8 người con Thái Bình bất tử cùng Gạc Ma

Thứ 2, 14/03/2016 | 09:52:28
4,363 lượt xem

Ngày 14-3-1988, một cuộc chiến không cân sức đã diễn ra khi các chiến sĩ hải quân Việt Nam không hề có vũ khí trong tay, họ đã đứng thành vòng tròn, lấy thân mình bảo vệ chủ quyền của đất nước, quyết tâm giữ và cắm lá cờ Tổ quốc, khẳng định chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma. 64 chiến sĩ đã hy sinh, trong đó có 8 người con của quê hương Thái Bình. Máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tấm gương dũng cảm mưu trí đã ngã xuống để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc sẽ mãi mãi là những thiên sử anh hùng bất diệt.

Đây là bức thư của người chiến sĩ hải quân Nguyễn Minh Tâm (xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình) gửi cho vợ con trước khi theo chuyến hành trình ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ như thường lệ. Chúng tôi xin trích đoạn đầu của bức thư:

“Cam Ranh ngày 3/3/1988

Quý em yêu thương

Hai con yêu quý.

Anh đã hành quân vào Cam Ranh để chuẩn bị ra đảo ngày 1/3. Hôm nay, anh tranh thủ ghi thư này báo tin để em rõ. Vào thư anh chỉ có điều mong mỏi duy nhất là mẹ con em mạnh khỏe.

Quý em! Thấm thoắt thế mà đã hơn 1 năm chúng mình xa nhau với bao biến động của đời thường, với bao trăn trở. Nhớ em và các con đến cháy ruột, tưởng rằng qua Tết sẽ được về thăm gia đình, em và các con nhưng rồi lại có những thay đổi làm đứng người. Như vậy, thời gian phải xa em và các con không biết đến đâu. Gian khổ thiếu thôn anh chịu được nhưng chỉ lo cho em và các con. Cuộc sống với bao nhiêu vụn vặt và lo toan liệu em có đủ sức để chống chọi với nó không? Liệu một mình sức của em có đảm bảo được cho hai con của mình được lớn lên theo những yêu cầu tối thiếu của nó không? Cái đó chỉ chông chờ vào bàn tay cần mẫn của Em…”

Đó là những dòng tình cảm chan chứa yêu thương mà người chồng – người chiến sĩ hải quân Nguyễn Minh Tâm gửi cho vợ con trước khi theo chuyến hành trình ra đảo Gạc Ma làm nhiệm vụ như thường lệ. Và không ngờ, đấy cũng là bức thư cuối cùng của chồng mà chị Phan Thị Quý – cô giáo trường làng quê ở xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà nhận được. Đúng 11 ngày sau, ngày 14-3-1988, anh Nguyễn Minh Tâm cùng với 63 sỹ quan và chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam đã hy sinh anh dũng khi đang làm nhiệm vụ trên đảo Gạc ma, thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa.

Mẹ và vợ liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm thường lại những kỷ vật của về anh mỗi khi nhắc đến ngày 14-3 .

Gần 30 năm qua, bức thư đã trở thành kỷ vật thiêng liêng đối với chị Quý.  Không biết bao nhiêu lần chị Quý lần dở và đọc lại những dòng thư anh đã viết về như thế. Và lần nào cũng vậy, đọc những dòng thư của anh, chị đều không cầm được nước mắt. Những kỷ niệm về anh dường như vẫn đong đầy trong từng câu chữ, dòng thư, trong từng kỷ vật, tấm áo mà chị vẫn giữ suốt bên mình bao năm qua. Và nỗi nhớ ấy càng sâu sắc mỗi khi tháng 3 về. 

Nhắc về anh, chị Quý xúc động nói “ Gia đình tôi bao giờ cũng nhớ đến ngày hy sinh của liệt sĩ, chúng tôi làm giỗ cho anh rất là tày tận và khi các con tôi về gia đình chúng tôi thường ôn lại những kỷ niệm của tôi với anh cho các con, các cháu nghe.”

Năm nào cũng vậy, cứ đến ngày mất của liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm và các đồng đội, bà con hàng xóm ở thôn Hà Thắng, xã Dân chủ, huyện Hưng Hà lại đến thăm và động viên mẹ Nguyễn Thị Dư. Mẹ  vơi bớt  nỗi đau  vì đã gần 30 năm rồi nhưng hàng xóm, bạn bè và chính quyền vẫn nhớ đến anh. Cầm trên tay tấm bằng Tổ quốc ghi công mẹ như thấy anh trong bộ quân phục hải quân về thăm nhà lần cuối khi gia đình đang sửa sang lại ngôi nhà. Những câu chuyện về anh lại trở về qua những lời kể của mẹ. Mẹ kể: Anh Tâm hiền lắm, chịu khó lắm, cái gì anh cũng làm từ mò cua bắt ốc đến công việc nặng nhọc anh đều làm hết. Là con thứ 2 trong 8 người con của gia đình nên anh lúc nào cũng quan tâm đến các em, đến bố mẹ cả những khi anh đi học, vào bộ đội hay đã lập gia đình.

Giấu đi những giọt nước mắt đang trực dâng trào khi nghe mẹ và mọi người nhắc về anh trai mình (liệt sĩ nguyễn Minh Tâm), anh Nguyễn Mạnh Tùng khẽ quay mặt đi. Là em trai kế liệt sĩ nên tình cảm anh em anh hiểu rất rõ. Anh Tùng vẫn nhớ ngày anh mình mất, anh đang ở xa nhà. Khi nghe đài tiếng nói Việt Nam thông báo, anh không tin nổi vào tai mình. Vội đạp xe về nhà thì đã thấy đầy người trước sân. Anh bàng hoàng không tin bởi khi đó đất nước đã thanh bình rồi, chiến tranh đã kết thúc rồi vậy mà anh trai cùng đồng đội lại vĩnh viễn không trở về. 28 năm đã trôi qua, sự hy sinh mất mát to lớn đó của gia đình phần nào đã được san sẻ, nhắc về sự kiện ngày đó, anh Tùng cho biết: “ Năm 1988, anh trai của tôi đã hy sinh ở đảo Gạc Ma để bảo vệ chủ quyền biển đảo, trong suy nghĩ của tôi, anh tôi  hy sinh là một vinh dự đối với gia đình chúng tôi để bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.”

Lặng lẽ gấp lại gọn gàng tấm áo kỷ vật của chồng, chị Quý giấu nỗi buồn thật sâu trong lòng, chị tự hào vì anh đã hy sinh cho đất nước quê hương, tự hào vì ngày đó anh đã làm tròn nghĩa vụ của một người lính hải quân với Tổ quốc.

Mỗi năm, sức nặng của tuổi già cộng với nỗi đau mang mãi trong lòng khiến lưng mẹ Dư lại còng thêm, nhưng nỗi nhớ khắc khoải vẫn lặng lẽ mỗi khi tháng 3 về. Thay mặt chính quyền đến thăm mẹ và gia đình, ông Nguyễn Xuân Nghiêm – Cán bộ LĐ-TB&XH xã Dân Chủ, huyện Hưng Hà chia sẻ: “ Dân Chủ có 109 liệt sĩ, trong đó có 1 liệt sĩ là nguyễn Minh  Tâm hy sinh ở đảo Gạc Ma.  Địa phương luôn luôn thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước,  hàng năm, chúng tôi làm tốt chính sách hậu phương quân đội. Đây cũng là thể hiện truyền thống đạo lý uống nước nhớ nguồn và phát huy truyền thống cách mạng của địa phương thông qua tấm gương liệt sĩ Nguyễn Minh Tâm, trong thời gian qua, địa phương đã tuyên truyền giáo dục cho thế hệ trẻ hiểu hơn về sự hy sinh của liệt sĩ. Từ đó, có các hoạt động thiết thực hướng về biển đảo quê hương và chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.”

Trận chiến tại đảo Gạc Ma ngày 14-3-1988 ( Hình tư liệu).

Mỗi khi nhắc tới ngày 14-3-1988 là nhắc tới một cuộc chiến không cân sức diễn ra khi các chiến sĩ hải quân Việt Nam không hề có vũ khí trong tay đã đứng thành vòng tròn để lấy thân mình bảo vệ chủ quyền của đất nước, quyết tâm giữ và cắm lá cờ Tổ quốc khẳng đinh chủ quyền của Việt Nam tại đảo Gạc Ma (thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa). 64 sỹ quan và chiến sỹ Hải quân nhân dân Việt Nam hy sinh, hàng chục người bị thương, máu và thân xác các anh đã hòa cùng sóng biển nhưng tinh thần của các anh mãi mãi là thiên sử anh hùng bất diệt.

Anh Hùng lực lượng vũ trang – Đại tá Vũ Huy Lễ khi đó là thuyền trưởng tàu HQ- 505, tàu ông cùng với tàu HQ 604 và HQ 605 đang làm nhiệm vụ vận chuyển hàng hải trên biển ra các đảo Gạc Ma, Len Đao và Cô Lin thuộc quần đảo Trường Sa. Nhớ lại những ngày tháng 3 năm 1988 khi đó, đại tá Vũ Huy Lễ cho biết: “ Tàu chúng tôi đang neo đậu tại đảo Colin, gần đảo Gạc Ma thì Trung Quốc cho tàu chiến đến quan sát rồi bao vây tàu HQ 505 của chúng tôi. Chúng tôi quan sát sang bên đảo Gạc ma thì có tàu 604 của chúng tôi đang neo trực ở đấy. Ở bên này chúng tôi báo động chiến đấu và nhổ neo khẩn cấp sẵn sàng chiến đấu nếu như đối phương sang chiếm đảo Colin của chúng tôi.”

Tác giả bài viết tìm hiểu về Gạc Ma qua lời kể của thuyền trưởng Vũ Huy Lễ .

Trong tình huống đó, thuyền trưởng Vũ Huy Lễ chỉ huy khẩn trương sửa máy, rồi lệnh chạy cả hai máy tàu, lao thẳng lên bãi Cô Lin để vừa cứu tàu, vừa giữ đảo. Hơn 8 giờ sáng ngày 14/3/1988, tàu HQ-505 trườn được hai phần ba thân lên bãi Cô Lin thì bốc cháy. Lực lượng trên tàu vừa triển khai dập lửa cứu tàu, bảo vệ bãi Cô Lin, vừa đưa xuồng đi cứu vớt đồng đội ở phía Gạc Ma… Anh hùng lực lượng vũ trang, đại tá Vũ Huy Lễ cho biết thêm: “Trung Quốc cho 2 tàu chiến quay nòng súng sang tàu HQ 505 và bắn cấp tập, bắn xối xả. Đài chỉ huy của chúng tôi bị trúng đạn bốc cháy ngùn ngụt, tàu thủng nhiều ở dưới vạch mỡ nước nên nước tràn vào lênh láng cả. Trong khi đó gió mùa đông bắc thổi càng làm con tàu trôi xa đảo. Tôi dùng một máy tiến, một máy lùi để con tàu lao lên bãi cạn thì tàu ko thể chìm được nữa, sẵn sàng chiến đấu chống quân đổ bộ.”

64 chiến sĩ hải quân năm xưa, trong đó có 8 người con của quê hương Thái Bình đã hóa thành bất tử. Tháng 3 này, thêm một lần nhắc về các anh là thêm một lần là nhắc nhở các thế hệ hôm nay và mai sau nối tiếp truyền thống sẵn sàng chiến đấu hy sinh vì chủ quyền đất nước, vì bình yên, hạnh phúc của nhân dân.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...