Thái Bình: Vùng đất giàu truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng

Thứ 4, 24/10/2018 | 17:25:59
20,266 lượt xem

Không chỉ có truyền thống cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, Thái Bình còn chứa đựng cả một đời sống sinh hoạt văn hóa truyền thống, là quê hương của rất nhiều những bậc tiền nhân, những con người qua các thời đại đã từng góp sức mình làm rạng ngời thêm trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam.

Lễ hội chùa Keo

Từ ngàn xưa, đất đai tỉnh Thái Bình vốn là bãi bồi phù sa ven biển, có sức cuốn hút các thế hệ cư dân từ nhiều vùng miền đổ về khai phá, chung lưng đấu cật quai đê trị thủy, lấn biển, lập làng để tạo thành một miền quê trù phú nên Thái Bình từng được sử sách tôn vinh là “quê lúa, đất nghề”, là “kho người, kho của” cung cấp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử. 

Lễ hội Đền Trần Thái Bình

Từ năm 40 đầu Công nguyên, nữ tướng Vũ Thị Thục đã chọn vùng đất Thái Bình để dấy binh khởi nghĩa dưới cờ Hai Bà Trưng đánh đuổi quân Đông Hán, được Hai Bà Trưng phong tước hàm "Đông Nhung Đại tướng quân". Thế kỷ thứ VI, Lý Bí đã chọn vùng đất này làm nơi dấy nghĩa đánh giặc Lương dựng nước Vạn Xuân. Thế kỷ thứ X, tướng quân Trần Lãm chọn Thái Bình là nơi cát cứ, xây dựng lực lượng sứ quân mạnh nhất, làm nơi nương tựa cho Đinh Bộ Lĩnh thống nhất giang sơn, lên ngôi Hoàng đế, lập ra nư­ớc Đại Cồ Việt. Thế kỷ XIII, Linh từ Quốc mẫu Trần Thị Dung, người phụ nữ tài sắc vẹn toàn đã cùng với Thống quốc Thái sư Trần Thủ Độ tạo ra sự chuyển giao quyền lực từ triều đình nhà Lý sang vương triều Trần cường thịnh, võ công oanh liệt vào bậc nhất trong các triều đại phong kiến Việt Nam, ba lần đánh thắng giặc Nguyên Mông, xây dựng quốc gia Đại Việt hùng cường. 

Do chung đúc khí thiêng sông biển,Thái Bình còn là một vùng quê hiếu học, có rất nhiều những làng khoa bảng, những dòng họ hiếu học truyền đời. Hàng trăm trí thức đại khoa thời Nho học đã được bảng vàng, bia đá lưu danh, trong đó có nhiều vị đã trở thành danh nhân đất Việt mà tiêu biểu là nhà bác học Lê Quý Đôn. 

Do những đặc điểm về vị trí địa lý, địa hình và cư dân, Thái Bình là nơi hội tụ và lan tỏa các sắc thái văn hóa, văn minh của vùng châu thổ Đồng bằng Bắc Bộ. Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, các thế hệ tiền nhân xưa đã để lại trên đất Thái Bình hàng nghìn di tích văn hóa đặc sắc: đình, đền, miếu, chùa, từ đường, văn chỉ…, mà tiêu biểu nhất là 2 di tích được xếp hạng di tích Quốc gia đặc biệt, Chùa Keo, một trong những biểu tượng ngời sáng của bản sắc văn hóa Việt Nam; Khu lăng mộ và Đền thờ các vị vua triều Trần, niềm tự hào về vùng đất phát nghiệp đế vương đã sinh ra những bậc hiền tài khai sáng ra một vương triều lừng lẫy võ công, văn nghiệp. Nét đẹp trong văn hoá Thái Bình còn được hội tụ sâu sắc qua các loại hình văn hoá, nghệ thuật phong phú của các làn điệu dân ca, dân vũ đặc sắc, mà tiêu biểu là nghệ thuật chèo và múa rối nước. 

Nhà nghiên cứu văn hóa Nguyễn Thanh “ Thái Bình hội tụ các luồng cư dân đa cực về đây cho nên mới mang những sắc thái văn hóa của các vùng miền về đây và được Thái Bình hóa. Hiếu học ở ta có nhiều người đỗ khoa bảng và hiểu theo văn hiến, văn tự văn chương thì Thái Bình rực rỡ và phong phú. Là cửa ngõ của Biển đông nên các thế hệ cư dân ở đất này đã sớm hình thành và vun đắp nên những truyền thống nổi trội , giỏi thâm canh lúa nước và phát triển các nghề thủ công nên vùng quê này từng được sử sách tôn vinh là “quê lúa, đất nghề”, là “kho người, kho của” cung cấp nhân tài, vật lực cho sự nghiệp dựng nước và giữ nước ở mọi thời kỳ lịch sử”

 Xưa và nay, tỉnh Thái Bình từng được cả nước biết đến là một miền quê giàu truyền thống yêu nước và cách mạng. Trong các cuộc kháng chiến cứu quốc, những người con của quê hương Thái Bình đã chiến đấu, phục vụ chiến đấu, lao động sản xuất, học tập và công tác, lập nên những chiến công xuất sắc, góp phần vào chiến thắng chung của cả nước trong khởi nghĩa giành chính quyền năm 1945; trong kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước năm 1975; trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa. 

Thái Bình giữ gìn nét văn hóa tại các lễ hội truyền thống

 Trải qua hàng ngàn năm lịch sử, người dân Thái Bình luôn tự hào, bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống của quê hương. Đặc biệt, trong thời kỳ đổi mới, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh, cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh đã chủ động, tích cực khơi dậy các truyền thống quý báu của tỉnh, khai thác hiệu quả, tiềm năng và thế mạnh của quê hương để không ngừng đổi mới và phát triển. Những truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng quý báu của ông cha đã được duy trì, giữ vững và ngày càng phát triển, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân. Tuy nhiên theo nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Phạm Minh Đức thì công tác giáo dục truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước cách mạng vẫn còn bộc lộ những hạn chế 

Nhà nghiên cứu dân gian Văn hóa Phạm Minh Đức “Dưới góc độ nghiên cứu văn hóa trong những năm gần đây chúng tôi xuống cơ sở khi mà cơ chế thị trường vào đến vùng nông thôn và công nghiệp đang tiến dần thay cho nông nghiệp xa xưa thì tình trạng những di sản văn hóa của dân tộc bị mai một đi nhiều cho nên tôi nghĩ rằng đã đến lúc chúng ta cần phải có một Nghị quyết, có một chủ trương trước hết khẳng định lại những giá trị văn hóa của mỗi vùng quê ở Thái Bình trên cơ sở đó bảo tồn và phát triển”

Ông Nguyễn Văn Hán -Chủ tịch Hội Cựu chiến binhThái Bình: “Đất người Thái Bình có nét tính cách riêng “nói ít làm nhiều” trung thực, không chịu nhún nhường trước bất công cường quyền cho nên việc khơi dậy để giáo dục truyền thống, phát huy truyền thống đất và người Thái Bình là việc rất cần làm”

Khơi dậy và phát huy các truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước và cách mạng của tỉnh, là nhiệm vụ quan trọng,  nhằm làm cho các giá trị truyền thống của tỉnh gắn kết chặt chẽ, thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trong việc xây dựng khối đại đoàn kết, huy động các nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của tỉnh. Từ đó làm chuyển đổi hành vi của người dân,cộng đồng, xã hội, trong việc giữ gìn, phát huy các giá trị truyền thống của tỉnh, của dân tộc. Bảo tồn và phát huy các giá trị truyền thống gắn với xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh ở cơ sở, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức lối sống trong cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân. 

Nghị quyết Trung ương 5 (khóa VIII) về “Xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc” và Nghị quyết Trung ương 9 (khóa XI) về “Xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước” đều nhấn mạnh, “Chăm lo xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, trọng tâm là bồi dưỡng tinh thần yêu nước, lòng tự hào dân tộc, đạo đức, lối sống và nhân cách. Tạo chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức tôn trọng pháp luật, mọi người Việt Nam đều hiểu biết sâu sắc, tự hào, tôn vinh lịch sử, văn hóa dân tộc.” Đồng thời, “Huy động sức mạnh của toàn xã hội nhằm bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống”. Vì thế mà việc xây dựng Đề án “Tiếp tục khơi dậy, giáo dục và phát huy truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước và cách mạng của nhân dân Thái Bình” là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong phát triển kinh tế xã hội của Tỉnh 

Ông Nguyễn Văn Hán, Chủ tịch Hội Cựu chiến binh Thái Bình chia sẻ thêm: “Giáo dục truyền thống không chỉ bó gọn trong lớp trẻ tuy nhiên đây là thế hệ chúng ta phải tập trung nhưng chúng ta cũng phai giáo dục toàn dân, các thế hệ và những người đương đại biết trân trọng quá khứ của Thái Bình, biết vun đắp nâng niu truyền thống văn hóa văn hiến của Thái Bình để chúng ta tự hào là người Thái Bình thì phải xây dựng Thái Bình trở thành tỉnh giàu đẹp”

Bảo tồn, phát huy các giá trị truyền thống văn hóa, văn hiến, truyền thống yêu nước, cách mạng của cán bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ được nâng lên, góp phần hun đắp tình yêu quê hương, đất nước, làm nhân lên niềm tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng, vào chế độ XHCN. Những truyền thống văn hóa, văn hiến, yêu nước, cách mạng quý báu của ông cha đã và đang được duy trì, giữ vững và ngày càng phát triển, trở thành sức mạnh nội sinh quan trọng góp phần hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội, ổn định chính trị, giữ vững an ninh quốc phòng, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, xây dựng và hình thành nếp sống văn hoá, nhân cách tốt đẹp, thực sự là động lực to lớn để vượt qua mọi khó khăn thử thách, xây dựng và phát triển văn hoá, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu của thời kỳ CNH, HĐH đất nước.

Hồng Hạnh



Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...