Mô hình nông nghiệp thông minh ở miền Trung

Thứ 4, 29/06/2022 | 00:00:00
1,055 lượt xem

Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris tại Hà Tĩnh” (SIPA Hà Tĩnh) đã được triển khai từ năm 2020 đến tháng 6/2022 tại Hà Tĩnh với 5 mô hình nông lâm kết hợp phù hợp với khí hậu của địa phương. Bên cạnh việc giúp biến những ruộng hoang hoá thành những hồ tôm hoặc ruộng cỏ chăn nuôi... mang lại thu nhập cho người dân, các mô hình này còn giúp giảm ô nhiễm môi trường do không dùng phân bón hoá học, thuốc trừ sâu.

Nông dân Hương Sơn, Hà Tĩnh vui mừng với thành quả khi tham gia dự án

Theo đó, năm mô hình nông lâm kết hợp đã được triển khai tại Hà Tĩnh là phát triển hệ sinh thái vườn đồi tổng hợp, nuôi ong dựa vào hệ sinh thái vườn rừng và rừng trồng, trồng hành tăm thích ứng với biến đổi khí hậu theo hướng hữu cơ, nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt kết hợp phát triển hệ sinh thái vườn hồ và trồng cỏ chịu hạn phục vụ chăn nuôi.

Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Paris tại Hà Tĩnh” có hơn 3.560 hộ, tương đương 14.000 người tham gia.

Thông qua việc triển khai các mô hình, các hộ dân đã cải thiện khả năng thích ứng và sinh kế. Thu nhập của mô hình sau khi tham gia dự án tăng gấp 2-5 lần so với mô hình trước khi tham gia dự án.

Trước khi tham gia dự án, anh Nguyễn Duy Sinh ở thôn Ao Tròn, xã Sơn Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh, không bao giờ nghĩ mình sẽ bỏ cây lạc, để trồng cỏ chịu hạn. Dù ruộng lạc nhà anh cho năng suất rất thấp, chi phí tốn kém nhưng anh vẫn sản xuất, giống như cha và ông của anh vẫn làm như vậy. 

Niềm vui của anh Nguyễn Duy Sinh khi tham gia trồng cỏ chịu hạn nuôi bò trên đất bạc màu

Anh Sinh cho biết: “Cỏ này chịu được thời tiết ở đây. Cỏ vẫn xanh tốt dù trời nắng nóng, khô hạn và không bị sâu bệnh. Cỏ này có một cái là chỉ cần bón phân chuồng là xanh tốt rồi. Tôi trồng 2 sào cỏ là 5 con bò nhà tôi có cỏ tươi ăn quanh năm, chóng lớn và khoẻ mạnh. Năm tới, tôi sẽ trồng thêm một sào cỏ và nuôi thêm 2 con bò nữa.” 

Anh Sinh cũng cho biết thêm, cuối năm nay, xã Hương Sơn sẽ có khoảng 100 hộ trồng cỏ chăn nuôi gia súc như gia đình anh, nâng tổng diện tích trồng cỏ ở xã Hương Sơn lên 5ha.

Anh Võ Minh, một nông dân ở xã Vượng Lộc, huyện Can Lộc, tỉnh Hà Tĩnh đã chọn mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt để tham gia dự án. Nhờ dự án, anh đã biến ruộng lúa hoang hoá thành hồ nuôi tôm càng xanh. 

“Tôm càng xanh hợp với khí hậu nắng nóng ở đây, lại không phải dùng phân bón hoá học hay thuốc sâu như trồng lúa. Tôm bán đắt hàng, thu hoạch đến đâu là bán hết tới đó. Năm tới, tôi sẽ mở rộng diện tích hồ tôm lên tới 15 – 20ha.” - Anh Võ Minh nói.

Mẻ thu hoạch tôm của nhà anh Võ Minh sau khi tham gia dự án mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt

Anh Võ Minh cũng cho biết thêm, năm tới, anh sẽ cùng 5 hộ gia đình trong xã thành lập tổ hợp phát triển mô hình nuôi tôm càng xanh để hỗ trợ nhau trong chăn nuôi, bán hàng và xây dựng mô hình nuôi tôm sinh thái. 

Khác với các nông hộ khác, gia đình ông Võ Văn Giáp (xã Hương Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) tham gia dự án nuôi ong.  Gia đình ông được dự án SIPA hỗ trợ và cung cấp giống, tập huấn kinh nghiệm nuôi ong. Sau hơn một năm tham gia dự án, từ 10 tổ ong ban đầu, gia đình ông đã nhân lên được 17 tổ và thu được 100 lít mật ong/năm.

 Các tổ ong của gia đình ông Võ Văn Giáp (xã Hương Tiến, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) được dự án SIPA hỗ trợ 

Gia đình ông Trần Xuân Lý (xã Sơn Hồng, huyện Hương Sơn, Hà Tĩnh) đã thu được 1,2 tấn dứa nhờ tham gia dự án. Ông được dự án SIPA cung cấp giống dứa, cỏ lạc dại tập huấn kỹ thuật để trồng dứa và cỏ lạc dại trên các đường đồng mức trong vườn đồi của ông, xen canh giữa những cây cam bưởi. Cũng nhờ đó, đất vườn được giữ ẩm, giữ chất dinh dưỡng, cây cam, bưởi phát triển tốt hơn.

Các đại biểu tham gia hội nghị hứng thú với sản phẩm của 5 mô hình dự án

Bà Lê Thị Tầm, Giám đốc dự án SIPA Hà Tĩnh cho rằng: “Mô hình nuôi tôm càng xanh luân canh cá nước ngọt thu được hơn 200 triệu đồng/ha/năm. Mô hình hành tăm luân canh cây họ đậu cũng mang về 80 triệu đồng/ha/năm. Mô hình nuôi ong lấy mật cũng giúp bà con tăng thêm thu nhập từ 35- 40 triệu đồng mỗi năm. Ngoài ra, 1 ha cỏ chịu hạn có thể cung cấp thức ăn cho khoảng 8 con bò cho 1 năm. Chúng tôi rất phấn khởi khi đã góp phần hồi sinh những vũng đất thoái hóa và tạo ra sinh kế bền vững cho bà con nơi đây.”

TS. Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên Quốc gia của Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, chia sẻ thông tin tại dự án

Tại hội nghị quốc gia “Chia sẻ thông tin về kết quả dự án Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Pari tại Hà Tĩnh” ngày 23-24/6, TS. Nguyễn Quang Tân, Điều phối viên Quốc gia của Trung tâm Nghiên cứu Nông Lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam, đơn vị thực hiện dự án, cho biết: “Ba dự án do ICRAF và các đối tác của Dự án SIPA Hà Tĩnh xây dựng đã được nhà tài trợ phê duyệt. Các dự án này sẽ kế thừa và nhân rộng kết quả triển khai tại Hà Tĩnh sang tỉnh Thừa Thiên Huế, Quảng Bình và một số tỉnh miền Trung khác. Tổng ngân sách huy động được hơn 20 tỷ đồng. Thời gian triển khai các dự án là từ năm 2022-2025”.

Dự án SIPA Hà Tĩnh được hỗ trợ bởi Bộ Môi trường, Bảo tồn Thiên nhiên và An toàn Hạt nhân (BMU), Tổ chức Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) ủy quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ) và do ICRAF Việt Nam thực hiện.

Dự án “Hỗ trợ Việt Nam thực hiện Thỏa thuận Pari tại Hà Tĩnh được tài trợ bởi Bộ Kinh tế và Bảo vệ Khí hậu liên bang Đức (BMU) trong khuôn khổ hỗ trợ của quỹ Sáng kiến Khí hậu Quốc tế (IKI) uỷ quyền cho Tổ chức Hợp tác Phát triển Đức (GIZ). Các hoạt động ở Hà Tĩnh do Tổ chức Nghiên cứu Nông lâm Quốc tế (ICRAF) tại Việt Nam và các đối tác cấp tỉnh tại Hà Tĩnh thực hiện.

Trong khuôn khổ dự án, tỉnh Hà Tĩnh được chọn là tỉnh thí điểm thực hiện thích ứng dựa vào hệ sinh thái (EbA) thông qua các giải pháp nông nghiệp thông minh với khí hậu (CSA) và quản lý rủi ro khí hậu cho các hộ nghèo ở các huyện dễ bị tổn thương. 

Dự án cũng góp phần thực hiện chương trình nông thôn mới, cải tạo vườn tạp; thực hiện “đề án trồng một tỷ cây xanh giai đoạn 2022 - 2025”, chương trình “kết nối tiêu thụ sản phẩm”, chương trình “chuyển đổi số trong nông nghiệp” tại Hà Tĩnh… Được biết, thời gian tới, các hoạt động của dự án sẽ tiếp tục được các đơn vị đối tác triển khai với mục tiêu nhân rộng mô hình tới hơn 17.000 nông hộ.

Nguồn: Tổng cục PCTT

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...