Không chủ quan với nguy cơ xâm nhập đậu mùa khỉ

Thứ 4, 24/08/2022 | 00:00:00
1,208 lượt xem

Dù Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc đậu mùa khỉ, nhưng việc Tổ chức Y tế thế giới tuyên bố dịch bệnh này là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, đồng nghĩa với nguy cơ dịch xâm nhập là rất cao. Theo chuyên gia của WHO, Việt Nam công bố có bệnh nhân mắc đậu mùa khỉ chỉ là vấn đề thời gian, không loại trừ khả năng đã có sự lây truyền trong cộng đồng.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cảnh báo nguy cơ xâm nhập bệnh đậu mùa khỉ vào Việt Nam là rất cao

Chỉ trong 7 ngày qua, có tới hơn 4.000 ca bệnh đậu mùa khỉ trên thế giới được báo cáo. Tổng số ca bệnh đến nay là trên 22.000. Trong đó, 7 quốc gia và vùng lãnh thổ ở gần Việt Nam như: Nhật Bản, Trung Quốc… đã ghi nhận 62 ca bệnh. Đậu mùa khỉ lây khi tiếp xúc trực tiếp gần, qua vết thương, dịch cơ thể, giọt bắn của đường hô hấp và qua tiếp xúc với các vật dụng, đồ dùng nhiễm mầm bệnh. Sự lây truyền còn có thể xảy ra từ mẹ sang thai nhi. Do tốc độ lây nhanh nên nguy cơ dịch lan rộng hơn nữa là rất lớn. 

 


Bác sĩ Đồ Hồng Hiên, Chuyên gia dịch tễ, Tổ chức Y tế thế giới tại Việt Nam: “Thời điểm này chúng tôi nhận thấy rằng nguy cơ xâm nhập vào Việt Nam là hoàn toàn có thể, hơn nữa xu hướng gia tăng ca bệnh trên toàn cầu còn đang là báo cáo thiếu, chưa đầy đủ.”




GS.TS Phan Trọng Lân, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế: “Ngay từ trường hợp đầu tiên thông báo từ tháng 5 thì Bộ Y tế đã chỉ đạo 63 tỉnh thành phố tăng cường giám sát, kể cả sau khi có thông báo mới của WHO thì Bộ đã chỉ đạo và kích hoạt trung tâm khẩn cấp và họp với các tổ chức thế giới về tình hình dịch.”


Trong hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ, Bộ y tế nhấn mạnh công tác phòng dịch cho người nhập cảnh 

Mới đây, Bộ Y tế đã ban hành hướng dẫn tạm thời giám sát và phòng chống bệnh đậu mùa khỉ. Trong đó đề nghị người nhập cảnh từ quốc gia, khu vực có dịch bệnh đậu mùa khỉ lưu hành cần tự theo dõi sức khỏe trong vòng 21 ngày kể từ ngày nhập cảnh. Tại Thái Bình, các địa phương cũng đang tăng cường quản lý chặt di biến động dân cư để kịp thời khoanh vùng, xử lý nếu có ca nghi nhiễm.



Ông Vũ Quý Dũng, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đông Hưng, huyện Đông Hưng: “Chúng tôi cũng tuyên truyền, chỉ đạo các ban ngành đoàn thể giám sát công dân từ nước ngoài về địa phương, đặc biệt là tăng cường công tác vệ sinh môi trường phòng chống dịch” 





Ông Phạm Bá Hoành, Chủ tịch UBND xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương: “Chúng tôi gắn trách nhiệm tổ Covid cộng đồng cũng là tổ theo dõi quản lý dịch đậu mùa khỉ, nếu có di biến động con em ở nước ngoài về thì báo trạm y tế để làm các biện pháp phòng chống tốt nhất.” 


Nhiều ca bệnh đậu mùa khỉ có triệu chứng không điển hình gây khó khăn cho ngành y tế trong phát hiện và phân loại bệnh 

Vấn đề khó khăn trong chẩn đoán lâm sàng ca bệnh đậu mùa khỉ là việc xuất hiện các ca bệnh có triệu chứng không điển hình. Ngành y tế Thái Bình đang tăng cường tập huấn nâng cao năng lực giám sát, phát hiện, điều trị ca bệnh đậu mùa khỉ cho cán bộ y tế, sẵn sàng nhân lực và trang thiết bị ứng phó với mọi tình huống dịch. Đẩy mạnh tuyên truyền về tình hình dịch bệnh, tác nhân, đường lây, các dấu hiệu khi mắc bệnh và biện pháp phòng tránh tạm thời.


Bác sĩ Nguyễn Thị Hằng, Trưởng khoa Truyền nhiễm, BVĐK Hưng Nhân: “Để phòng chống đậu mùa khỉ, chúng tôi khuyến cáo tránh tiếp xúc với động vật có virus đậu mùa, không ăn động vật không rõ nguồn gốc, ăn chín, uống sôi. Không tiếp xúc trực tiếp với người có nguy cơ nhiễm. Không sờ, động vào những vật dụng của người nghi nhiễm. Chủ động phát hiện những triệu chứng nghi ngờ như sốt cao, phát ban, sưng hạch, đau nhức các khớp để đến cơ sở y tế phát hiện sớm, điều trị kịp thời.” 

Bệnh đậu mùa khỉ có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch

Bệnh đậu mùa khỉ có thời gian ủ bệnh từ 5-21 ngày. Bệnh có thể diễn biến nặng ở trẻ em, phụ nữ có thai hoặc người bị suy giảm miễn dịch. Hiện, WHO đã hỗ trợ sinh phẩm xét nghiệm cho các cơ sở xét nghiệm tại Việt Nam. Đồng thời khuyến cáo đã có vaccine hiệu quả tới 80% với dịch bệnh nguy hiểm này, song Việt Nam chưa nên tiêm rộng rãi mà chỉ sử dụng trong trường hợp thực sự cần thiết. 

Hà My


  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...