Giắng chẳng bại

Thứ 5, 20/11/2014 | 14:54:43
1,253 lượt xem

Đã gần 50 năm, ông Phạm Minh Giắng, xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình vẫn nằm đó với một tư thế duy nhất: Nằm ngửa. Thế mà từ chiếc giường bệnh được thiết kế đặc biệt, những bài thơ vẫn bay lên, những tiếng cười và các tiểu phẩm hài vẫn theo các trang báo viết và báo điện tử đi đến muôn nơi bằng bút danh "Phạm Minh Giắng".

Ông Phạm Minh Giắng làm thơ

Ông Phạm Minh Giắng sinh năm 1950, tại xã Thái Phúc, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình trong một gia đình nông dân nghèo. Tuổi thơ cậu bé đầy nước mắt và bất hạnh. Ký ước tràn về trong lời kể của ông :  "1 tuổi thì bố tôi đi bộ đội rồi hy sinh, 2 tuổi thì mẹ tôi mất. Từ đấy rồi ở với bà nội đến 13 tuổi bị bệnh đa khớp, đến năm 15 tuổi thì nằm thế này thôi. Đến năm 1970 bà nội mất rồi ở với gia đình bà bác, năm 1985 lên Trung tâm Bảo trợ Xã hội tỉnh". 

Anh em, họ hàng thân thiết không còn ai, năm 1985, Phạm Minh Giắng tìm đến với Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh Thái Bình - Nơi đây, có những con người cùng cảnh ngộ. Ong tìm thấy niềm vui, sự sẻ chia, lạc quan và yêu đời. " Sống để mà sống là phải hoạt động. Hoạt động cho bản thân là 1 phần, hoạt động cho xã hội. Có như thế cuộc sống nó mới sinh động được.”  ông Giắng chia sẻ.

Nhằm hiện thực hóa khát vọng ấy và cũng là để trải lòng mình với mọi người, ông tập làm thơ, viết báo. Dẫu biết nghề viết chẳng hề đơn giản, có thể là hạnh phúc hoặc tai ương, song chẳng có quyền lựa chọn.  Con tạo xoay vần thật trớ trêu. Tật bệnh làm các ngón tay cứng đờ, thuỗn dại. Hằng ngày, một thầy, một trò phải nhọc nhằn vật lộn với từng con chữ. Ông Giắng trải lòng: "Viết mà mình chỉ viết hời hợt thôi thì ai người ta đọc mà còn cười nữa. Nên phải viết cho sâu sắc. Do vậy mà mình phải nghĩ nhiều lắm.”

Chính vì thế mà mỗi ngày sống của Phạm Minh Giắng tựa như vượt qua một đoạn dốc. Với trình độ học vấn lớp 7 dở dang, lại chẳng qua một khóa đào tạo về nghề viết thì đây là thử thách quá lớn. Có những lúc ánh sáng cuộc đời chỉ như đốm lửa vụt tắt trong đêm đen dày đặc. “ Trước kia làm mãi chẳng được thành ra cũng chán. Nghĩ là chắc mình không làm được rồi.” Ông Giắng kể lại tâm trạng của mình lúc đó.

Thất bại vẫn không nhụt chí.

Thất bại là vậy, song Phạm Minh Giắng chẳng nhụt chí. Thời điểm bấy giờ, sách báo ít, nên cách thức

 Theo ông Phạm Minh Giắng: " Mình cứ chắp nối cái nghe được, đọc được, tìm được rồi nó cũng thành một hệ thống.”

chủ yếu để tích lũy, nâng cao kiến thức bản thân là nghe Đài Tiếng nói Việt Nam. Nghe từ sáng sớm cho đến đêm khuya. Trong đó, nghe nhiều nhất vẫn là chương trình đọc chuyện đêm khuya, bút ký và tiếng thơ. 

Ông Giắng còn tích cực tham gia các cuộc thi sáng tác về thơ và tiểu phẩm hài do Báo, Đài Trung ương, các ngành, địa phương tổ chức. Ông vinh dự đoạt được nhiều giải thưởng: Giải đặc biệt cuộc thi thơ về dân số và chất lượng cuộc sống ( Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức năm 1998); Giải nhì thi thơ "Một thế giới, một tâm hồn" (Hội Bảo trợ người tàn tật Thái Bình năm 1999); Giải khuyến khích hài truyền thanh 1999-2000 ( Đài Tiếng nói Việt Nam tổ chức); Giải khuyến khích cuộc thi viết về đề tài thương binh liệt sĩ 2006-2007 (Sở LĐTB&XH Thái Bình phát động). Nhà báo Nguyễn Thị Kim Cúc, Nguyên Phó Tổng giám đốc Đài TNVN có sự khâm phục đặc biệt: "Với một tư thế duy nhất là nằm ngửa và như nhà thơ Đỗ Trọng Khơi đã nói:"Ngửa để thở, ngửa để ăn, ngửa để viết" nhưng với anh Phạm Minh Giắng thì có thể nói là sự kì diệu. Những người bình thường chúng ta khó có thể làm được.”

Những bài thơ được ông Giắng viết bằng tư thế nằm ngửa

Truyền cảm hứng qua những vần thơ.

Ông Giắng, một nhà thơ thật đặc biệt! Sau bao thai nghén,  "vị thi sĩ không bao giờ ngồi" này đã cho ra đời "mẹ tròn con vuông" tập thơ "Giọt mưa ngâu" ( năm 2008), tập thơ "Mười con mắt nhớ" (năm 2009). Hiện nay, ông đang hoàn thiện tập thơ thứ 3 mang tựa đề "Huệ trắng". Đọc thơ ông, chúng ta tìm thấy một tâm hồn rất đẹp đẽ của Phạm Minh Giắng. Đó là tình yêu làng quê, tình yêu gia đình, tình yêu đất nước. Yêu những gì gắn bó mật thiết, bình dị: Cây đa bến nước, sân đình và những người dân quê thật thà, chân chất và dung dị.

"Nào ai khéo vẽ tranh xuân

    Mông cong ngúng ngoảy, vạy thân ra đồng

Đòn gánh võng thắt lưng ong

Gánh cho rõ mặt, lúa đong nong vàng." 

(Trích:Tranh xuân_ Mười con mắt nhớ)

Đọc và cảm nhận, hiểu về cuộc đời của ông Giắng, nhà thơ Đặng Vương Hưng, Chủ nhiệm Wesite Lucbat.com  cho rằng: Những bài thơ của anh Giắng nó không chỉ là cảm xúc của một người làm thơ  mà còn là tâm trạng của người "phải sống". Tôi dùng "phải sống" vì cái số phận hết sức đặc biệt vượt lên trên nỗi đau, vượt lên trên bệnh tật, vượt lên căn bệnh hiểm nghèo, vượt lên cuộc đời bất công . “

Trong những vần thơ viết về thiên nhiên của ông, còn ẩn chứa nhiều ý nghĩa cuộc sống nhân sinh và cách ứng nhân xử thế giữa người với người:

Ngày xuân trống hội thì thùng 

Múa may như gió, tiệc tùng như mưa  

Đây xóa đói, đó dư thừa

Nghĩa ân nhân lộc, lọc lừa bỏ đi”.

Không những vậy, đọc thơ của Phạm Minh Giắng, chúng ta còn như nghe thấy tiếng cười trẻ trung, hóm hỉnh, đôi khi còn tếu táo giỡn đùa của một chàng trai trẻ . Nhà thơ Đỗ Trọng Khơi, Hội viên Hội VHNT Thái Bình bày tỏ : " Đọc thơ của Phạm Minh Giắng thấy rất nhiều niềm vui. Đấy là cái quý. Tiếng cười của tất cả mọi người đều đã quý rồi nhưng tiếng cười của những người bệnh trọng như anh em chúng tôi thì điều ấy nó quý hơn nhiều lần. Và Phạm Minh Giắng là một tác giả đã làm được những điều này."

Không chỉ làm thơ, ông Giắng còn là cộng tác viên tích cực của Báo Văn nghệ, Tuổi trẻ cười, Làng cười, Quân đội Nhân dân, Đài Tiếng nói Việt Nam. Kể từ năm 2009, khi được Trung tâm Bảo trợ Xã hội Thái Bình cùng bạn bè giúp đỡ mua máy vi tính, ông Giắng lại là một trong những thành viên tích cực của một số website. Đây là cửa sổ phương tiện giúp ông có thể dễ dàng hòa nhập với cộng đồng mạng và cả thế giới. Nhờ niềm đam mê văn thơ, báo chí, ông đã nhận được sự sẻ chia của bạn bè yêu thơ khắp các vùng miền trong cả nước. Trong đó, có cả những người đồng cảnh ngộ. Bên cạnh sự giao lưu, trao đổi về văn thơ, họ còn  chia sẻ những buồn, vui trong cuộc sống.

Nghị lực sống đáng trân trọng.

Nếu như trước kia là những lá thư, hoặc cuộc điện thoại thì nay là những phản hồi trên mạng. Thậm chí, một số người còn phổ nhạc cho thơ và gửi tặng ông cả những Video Clip. " Tình yêu của mọi người đã tạo động lực cho mình. Mình phải sống tiếp, làm việc tiếp để đền đáp những tình cảm ấy...” Ông Phạm Minh Giắng tâm sự.

Những suy nghĩ ấy được thể hiện rõ trong mỗi hành động, việc làm, dù là nhỏ nhất. Trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày, ông đều nỗ lực cố gắng làm những việc có thể làm được để đỡ phiền lụy  mọi người xung quanh.  Mặc dù nằm trên giường gần nửa thế kỷ nhưng anh Giắng vẫn đóng góp cho cộng đồng và xã hội. Bằng chứng là 2 tập thơ đã ra đời  và rất nhiều bài thơ khác được giới thiệu trên trang lục bát Việt Nam và cả những tờ báo như: Tuổi trẻ cười, những làn sóng của Đài Tiếng nói Việt Nam, Đài PTTH Thái Bình và trên nhiều tờ báo khác nữa. Rất nhiều bạn đọc của trang web đánh giá cao về tính nhân văn qua thơ, lời chia sẻ của  anh Giắng trên lucbat.vn và những tờ báo, mạng khác của cộng đồng.” Đặng Vương Hưng- Chủ nhiệm Wesite Lucbat.com nhận xét.

 Tác giả trò chuyện cùng nhà thơ Phạm Minh Giắng

Mỗi lần gặp Phạm Minh Giắng lại gợi nhớ trong tôi nhân vật Paven trong cuốn tiểu thuyết "Thép tôi đã thế đấy" của nhà văn Nicolai Otrosxki. Và mỗi khi gặp khó khăn trong cuộc sống, mỗi lần nghĩ về ông, tôi lại nhớ câu nói trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng ấy " Cái quý giá nhất của con người ta là sự sống. Đời người chỉ sống có một lần. Phải sống sao cho khỏi xót xa, ân hận vì những năm tháng đã sống hoài, sống phí, cho khỏi hổ thẹn". Phạm Minh Giắng đã sống cuộc sống có ích và đầy ý nghĩa. Nghị lực của ông thật phi thường, đáng để cho nhiều người học tập và noi theo.

 Duy Huy

( Tác phẩm đạt giải Báo chí Quốc Gia năm 2012)

 

  • Từ khóa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương

Nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...