Giữ gìn và phát huy nét đẹp của tín ngưỡng thờ Mẫu

Thứ 5, 16/02/2017 | 17:19:00
3,749 lượt xem

Tháng 12/2016 “Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ của người Việt” đã được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Với việc được vinh danh, làm thế nào để gìn giữ nét đẹp trong việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu Tam Phủ, để đạo Mẫu xứng tầm là di sản, là niềm tự hào của người Việt cũng là vấn đề cần tìm câu trả lời.

Hoạt động nổi bật của Tín ngưỡng thờ Mẫu là nghi lễ hầu đồng, mang giá trị văn hóa nghệ thuật độc đáo. Tuy nhiên, tình trạng một số người không có căn cốt hầu đồng nhưng chạy theo loại hình diễn xướng này như một sự cuồng tín đang diễn ra hàng ngày. Không khó để bắt gặp một giá hầu kỳ lạ ... khi mà nhân vật được hầu không nằm trong hệ thống thần linh của người Việt mà lại bước ra từ phim Tây du ký, có khả năng chữa bách bệnh tiêu tan, hoạn nạn tiêu trù. Trang điểm, trang phục, tạo hình như ma quỷ ... vũ đạo không theo một quy chuẩn truyền thống, văn ca xuyên tạc, chiếu hầu bát nháo, ban thờ cẩu thả, không có sự tôn nghiêm. Cung văn thì học hát vội vã qua băng từ, xuyên tạc lời ca dâng Thánh, đem dòng nhạc ngoại lai vào các vấn hầu. Thanh đồng thì thiếu kiến thức về đạo Mẫu, không tuân thủ các quy chuẩn về trang phục, vũ đạo trong mỗi giá hầu và đặc biệt là sáng tạo ra những giá hầu mới, làm biến tướng nét đẹp của Tín ngưỡng thờ Mẫu. Hầu đồng theo nghi lễ truyền thống hiện không được mặn mà, trong khi những biến tướng khó kiểm soát lại hút khách và liên tục mở rộng tầm ảnh hưởng.

Qua đó, chúng ta không khỏi giật mình khi mà nghi thức hầu Đồng trong đạo Mẫu đang bị biến tướng trầm trọng. Vậy làm thế nào để tín ngưỡng thờ Mẫu mãi mãi giữ được giá trị nhân văn, nét trong sáng và truyền thống vốn có từ ngàn đời nay của người Việt. Câu trả lời chính là ở các thanh đồng bản phủ và bản thân những tín đồ phụng thờ đạo Mẫu.

Nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ đáp ứng nhu cầu trong đời sống thường nhật của con người là cầu tài, lộc, sức khỏe.

Nghi thức hầu đồng trong tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ như một “bảo tàng sống” lưu giữ lịch sử, truyền thuyết và bản sắc văn hóa, đáp ứng nhu cầu trong đời sống thường nhật của con người là cầu tài, cầu lộc, cầu sức khỏe… Khi gặp những vấn đề trắc trở trong cuộc sống không thể vượt qua, cần có tín niệm để dựa vào thì nhiều người lại tìm đến cửa Mẫu như một cứu cánh.Tuy nhiên càng ỷ lại vào thế lực siêu nhiên với ước mong ban phát tài lộc, tai qua nạn khỏi thì người ta lại càng dễ bị lợi dụng. Chính vì vậy, mỗi người cần có sự nhìn nhận đúng đắn trong việc cầu khấn, gửi gắm vào đó niềm tin chứ không phải là sự mê tín.

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh: “Để cho dân hiểu giá trị của tục thờ Mẫu, thực hành tín ngưỡng thờ mẫu trong hầu bóng hát văn trong thờ Mẫu. Trong một chừng mực nào đó cũng nên có thông tin để người dân hiểu được cái việc người ta cầu tài cầu lộc, cầu công danh là không sai. Thế nhưng đã tính toán đến việc phải đi chữa bệnh, hoặc phải nghe lời thánh phán thì cũng cần phải tỉnh táo hơn và có những cái nhận thức rõ ràng hơn”.

Để Tín ngưỡng thờ Mẫu giữ được những giá trị truyền thống, phù hợp với thuần phong mỹ tục, thì các thanh đồng bản phủ, thủ nhang đồng đền giữ một vai trò quan trọng bởi họ là những người trực tiếp thực hành tín ngưỡng là cầu nối giữa đạo Mẫu và con nhang đệ tử. Là nghệ nhân ưu tú duy nhất của tỉnh Thái Bình được vinh danh trong lĩnh vực thực hành tập quán xã hội và tín ngưỡng , đồng thầy Nguyễn Thị Nhỡ tin rằng để giữ gìn nét đẹp của đạo Mẫu và nghi thức hầu đồng thì Đạo đức của người đồng thầy là điều quan trọng nhất. Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhỡ chia sẻ: “Người thanh đồng, người làm con của Mẫu phải giữ gìn được đạo đức , để mình tôn vinh được đạo Mẫu của mình lên, không để nó biến dạng từ dạng này sang dạng khác, lúc nào cũng phải gìn giữ và bảo tồn”.

Đồng thầy Nguyễn Thi Nhỡ luôn chỉn chu trong mỗi vấn hầu, từ trang phục đến cung văn, vũ đạo.

Khi thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO vinh danh là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, thì trách nhiệm của người đồng thầy trong công tác bảo tồn di sản lại càng lớn hơn nữa. Là người đã có trên 40 năm phụng thờ Thánh  Mẫu và các vị thánh Trần Triều, đồng thầy Nguyễn Thi Nhỡ luôn chỉn chu trong mỗi vấn hầu, từ trang phục đến cung văn, vũ đạo luôn đảm bảo sự tôn nghiêm, thành kính, thể hiện đúng giá trị tinh thần là ca ngợi công ơn của các vị thánh, Mẫu, tái hiện lại hình ảnh oai hùng của  các vị tướng quân đã có nhiều công lao xây dựng và bảo vệ đất nước.

Nghệ nhân ưu tú Nguyễn Thị Nhỡ cho biết thêm: “Mình cảm thấy vai trò của mình là người đồng thầy, phải gánh nặng hơn nữa, có trách nhiệm hơn nữa. Luôn dìu dắt, truyền tải, hướng dẫn và truyền dạy cho các đệ tử con hương của mình. Mặc dù tuổi già nhưng ý chí của mình không để cho già được, phải phấn đấu dạy bảo cho các thế hệ về sau”. 

Tiến sỹ Frank Proschan - Một nhà nhân học/dân tộc học và là một chuyên gia về di sản văn hóa phi vật thể của UNESCO (2006-2015) đánh giá về nghệ thuật hầu đồng "Hơn bất kỳ quyển sách khô cứng, bức tranh hay bức tượng nào, Lên đồng là một bảo tàng sống động... Những người tham gia hầu đồng chính là những người quản lý bảo tàng và bảo vệ cho văn hóa Việt Nam. Việc làm của họ đảm bảo cho các thế hệ tương lai vẫn sẽ tiếp tục có cơ hội được chiêm ngưỡng những khía cạnh khác nhau của văn hóa Việt Nam". 

 
  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...