Thanh niên Quỳnh Phụ lập nghiệp làm giàu tại quê hương

Thứ 2, 16/09/2019 | 15:56:08
1,304 lượt xem

Tại Thái Bình đã có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thanh niên lập nghiệp. Tuy nhiên, trước đây, nhiều thanh niên ở một số địa phương vẫn ấp ủ lập nghiệp ở nơi xa và mong muốn có nguồn thu nhập cao tại các thành phố lớn, các cụm, khu công nghiệp. Trong khi đó, hiện nay, đã có người biết tận dụng lợi thế tại địa phương để lập nghiệp, làm giàu ngay tại quê hương, trong đó có thanh niên Quỳnh Phụ.

Mô hình nuôi ếch Thái Lan của  chàng thanh niên trẻ Đỗ Sỹ Anh, thôn Nguyên Xá, xã Quỳnh Hội

Sản xuất nông nghiệp chiếm tỷ trọng lớn trong phát triển kinh tế tại Thái Bình, nhưng lao động chính vẫn là người cao tuổi. Thiếu nhân lực trong sản xuất mà nhiều khu ruộng được gọi là bờ xôi ruộng mật, tấc đất tấc vàng đã bị bỏ hoang. Nhiều nguyên nhân khiến thanh niên không mặn mà với việc phát triển kinh tế tại phương, đó là phát triển kinh tế nông nghiệp khá bấp bênh do ảnh hưởng của thời tiết, dịch bệnh và thời giá. Do vậy, việc tìm được thanh niên lập nghiệp bằng việc xây dựng các mô hình kinh tế ngay tại địa phương để xây dựng các hoạt động của đoàn thanh niên đang gặp nhiều khó khăn. 

Anh Nguyễn Minh Hồng- Bí thư Đoàn TNCS HCM tỉnh Thái Bình cho biết: “Đa số thanh niên ở một số địa phương thường đi làm ăn xa ở các thành phố lớn vì có điều kiện tìm kiếm việc làm dễ dàng, các công việc phù hợp với khả năng, năng lực của mình, nên những thanh niên ở lại quê hương lập nghiệp thường không nhiều.”

Năm 2014, chàng thanh niên trẻ Đỗ Sỹ Anh, thôn Nguyên Xá, xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ sau khi tốt nghiệp chuyên ngành nuôi trồng thủy sản, Trường Đại học Nha Trang, đã về quê lập nghiệp. Cùng với gia đình, Đỗ Sỹ Anh đã tìm hiểu và phát triển nuôi ếch Thái Lan. Năm 2016 bắt đầu khởi nghiệp với số vốn 5 triệu đồng và xây dựng quy mô trang trại 50 m2. Nói về lựa chọn của mình anh Đỗ Sỹ Anh cho biết: “Qua tìm hiểu đối tượng vật nuôi thì tôi thấy nuôi ếch có giá trị kinh tế cao, thị trường đang có nhu cầu lớn. Vì thế tôi lựa chọn và phát triển theo hướng nuôi ếch”.

Trang trại của Đỗ Sỹ Anh cung cấp thường xuyên 10.000 ếch thương phẩm cho thị trường Hà Nội và Hải Phòng.

Năm 2019, Đỗ Sỹ Anh đã mở rộng quy mô lên 400 m2, nuôi 1 vạn ếch thương phẩm và gần 8.000 ốc nhồi thương phẩm cung cấp cho thị trường Hà Nội và Hải Phòng, mỗi năm thu lãi hơn 100 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho mình, Đỗ Sỹ Anh cùng nhóm thanh niên trong xã Quỳnh Hội liên kết mở rộng mô hình nuôi ếch Thái Lan để tận dụng lợi thế về địa hình của địa phương và xây dựng phát triển mô hình kinh tế mới trước ảnh hưởng của dịch tả lợn Châu Phi.



Anh Nguyễn Duy Anh - Bí Thư Đoàn TNCSHCM xã Quỳnh Hội, huyện Quỳnh Phụ: “Lợi thế thanh niên hiện nay có kiến thức, đam mê và sáng tạo. Do đó, đoàn viên thanh niên chúng tôi đã mạnh dạn chuyển đổi đầu tư những mô hình, những con vật nuôi cây trồng mới để phát triển kinh tế.”



Không giống Nguyễn Duy Anh, Nguyễn Hữu Xuân, quê xã Quỳnh Hoa, huyện Quỳnh Phụ đã tự tìm hướng lập nghiệp riêng của bản thân. Do hoàn cảnh gia đình khó khăn, Xuân chỉ học hết lớp 9 và chuyển sang học nghề mộc. Năm 2005, 18 tuổi, với mức vốn 4 triệu đồng, Xuân được địa phương tạo điều kiện cho thuê mặt bằng mở xưởng. 

Anh Nguyễn Hữu Xuân xã Quỳnh Hoa , Huyện Quỳnh Phụ: “Sau khi học hết lớp 9, tôi đi học nghề mộc ở làng nghề Quốc Bồ, Hải Dương. Họ chuyên dựng nhà gỗ, làm tủ, bàn ghế, Sau khi bố mất, tôi về quê lập nghiệp, có kinh nghiệm lại được sự tin tưởng của bà con, tôi nhận trực tiếp đơn hàng của từng khách hàng một”.

Đến nay, Nguyễn Hữu Xuân đã phát triển mô hình với doanh thu mỗi năm 30 tỷ đồng. Diện tích mặt xưởng được tạo điều kiện mở rộng tới 5.500m2. Ngoài ra, xưởng tạo điều kiện việc làm thường xuyên cho hơn 10 lao động địa phương, mức lương bình quân từ 4 đến 7,5 triệu đồng/tháng. 

Nguyễn Hữu Xuân đang hướng dẫn kỹ thuật cho công nhân

Bà Nguyễn Thị Lánh - Xã Quỳnh Hoàng, huyện Quỳnh Phụ là công nhân làm việc tại xưởng của Nguyễn hữu Xuân cho biết: “Chúng tôi làm việc ở cơ sở anh Xuân có công việc ổn định, thời gian lao động phù hợp, mức lương hơn 4 triệu”.

Hiện nay, trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ có trên 36.700 thanh niên trong độ tuổi từ 16- 30 có mặt tại địa phương, chiếm 17,2 % dân số, chiếm 30,5 % lực lượng lao động toàn huyện. Trong đó: Thanh niên nông thôn chiếm 70,6%, thanh niên học sinh chiếm 26,17%, thanh niên công nhân, công chức, viên chức chiếm 2,23%. Để tạo điều kiện cho thanh niên nông thôn lập nghiệp tại địa phương, các cấp, ngành chức năng trong đó có Huyện đoàn Quỳnh Phụ có nhiều chính sách hỗ trợ khởi nghiệp.

 Đồng chí Nguyễn Thị Hồng Thuý - Bí thư Đoàn TNCSHCM Huyện Quỳnh Phụ: Huyện đoàn chúng tôi phối hợp tạo điều kiện để các bạn thanh niên được tiếp cận với nhiều nguồn vốn vay, giao lưu với các doanh nghiệp. Dự kiến, sắp tới Huyện đoàn phối hợp với Phòng kinh tế hạ tầng huyện tham gia của câu lạc bộ Thanh niên khởi nghiệp. 


Với sức trẻ, sự năng động, sáng tạo của mỗi tấm gương thanh niên, cùng sự tạo điều kiện, đồng hành của Đoàn TNCS HCM huyện sẽ giúp thanh niên huyện Quỳnh Phụ có thêm động lực và phát huy lợi thế của địa phương để lập thân lập nghiệp, làm giàu ngay trên mảnh đất quê hương.

Bùi Minh – Phương Thúy 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...