Giải pháp phát triển khai thác thuỷ sản xa bờ nhanh, hiệu quả và bền vững

Thứ 7, 01/08/2015 | 14:54:49
748 lượt xem

Nhằm khai thác hiệu quả tiềm năng, thế mạnh về vị trí địa lý và phát huy vai trò của kinh tế biển, UBND tỉnh Thái Bình đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đồng bộ nhiều giải pháp như xây dựng kế hoạch, quy hoạch, banh hành các cơ chế chính sách. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển khai thác hải sản của tỉnh.

Tính đến tháng 7/2015, toàn tỉnh Thái Bình có 1.213 tàu cá, với tổng công suất máy là 84.254 CV, trong đó có 209 chiếc có công suất trên 90 CV (tăng 66% so với năm 2009), ngư trường khai thác của tàu cá trong tỉnh ngày càng được mở rộng. Đội tàu cá trong tỉnh dần được hiện đại hoá, 100% tàu cá xa bờ được trang bị thông tin liên lạc. Các trang thiết bị hàng hải như máy định vị vệ tinh, máy dò cá, máy đo sâu, các tàu đóng mới đều được thiết kế và giám sát trong quá trình đóng mới nên chất lượng được nâng lên rõ rệt.

Đẩy nhanh tốc độ đóng mới, nâng cấp tàu cá, tàu dịch vụ hậu cần nghề cá có công suất máy lớn, vươn khơi khai thác xa bờ

Để cụ thể hoá chủ trương này, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Phát triển các phương tiện đánh bắt xa bờ, gắn với đảm bảo quốc phòng an ninh và bảo vệ môi trường biển". Đây là đề án quan trọng nhằm khuyến khích đầu tư hỗ trợ đóng mới, cải hoán các phương tiện có tổng công suất máy chính từ 300 CV trở lên và hỗ trợ bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm thuyền viên cho tàu từ 90 CV trở lên được triển khai đến năm 2020.

Tổ chức triển khai thực hiện Nghị định 67/2014/NĐ-CP trên địa bàn tỉnh Thái Bình, UBND tỉnh đã thành lập Ban chỉ đạo, Tổ chuyên viên giúp việc và kế hoạch triển khai thực hiện; hoàn thiện bộ tiêu chí và ưu tiên lựa chọn đối tượng đóng mới tàu cá; công bố danh sách 05 cơ sở đóng mới, cải hoán tàu cá; phê duyệt danh sách đợt 1 có 25 chủ tàu đủ điều kiện đóng mới tàu cá theo tinh thần Nghị định.

Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản Thái Bình thường xuyên triển khai thống kê số liệu tàu cá, cập nhật biến động số lượng tàu cá để phục vụ công tác quản lý, tham mưu thực hiện tái cơ cấu đội tàu khai thác theo hướng nâng cao công suất máy vươn khơi khai thác xa bờ. Tất cả các tàu cá đóng mới, cải hoán đều phải có văn bản chấp thuận của Sở NN&PTNT.

Trong quá trình đóng mới, nâng cấp tàu cá, Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản Thái Bình đã thực hiện việc giám sát và phê duyệt thiết kế theo sự phân cấp đúng quy định, tổ chức kiểm tra an toàn kỹ thuật tàu cá chặt chẽ, đúng quy trình, không gia hạn cho những tàu cá không đủ trang thiết bị đảm bảo an toàn.

Phát triển cơ sở dịch vụ hậu cần nghề cá đồng bộ, đáp ứng nhu cầu đặt ra

Để đáp ứng nhu cầu về dịch vụ hậu cần phục vụ khai thác hải sản, UBND tỉnh đã phê duyệt Đề án "Phát triển dịch vụ hậu cần nghề cá phục vụ khai thác và nuôi trồng thủy sản" giai đoạn năm 2015–2020 với mục tiêu chủ động đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ hậu cần nghề cá. Bên cạnh đó, UBND tỉnh đã trình Thủ tướng Chính phủ bổ sung cảng cá mới tại xã Thụy Tân, huyện Thái Thụy; Khu neo đậu tránh trú bão Hồng Tiến, huyện Kiến Xương và Khu neo đậu tại Cống 6, xã Nam Phú, huyện Tiền Hải vào quy hoạch hệ thống cảng cá, bến cá; Khu neo đậu tránh trú bão đến năm 2020, định hướng năm 2030 làm căn cứ để quy hoạch xây dựng.

Toàn tỉnh có 05 cơ sở đóng mới, nâng cấp tàu cá đã đáp ứng được nhu cầu của ngư dân trong tỉnh về đóng mới tàu cá vỏ sắt và tàu cá vỏ gỗ. Các cơ sở đóng tàu trong tỉnh đang tiếp tục được đầu tư nâng cấp để đóng những tàu cá có sông suất lớn hơn. Các cơ sở sản xuất kinh doanh phục vụ nghề khai thác hải sản được ngư dân chủ động đầu tư sản suất, kinh doanh bước đầu đã cơ bản đáp ứng nhu cầu của thị trường.

Đẩy mạnh đào tạo nghề, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ khai thác hải sản

Cùng với hàng loạt các chính sách hỗ trợ ngư dân bám biển, trong những năm qua, Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản Thái Bình đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức mở nhiều khoá đào tạo thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, 5 cho ngư dân trong tỉnh. Trong 2 năm (2014 - 2015) đã đào tạo và cấp chứng chỉ thuyền trưởng, máy trưởng hạng 4, 5 cho trên 300 ngư dân trong tỉnh.

UBND  tỉnh đã quan tâm đầu tư, bố trí nguồn ngân sách hỗ trợ xây dựng nhiều mô hình khuyến ngư, đề tài khoa học trong lĩnh vực khai thác thuỷ sản. Các mô hình đều được xây dựng từ yêu cầu của thực tiễn sản xuất, áp dụng các tiến bộ kỹ thuật mới hiệu quả, được ngư dân áp dụng rộng rãi, góp phần du nhập nhiều nghề mới, phương pháp bảo quản sản phẩm hiện đại, cho hiệu quả kinh tế cao. Nhiều đề tài khoa học đã được triển khai, trong đó đề tài “Nghiên cứu xây dựng bộ thiết kế mẫu tàu cá dân gian, truyền thống phục vụ đóng mới tàu cá xa bờ tại Thái Bình” đã mang lại nhiều kết quả có tính thực tiễn cao, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân đóng mới tàu cá, tiết kiệm chi phí, đảm bảo đúng tiêu chuẩn quy phạm đóng tàu, góp phần đảm bảo an toàn cho người và tàu cá khi hoạt động trên biển.

Cùng với đó vận động, hướng dẫn ngư dân khai thác theo tổ, đội sản xuất để chuyển tải sản phẩm từ tàu về bờ, tăng cường thời gian bám biển, tiết kiệm chi phí di chuyển ngư trường, hỗ trợ nhau trong quá trình hoạt động khai thác; đồng thời góp phần bảo vệ an ninh chủ quyền biển, đảo. Đến nay, toàn tỉnh có 06 tập đoàn và tổ đội khai thác thủy sản được thành lập và đi vào hoạt động hiệu quả theo nguyên tắc 3 cùng "Cùng nghề, cùng ngư trường, cùng địa bàn cư trú" trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng, dân chủ. Quy mô tổ, đội khai thác từ 3 - 10 tàu cá.

Tăng cường công tác bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản

Tích cực triển khai Chương trình bảo vệ và phát triển nguồn lợi thuỷ sản đến năm 2020 và Chỉ thị số 19/CT-TTg ngày 30/7/2014 của Thủ tướng Chính phủ về tiếp tục đẩy mạnh triển khai thực hiện Chỉ thị số 01/1998/CT-TTg ngày 02/01/1998 của Thủ tướng Chính phủ về việc nghiêm cấm sử dụng chất nổ, xung điện, chất độc để khai thác thuỷ sản và tăng cường bảo vệ nguồn lợi thủy sản trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Tăng cường công tác tuần tra, kiểm soát và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản.

Hàng năm, tiến hành thả bổ sung giống một số loài thủy sản có giá trị kinh tế, giá trị khoa học vào các vùng nước tự nhiên nhằm khôi phục nguồn lợi, tăng mật độ quần thể của các loài thủy sản đã bị khai thác cạn kiệt, lập lại cân bằng sinh thái, ổn định quần xã sinh vật thủy sinh trong các thủy vực.

Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân

Để tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho ngư dân khi làm các thủ tục hành chính, Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thuỷ sản Thái Bình thường xuyên tổ chức các Tổ công tác xuống trực tiếp các địa phương có ngư dân tham gia khai thác thuỷ sản từ 2-3 ngày/01 tuần; phối hợp với Bộ đội Biên phòng tỉnh và chính quyền địa phương tham gia giải quyết trực tiếp các thủ tục hành chính tại chỗ cho ngư dân. Trong thời gian tới, theo chỉ đạo của UBND tỉnh, Chi cục đã đề xuất đưa 100% thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của Chi cục vào Trung tâm Hành chính công cấp tỉnh. Chi cục sẽ tiếp tục cử công chức, viên chức hướng dẫn, tạo điều kiện thuận lợi cho ngư dân trong việc làm các thủ tục hành chính.

Để tháo gỡ khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện Nghị định số 67/2014/NĐ-CP, UBND tỉnh đã tổ chức nhiều hội nghị nhằm tháo gỡ khó khăn cho ngư dân; chỉ đạo các Chi cục Thuế và các cơ quan chuyên môn tạo điều kiện thuận lợi về thủ tục hành chính để ngư dân đăng ký kê khai thuế và đăng ký phương tiện hoạt động. 

Như vậy, với những giải pháp đồng bộ đã và đang triển khai, trong thời gian tới khai thác hải sản của tỉnh sẽ giúp nâng cao thu nhập và đời sống nhân dân, giải quyết tốt các vấn đề xã hội, góp phần bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn vùng ven biển, đảm an ninh biển đảo của Tổ quốc. 

Hoàng Minh Giang - Phạm Ngọc Điều
(Chi cục Khai thác và Bảo vệ Nguồn lợi Thủy sản tỉnh)


  • Từ khóa
Sớm ban hành nghị quyết điều chỉnh giá khám chữa bệnh
Sớm ban hành nghị quyết điều chỉnh giá khám chữa bệnh

Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Đây là niềm vui đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thế nhưgn đối với các bệnh viện thì lại thêm nhiều khó khăn phải cân đối...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...