Kiến Xương thực hiện mục tiêu giảm nghèo

Thứ 7, 10/08/2019 | 16:08:19
963 lượt xem

Trong những năm qua, Huyện Kiến Xương luôn quan tâm, chỉ đạo việc thực hiện chính sách an sinh xã hội gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới. Các chính sách và giải pháp giảm nghèo được các cấp ủy Đảng, chính quyền từ huyện đến các xã, thị trấn quan tâm, triển khai đồng bộ trên tất cả các lĩnh vực.

Năm 2005 tỷ lệ hộ nghèo của huyện Kiến Xương còn khá cao : 16,8%.

Năm 2010 tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 11,2%

Năm 2015 tỷ lệ hộ nghèo 3,13%. 

Từ năm 2016 áp dụng chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2016-2020 tỷ lệ hộ nghèo từ 5,85% giai đoạn đầu xuống còn 3,9% năm 2018.Tỷ lệ hộ nghèo không thuộc chính sách bảo trợ xã hội toàn huyện còn 1.581 hộ chiếm 2.06%

Để có được những kết quả trên, mỗi địa phương ở Kiến Xương đã có những cách làm, những mô hình cụ thể. Tại xã Bình Định, huyện Kiến Xương, trong xây dựng nông thôn mới, hay trong bất kỳ chương trình an sinh xã hội nào, cán bộ, đảng viên luôn là những người đi sâu, đi sát, nắm bắt hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của người dân cũng như từng hội viên của mình để có những cách hỗ trợ, giúp đỡ phù hợp. Như trường hợp bà Hoàng Thị Mùi, thôn Trần Phú, có con gái lớn bị tàn tật, phải nuôi dưỡng,  gần đây chồng bà lại bị tai biến, nằm liệt giường, khiến kinh tế gia đình sa sút, trở thành hộ nghèo. Được Hội phụ nữ đứng ra tín chấp cho vay 50 triệu đồng để chăn nuôi, trồng trọt, gia đình bà chuẩn bị đến kỳ trả nợ và sẽ ra khỏi danh sách hộ nghèo trong năm nay.

Bà Hoàng Thị Mùi - thôn Trần Phú xã Bình Định: Sắp đến thời hạn trả nợ vốn vay, dù mới bị thiệt hại do dịch tả lợn Châu Phi, nhưng số tiền tôi tích trữ do bán lứa cá đã đủ để trả nợ. Trả nợ xong, sẽ tiếp tục phấn đấu để thoát nghèo. Bên xã và chính quyền địa phương giúp đỡ rất nhiều, nhất là Hội cựu chiến binh, Hội phụ nữ, chồng và con tôi cũng đều đã được hưởng chính sách bảo trợ của Nhà nước.





Bà Bùi Thị Thơm - chủ tịch Hội liên hiệp phụ nữ xã Bình Định, huyện Kiến Xương : Hội phụ nữ đã chủ động tham mưu nhiều giải pháp để thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo do chị em phụ nữ làm chủ. Thứ nhất là đứng ra tín chấp ngân hàng cho chị em hội viên vay vốn. Cho vay rồi phải thường xuyên kiểm tra, giám sát sử dụng vốn đúng mục đích, có hiệu quả. Thứ hai, phối hợp với các trường nghề, các công ty đào tạo nghề, tập huấn nâng cao kiến thức khoa học giúp phát triển sản xuất, chăn nuôi. Thứ ba là tích tụ ruộng đất cho chị em hội viên cấy, phối hợp với công ty cấp giống, phân bón, tổ chức thu mua cho chị em. Năm 2019, tất cả những diện tích xen kẹp, người dân bỏ hoang cũng vận động chị em hội đứng ra cấy, thu hoạch, để lấy lương thực hỗ trợ những chị em phụ nữ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn.

Sự năng động, vươn lên của mỗi hội viên phụ nữ, cùng với sự hỗ trợ, giúp đỡ của tổ chức hội đã giúp chị Phạm Thị Én, Thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên, huyện Kiến Xương  vượt qua khó khăn do đàn lợn lái sinh sản của gia đình vừa bị thiêu hủy do dịch tả lợn châu phi. Với số vốn được vay 50 triệu đồng, chị Én cùng với gia đình chuyển sang đào ao nuôi thả cá rô đồng và ba ba. 

Chị Phạm Thị Én - Thôn An Chỉ, xã Bình Nguyên: Nuôi ba ba ít nhất phải 2 năm mới cho thu hoạch, lâu thu hồi được vốn, vì vậy phải nuôi kết hợp với cá rô đồng. Cá rô đồng thì 3 tháng có thể cho thu hoạch. Với giá thành trên 30 ngàn đồng/ 1 kg cá rô như hiện nay, dự kiến cuối năm nay, chị sẽ thu được 2 tấn cá, khoảng trên 70 triệu đồng.






Cùng với thành công trong việc thực hiện mô hình điểm của tỉnh, của huyện về xây dựng nông thôn mới, xã Thanh Tân đã thực hiện thành công việc chuyển đổi cơ cấu lao động nhờ thu hút được các doanh nghiệp về đầu tư tại địa phương.Tỷ lệ lao động nông nghiệp từ trên 70 %, giảm xuống còn 18%.Chị Lê Thị Nhẫn, thôn An Cơ Bắc từ lao động nông nghiệp, phải đi vào miền Nam làm công nhân, nay chị đã trở thành một công nhân có thu nhập khá nhờ có việc làm cho một công ty may  ngay tại địa phương.

Chị Lê Thị Nhẫn - xã Thanh Tân huyện KIến Xương: Năm 2000, địa phương chưa có công ty may nên tôi phải vào miền Nam làm. Khi nông thôn mới phát triển, các công ty xí nghiệp mở ra nhiều, tôi về xã xin vào làm công ty. Đi lại, ăn uống dễ dàng, thuận tiện lắm. Thích nhất là có điều kiện trông nom con cái học hành.






Ông Bùi Mạnh Hà - chủ tịch UBND xã Thanh Tân, huyện Kiến Xương : để có tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống chỉ còn trên 2%, đồng thời thu nhập người dân tăng nhanh, trên 40 triệu đồng/ 1 năm, Thanh Tân đã có nhiều giải pháp đồng bộ.  Tạo điều kiện cho bà con mở ra dịch vụ kinh doanh buôn bán. Ruộng đất tích tụ làm theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Tới đây, tỷ lệ hộ nghèo cần rà soát lại cho sát với thực tế hơn, vì hiện nay vẫn còn những gia đình con cái tách hộ riêng để bố mẹ già, không còn sức lao động, không có thu nhập để lấy chế độ ưu đãi dành cho hộ nghèo.



Thực hiện mục tiêu giảm nghèo cần nhiều giải pháp và cách làm phù hợp với hoàn cảnh của từng hộ gia đình nghèo. Ngoài chính sách của nhà nước, vai trò trách nhiệm của địa phương thì mỗi gia đình, nhất là con cháu có điều kiện sống khá giả cần tăng cường trách nhiệm, bổn phận để hỗ trợ ông bà, bố mẹ thoát nghèo bằng những việc làm cụ thể, đó cũng là những quy định trong Luật hôn nhân và gia đình, vừa thể hiện truyền thống, đạo lý văn hóa của mỗi gia đình Việt Nam.

Phạm Hương

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...