành phố Thái Bình, việc nhà đầu tư đề nghị nhà nước bồi hoàn chi phí đầu tư hạ tầng ở khu đất là không có căn cứ. Giao thành phố Thái Bình khẩn trương triển khai dự án đầu tư vào khu đất này đúng mục đích.

Cao Biền 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...