Phát triển nhiệt điện than đi đôi với bảo vệ môi trường

Thứ 2, 17/12/2018 | 07:30:50
536 lượt xem

Tại Hội thảo “Cần có cái nhìn đúng về nhà máy nhiệt điện than” do Báo Lao động phối hợp với Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương tổ chức, không ít chuyên gia cho rằng, phát triển nhiệt điện than cùng với công nghệ hiện đại, bảo vệ môi trường là cần thiết để bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia.

Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống

Phát triển nguồn điện hài hòa

Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng cho biết, quan điểm chỉ đạo của Chính phủ là phải bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia. Trong đó, cần phát triển nguồn điện hài hòa, nhất là trong bối cảnh các thuỷ điện vừa và lớn cơ bản đã khai thác hết, các nguồn điện khác còn hạn chế.

Theo Bộ Công thương dự kiến điện năng sản xuất từ thủy điện năm 2030 chỉ chiếm khoảng 12,4%; nhiệt điện khí trong nước trữ lượng các mỏ bắt đầu suy giảm, chi phí sản xuất điện cao do giá khí cao, sơ bộ giá điện khoảng 2.700 - 2.800 đồng/kWh. Nguồn năng lượng tái tạo thì giá điện cao, vận hành không ổn định, phụ thuộc vào thời tiết và cần có nguồn dự phòng.

Phó Cục trưởng Cục Điện lực và Năng lượng tái tạo, Bộ Công thương Lê Văn Lực cho biết thêm, hiện nay nhiệt điện than cấp 37 - 38% điện năng cho nhu cầu điện năng của đất nước. Trong điện thương phẩm năm 2017, nhiệt điện than chiếm khoảng 176 tỷ kWh và năm 2018 chiếm 215 - 216 tỷ kWh. Theo tính toán quy hoạch được duyệt tới 2030, nhiệt điện than sẽ chiếm 53% điện năng cung cấp cho hệ thống.

Theo Chủ tịch Hội Khoa học Kỹ thuật nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa, tương lai của các nguồn năng lượng tái tạo ở Việt Nam rất rộng mở, song nếu xét trên thực tế thì Việt Nam đang ở giai đoạn 2 về phát triển điện năng, nhu cầu dùng điện tăng cao, nhiệt điện than vẫn là nguồn phát điện hợp lý nhất, hiệu quả nhất để đáp ứng nhu cầu điện năng rất lớn của đất nước. Trên thế giới, nhiều nước phát triển vẫn sử dụng nhiệt điện than với tỷ trọng lớn như Đức, Australia, Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ba Lan, Trung Quốc.

Trên thực tế, không chỉ tại Việt Nam, mà tại nhiều quốc gia, nhiệt điện than cũng đang được xem là “xương sống” ngành công nghiệp điện. Đại diện Tập đoàn Điện lực Hàn Quốc Bae Young - jin cũng cho biết, nhiệt điện than đóng góp nhiều cho sự phát triển của Hàn Quốc trong quá khứ, hiện tại và tương lai. Hiện công suất các nhà máy điện tại Hàn Quốc đạt khoảng 36.000MW, chiếm khoảng 32% tổng công suất. Năm 2017, công suất nhà máy điện khoảng 37.000MW, đến năm 2022 phát triển lên khoảng 42.000MW.

Chú trọng bảo vệ môi trường

Đại diện Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) cho biết, các nhà máy điện than chiếm 35,06% tổng công suất toàn hệ thống, trong đó EVN quản lý 12 nhà máy nhiệt điện than có tổng công suất đặt là 9.585MW, chiếm 23,14% toàn hệ thống. Các nhà máy nhiệt điện của EVN sử dụng các loại than antraxit nội địa hoặc than bitum, subbtitum nhập khẩu.

“Phát triển nhiệt điện than phải đi đôi với bảo vệ môi trường. Đối với những dự án mới, cũng như các nhà máy đang vận hành, sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát thực hiện quy trình vận hành, tăng cường giải pháp sử dụng tro, xỉ thạch cao để sản xuất vật liệu xây dựng không nung, san lấp công trình xây dựng” - Thứ trưởng Bộ Công thương Cao Quốc Hưng nhấn mạnh.

Phó Vụ trưởng Vụ Thẩm định đánh giá tác động môi trường, Tổng Cục Môi trường, Bộ Tài nguyên Môi trường Phạm Anh Dũng cho biết, nguồn thải từ nhiệt điện than gồm có khí thải lò hơi; nước thải công nghiệp, sinh hoạt và nước làm mát và chất thải rắn thông thường (bao gồm tro, xỉ), nguy hại. Hiện đã có nhiều văn bản pháp luật quy định về vấn đề này và các nhà máy cơ bản đã làm rất tốt.

Chủ tịch Hội Khoa học kỹ thuật nhiệt Việt Nam Trương Duy Nghĩa cho rằng, để phát triển nhiệt điện than, cần ưu tiên lựa chọn các công nghệ tiên tiến, hiện đại, có các thông số hơi trên siêu tới hạn để nâng cao hiệu suất các tổ máy, giảm tiêu thụ nhiên liệu và giảm phát thải ra môi trường, đáp ứng các quy định về phát thải của Việt Nam và quốc tế.

Trưởng ban Khoa học công nghệ và Môi trường, Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) Nguyễn Tân Bình khẳng định, các nhà máy nhiệt điện than của EVN đang sử dụng công nghệ hiện đại không thua kém các nhà máy trong khu vực và trên thế giới, đáp ứng tốt các yêu cầu về môi trường. Trong đó, phải kể đến một số nhà máy đã ứng dụng công nghệ siêu tới hạn (SC), công nghệ giảm thải carbon ra môi trường như Vĩnh Tân 4, Vĩnh Tân 4 mở rộng, Duyên Hải 3 mở rộng. Các nhà máy đầu tư từ những giai đoạn trước cũng đang được bổ sung hệ thống xử lý khí thải và nâng cấp dây chuyền thiết bị, giảm tác động môi trường, đồng thời nâng cao hiệu suất các tổ máy.

Bên cạnh đó, tất cả các nhà máy cũng được đặt hệ thống quan trắc tự động, truyền tín hiệu liên tục về Sở Tài nguyên và Môi trường các địa phương để theo dõi, giám sát liên tục 24/24. Sở Tài nguyên và Môi trường Quảng Ninh còn lắp đặt bảng thông tin thông số phát thải môi trường của tất cả các cơ sở sản xuất của tỉnh ngay trung tâm thành phố. Một số nhà máy điện đã lắp đặt bảng theo dõi các thông số phát thải môi trường của nhà máy ngay tại cổng ra vào của Công ty như Nhiệt điện Thái Bình.

“Các giải pháp về môi trường luôn được áp dụng đồng bộ, tuân thủ, vận hành hiệu quả và giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường xung quanh. Hiện nay, các kết quả đo đạc, phân tích cho thấy phát thải của các nhà máy thường thấp hơn nhiều lần so với quy chuẩn môi trường quy định” - ông Nguyễn Tân Bình khẳng định. 

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...