Bảo hộ thương hiệu, đừng để "mất bò mới lo làm chuồng"

Thứ 3, 04/05/2021 | 00:00:00
904 lượt xem

Mới đây nhất, câu chuyện gạo ST24, ST25 bị doanh nghiệp nước ngoài đăng ký sở hữu trí tuệ đã khiến cộng đồng doanh nghiệp Việt lại thêm một phen “giật mình” bởi sự quá chủ quan trong việc bảo vệ “đứa con” của mình. Đã đến lúc doanh nghiệp cần thay đổi tư duy trong thương mại quốc tế, chủ động đăng ký bảo hộ thương hiệu khi xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài, tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng”.

Doanh nghiệp cafe Meet More mỗi tháng xuất khẩu hơn 40 tấn sản phẩm cà phê trái cây sang Hàn Quốc. Thế nhưng, vì chủ quan nên đã bị chính đối tác nhập khẩu của mình nhanh tay đăng ký quyền sở hữu trí tuệ. Hiện doanh nghiệp tiếp tục đối mặt nguy cơ bị mất thương hiệu ở thị trường Mỹ khi bị các đại lý nhập khẩu ở đây tiến hành đăng ký sở hữu trí tuệ trước.

Ông Nguyễn Ngọc Luận - Giám đốc chuỗi cà phê Meet More: "Tôi hết sức bất ngờ vì đây là một thương hiệu mới của mình, lại bị họ đi trước một bước. Ngay khi họ nhập container đầu tiên họ đã nhập đơn, còn toàn bộ logo của mình, họ không có logo gốc nhưng họ cắt trên các sản phẩm của mình ra."


Cùng với trường hợp mới nhất đây là gạo ST24 và ST25, thì cộng đồng DN Việt hẳn chưa quên câu chuyện Cà phê Buôn Ma Thuột bị đăng ký chỉ dẫn địa lý ở Trung Quốc, hay Thanh long Bình Thuận, nước mắm Phú Quốc… cũng bị doanh nghiệp nước ngoài “đánh cắp”. Câu chuyện không mới, nhưng cho đến nay vẫn chỉ có khoảng 6% doanh nghiệp có bộ phân thực thi sở hữu trí tuệ, phải chăng số còn lại không quan tâm bảo vệ "đứa con" của mình?


Ông Trần Lê Hồng - Phó Cục trưởng Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ:" Việc này lặp đi lặp lại, từ cơ quan chức năng tới hiệp hội, doanh nghiệp đã đề cập và đưa ra giải pháp nhưng vẫn xảy ra. Điều đó thấy nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và quy luật trong sử dụng quyền sở hữu trí tuệ trong kinh doanh đến bây giờ chưa được như mong muốn và DN chưa có kiến thức đầy đủ và chưa có kế hoạch kinh doanh phù hợp với việc sử dụng quyền sở hữu trí tuệ."

Ngoài mặt nhận thức chưa đầy đủ về quyền và cách thức đăng ký quyền sở hữu trí tuệ, thì kinh phí cũng là một khó khăn với doanh nghiệp. Tuy nhiên, quá trình dành lại thương hiệu, nếu lỡ bị nước ngoài đăng ký, thường kéo dài và tốn kém, có khi nhiều hơn cả khoản phí đăng ký ban đầu. 

Trên thực tế có tới hơn 90% hàng nông sản Việt Nam vào thị trường thế giới thông qua các trung gian, dẫn đến nguy cơ có thể bị mất quyền sở hữu trí tuệ ở nước ngoài nếu không nhanh chân.

Ông Nguyễn Thành Tựu - Luật sư điều hành Công ty Luật Nguyễn và Cộng sự: " Nếu doanh nghiệp xuất khẩu, thì hãy đăng ký ngay các nước, các thị trường mình dự định xuất khẩu ngay từ lúc nộp đơn đăng ký xác lập quyền, cái đó làm được thông qua các đơn vị dịch vụ/ để tránh trường trường nhãn hiệu của mình bị người khác đăng ký, có 1 số trường hợp là bị chính đại lý nhập khẩu đăng ký."

Trong bối cảnh Việt Nam đang là đối tác của rất nhiều quốc gia theo các Hiệp định thương mại tự do, như vậy, trước khi có ý định “mang chuông đi đánh xứ người” thì chính các doanh nghiệp Việt phải chủ động đăng ký bảo hộ sở hữu cho sản phẩm của mình, để tránh trường hợp “mất bò mới lo làm chuồng” như hiện nay./. 

Nguồn TTXVN

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...