Xây dựng Nhãn hiệu tập thể “ Tỏi Thái Thụy”

Thứ 7, 02/01/2016 | 04:36:50
4,013 lượt xem

Với vị trí địa lý và khí hậu đặc trưng của huyện ven biển, từ bao đời nay, tỏi đã là một loại cây trồng truyền thống có giá trị kinh tế của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình. Tỏi được sản xuất trên đất Thái Thụy có hương vị thơm, cay đặc biệt mang nét đặc trưng riêng. Tuy nhiên, hiện tại Tỏi Thái Thụy vẫn đang được bán trôi nổi trên thị trường như những loại tỏi khác do chưa có thương hiệu gì để xác định nguồn gốc và giá trị tiêu thụ riêng biệt. Vì vậy, việc xây dựng nhãn hiệu tập thể cho “Tỏi Thái Thụy” sẽ giúp ích rất nhiều cho người dân của các địa phương trồng tỏi trong huyện phát triển sản xuất, cải thiện đời sống.

Cánh đồng trồng tỏi tại huyện Thái Thụy.

Tỏi và hành là một trong những gia vị thiết yếu, dùng hành ngày trong mỗi gia đình chúng ta. Có lẽ rất nhiều người nội trợ vẫn ngày ngày sử dụng chúng nhưng không hề biết và quan tâm đến nguồn gốc xuất xứ của chúng. Và tôi đến với cây tỏi Thái Thụy cũng từ một câu chuyện hết sức tình cờ.  Một hôm tôi bỗng nhận được một cuộc gọi từ một người quen ở Hà Nội nhờ mua hộ mấy chục cân tỏi Thái Thụy “chính gốc”. Theo sự ủy thác, tôi tìm về huyện Thái Thụy để mua tỏi cho chính xác cùng với sự tò mò tại sao củ tỏi Thái Thụy lại được ưa chuộng đến vậy.

Theo chân ông Nguyễn Đình Chung – Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Thái Thụy, chúng tôi đi nhìn tận mắt việc trồng cấy tỏi của nông dân trong huyện. Trên cánh đồng hành tỏi của người dân thôn Tam Tri, xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy cây tỏi và cây hành trải một màu xanh ngắt ngút ngàn. Từ bao đời nay, người nông dân nơi đây vẫn chăm chỉ ương trồng và sản xuất cây tỏi mỗi khi vụ đông đến. Là một xã lấy sản xuất nông nghiệp là chính như Thụy Trường thì hàng năm nguồn thu nhập cao của bà con nơi đây là dựa vào những cây trồng ở vụ đông như hành tỏi. Với trên 400 ha diện tích cây vụ đông toàn xã thì diện tích trồng hành tỏi đã là trên 200 ha. Nếu trước kia người dân Thụy Trường chủ yếu trồng cây hành thì nay với nhu cầu của thị trường cần tỏi dùng cho ẩm thực và làm thuốc đã thúc đẩy và mở rộng diện tích trồng tỏi ở địa phương.

toi 2
Người dân chăm sóc tỏi tại cánh đồng xã Thụy An, huyện Thái Thụy.

Không chỉ riêng Thụy Trường, vùng sản xuất hành tỏi phát triển ở nhiều địa phương trong huyện Thái Thụy nhưng lớn nhất vẫn ở các xã như: Thụy An, Thụy Trường, Thụy Tân, Thái Nguyên… Sản xuất tỏi trở thành hàng hóa bởi những đặc trưng riêng có, chiếm lĩnh trên thị trường không chỉ trong nội tỉnh mà còn vươn ra thị trường các tỉnh khác cũng như xuất khẩu và trở thành cây trồng chủ lực trong cơ cấu chung của ngành nông nghiệp huyện. Ông Bùi Đức Hoàng – Phó Chủ UBND huyện tịch Thái Thụy cho biết:  “ Cây tỏi chiếm từ 5-10% diện tích cây màu toàn huyện với khoảng 500 ha, nhưng giá trị mang lại thì chiếm khoảng từ 20-25% giá trị của cây màu toàn huyện. Trong khi đó, giá trị cây màu toàn huyện chiếm khoảng 40% giá trị sản xuất nông nghiệp của toàn huyện. Do vậy, tỏi là một loại cây, chúng tôi đưa ra tìm hướng để thúc đẩy sản xuất cây màu của huyện và đặc biệt nâng cao giá trị sản xuất nông nghiệp cho huyện Thái Thụy.”

toi 3

Thổ nhưỡng tại Thái Thụy thích hợp với trồng tỏi và mang lại hương vị riêng.

Vụ sản xuất tỏi của nông dân huyện Thái Thụy bắt đầu từ tháng 9, sau khi thu hoạch lúa và thu hoạch vào tháng một năm sau. Có thể nói rằng, điều kiện về địa lý và khí hậu của vùng đất Thái Thụy đã tạo nên nét đặc trưng riêng cho chất lượng tỏi nơi đây. Khí hậu huyện Thái Thụy thuộc vùng đặc trưng của khí hậu nhiệt đới ven biển Bắc Bộ, chịu ảnh hưởng của gió mùa. Nhiệt độ trung bình  trong năm từ 22-24oC; độ ẩm 86-87%; lượng mưa trung bình 1.788 mm/năm. Tỏi được sản xuất trên đất Thái Thụy là đất ven biển, đất bãi được phù sa bồi đắp từ hệ thống sông Hóa, Sông Thái Bình với khí hậu đặc trưng. Các cuộc khảo sát đánh giá chất lượng đất trồng cho thấy ở sâu 2-3 m có trầm tích biển, lớp vỏ sò, xen lẫn các xác cây sú, vẹt. Đất có màu nâu tươi, ánh sắc tím và nồng độ PH từ 4.5 – 5.5. Do đó, tỏi Thái Thụy có nét đặc trưng riêng như: Lá tỏi dày, cứng, màu lá xanh nhạt, củ chắc, dọc thân gần củ có màu tía. Củ thương phẩm thu hoạch sau khi trồng từ 125-130 ngày lúc lá đã già gần khô. Củ màu tía, kích thước từ 2-3,5 cm, tép tỏi đều, khoảng từ 10-12 tép. Khi dùng tỏi Thái Thụy có vị cay đặc trưng, vị thơm không gắt như tỏi trồng ở những nơi khác.

Đi tìm hiểu việc tiêu thụ cụ tỏi thành phẩm trên thị trường chúng tôi đi thăm các chợ tại thị trấn Diêm Điền. Tại các khu chợ này thật dễ dàng tìm thấy và mua được tỏi Thái Thụy chính gốc. Sau khi được người bán hàng giới thiệu cách nhận biết đâu là tỏi Thái Thụy “chính tẩy”, chị bán hàng còn nhiệt tình mời chúng tôi thưởng thức. Chị vui vẻ cho biết, chị chỉ bán đúng tỏi Thái Thụy thôi vì người dân họ sành lắm, dùng tỏi Thái Thụy thì các món ăn sẽ ngon hơn, dậy mùi hơn. Chị Đỗ Thị Thanh- xã Thụy Lương, huyện Thái Thụy chia sẻ kinh nghiệm trồng tỏi như sau:Khi tỏi mang về muốn để được phải lấy tỏi thật già, lõi phải thật khô và khi phơi khô đem bỏ vào đống rơm hay treo lên gác bếp. Khi trồng thì tẩy các nhánh ra sau đó đêm ngâm trong nước vôi rồi đem trồng thì nó mới lên được. Còn không cứ để khô thế này mình dùng thôi”.

Việc trồng tỏi tại Thái Thụy được coi như là thuận lợi do thời tiết và thổ nhưỡng của vùng. Ông Nguyễn Trọng Lệ - Phó Bí thư Đảng ủy xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy cho biết: “Cái vùng đất này là vùng đất chua mặn, pha nhiều đất cát nên chứa nhiều kali hoen các vùng khác, rồi việc tiêu úng trên các vùng cao dễ dàng hơn nên việc trồng tỏi cũng thuận lợi hơn các cây màu khác và chất lượng nó cũng hiệu quả cao hơn vì lý do như vậy.”

toi 5

Huyện Thái Thụy họp bàn phát triển thương hiệu " Tỏi Thái Thụy".

Thực tế là tỏi Thái Thụy có những hương vị đặc biệt do điều kiện thâm canh mang lại, nhưng hiện tại tỏi Thái Thụy lại được bán trôi nổi trên thị trường như những loại tỏi khác do chưa có thương hiệu gì để xác định nguồn gốc và giá trị tiêu thụ riêng biệt. Người nông dân trồng tỏi khó khăn trong tiêu thụ và gần như bị phụ thuộc hoàn toàn vào các đầu mối thương lái. Trong khi đó, người tiêu dùng không biết đâu là “Tỏi Thái Thụy” hoặc không biết địa chỉ nào để mua Tỏi Thái Thụy để tiêu dùng. Đây là sự mất mát lớn về lợi ích cả người sản xuất “Tỏi Thái Thụy”, người tiêu dùng và người kinh doanh khi “Tỏi Thái Thụy” chưa có một “địa chỉ tin cậy” trên thị trường như tên tuổi, địa chỉ, đặc tính sản phẩm hay hệ thống quảng bá.

Bà Nguyễn Thị Chanh ( ở thôn Tam Tri, xã Thụy Trường) là người có gắn bó nhiều năm với việc trồng tỏi cho biết:  “ Bao đời nay người trồng tỏi nơi đây vẫn chỉ sản xuất theo phương thức tự cung tự tiêu. Đến lúc thu hoạch thì ra đồng nhổ rồi mang ra chợ bán thôi, cứ 90.0000-10.000 đồng/ 1kg. Chúng tôi chỉ biết làm thôi, trồng ra bán theo giá thị trường, đắt thì hưởng đắt, rẻ thì chịu rẻ thôi, chẳng biết thế nào.”

Xuất phát từ thực tế người nông dân sản xuất ra sản phẩm nhưng lại hưởng thành quả thấp nhất trong chuỗi vận hành đến với người tiêu dùng và điệp khúc được mùa rớt giá khiến sản xuất bấp bênh, trường Đại học Nông nghiệp cùng với UBND huyện, Hội nông dân huyện Thái Thụy tạo lập, quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”. Thạc sỹ Hồ Ngọc Cường- Giảng viên Trường Học viện Nông nghiệp Việt Nam, thành viên dự án cho biết: “Đây là chương trình thuộc dự án 68 của Cục Sở hữu Trí tuệ, tôi cho rằng chương trình này rất thiết thực với bà con nông dân. Nó bao gồm 2 mục đích chính: Thứ nhất, thiết lập cơ chế quản lý bảo hộ đối với nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy” và nâng cao danh tiếng sản phẩm nông sản tỏi trên bàn huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Binh. Thứ hai,  thông qua việc xây dựng nhãn hiệu tập thể “Tỏi Thái Thụy”, nông dân địa phương có thể có thu nhập cao hơn nhờ việc bán sản phẩm có uy tín, chất lượng trên thị trường.”

toi 7

Dự án này có ý nghĩa thực tiễn rất cao nhằm bảo đảm uy tín và danh tiếng của “Tỏi Thái Thụy” trên thị trường. Từ đó, Dự án góp phần tăng thu nhập, tăng hiệu quả sản xuất tỏi đảm bảo đời sống người sản xuất, kinh doanh sản phẩm “Tỏi Thái Thụy” và giữ gìn, phát huy các giá trị kinh tế - xã hội huyện Thái Thuỵ, tỉnh Thái Bình. Đến nay, chương trình đang trong quá trình chờ cấp nhãn hiệu bảo hộ, đến tháng 3-2016 thì nhãn hiệu tập thể cho “Tỏi Thái Thụy” sẽ được xác lập.

Khi biết được tin huyện Thái Thụy đang xây dựng thương hiệu “ Tỏi Thái Thụy” người dân tròng tỏi rất vui mừng .Bà Nguyễn Thị Chanh - Xã Thụy Trường, huyện Thái Thụy chia se cảm xúc: “ Nếu cây tỏi của chúng tôi có tên trên thị trường thị nông dân chúng tôi phấn khởi quá. Chúng tôi sẽ thi đua trồng thêm tỏi để tiêu thụ, tăng thu nhập cho gia đình.”

Song song với việc xây dựng  thương hiệu, chính quyền địa phương cùng các ban, ngành, đoàn thể và nhất là Hội nông dân đã có lộ trình thực hiện bài bản. Ông Nguyễn Đình Chung – Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Thái Thụy cho biết:  “ Vì khi mình có tên chính thức, có chức danh được Nhà nước bảo hộ thì chắc chắn sẽ có nhiều thuận lợi trong vấn đề tiêu thụ sản phẩm. Khi Hội có chính danh cũng mong các cơ quan quan tâm tạo điều kiện để hội bắt tay “4 nhà” tuyên truyền và quảng bá, tiêu thụ sản phẩm tỏi cho nông dân huyện Thái Thụy.”

Xác lập Nhãn hiệu tập thể là xác lập các dấu hiệu phân biệt nguồn gốc địa lý, nguyên vật liệu, mô hình sản xuất hoặc các đặc tính chung khác của hàng hóa hoặc dịch vụ của các đơn vị khác nhau cùng sử dụng nhãn hiệu tập thể. Nhãn hiệu tập thể là do tập thể làm chủ, với cây tỏi Thái Thụy thì là do Hội nông dân huyện làm chủ đứng tên. Hy vọng rằng với nhãn hiệu tập thể tỏi Thái Thụy được xây dựng sẽ là tiền đề cho cây tỏi của Thái Thụy nói riêng và hàng hóa nông sản của Thái Bình nói chung, đang sản xuất ở quy mô nhỏ lẻ có thể phát triển bền vững và đủ sức cạnh tranh trong nền kinh tế hội nhập của nước ta. 

  • Từ khóa
Cử tri nhiều ý kiến thiết thực về giáo dục
Cử tri nhiều ý kiến thiết thực về giáo dục

Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày 12/12/2024. Trước kỳ họp, nhiều cử tri bày tỏ kỳ vọng của mình đối với các vấn đề liên quan đến giáo dục, trong đó tập trung vào việc khắc...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...