Tăng tuổi hưu, vì sao nhiều người không muốn ?

Thứ 2, 27/05/2019 | 08:23:38
423 lượt xem

Dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi) trình Quốc hội quy định tăng tuổi nghỉ hưu lên 60 đối với nữ và 62 đối với nam đang khiến rất nhiều người lao động không đồng tình.

Hầu hết người lao động muốn nghỉ hưu sớm, theo Hội Liên hiệp Phụ nữ VN   ẢNH: PHẠM HÙNG

Vì sao đề xuất tăng ?

Về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu, Bộ LĐ-TB-XH (cơ quan soạn thảo dự luật) đưa ra 3 lý do: dân số VN đang già hóa, tương lai thiếu lao động là nhãn tiền; vỡ Quỹ bảo hiểm xã hội (BHXH); khả năng lao động sau tuổi nghỉ hưu của người VN là cao.

Cụ thể, Bộ dẫn rất nhiều nghiên cứu khoa học cho thấy, tuổi thọ của người VN đã tăng từ trung bình 59 năm 1960 lên 73 năm 2014, nhưng tuổi nghỉ hưu từ 1961 đến nay không đổi. VN sẽ bước vào giai đoạn “dân số già” trong 2 thập niên tới khi chỉ số già hóa dự kiến tăng từ 43,3 năm 2014 lên hơn 100 năm 2032 (theo Tổng cục Thống kê, 2014), nghĩa là cứ mỗi 100 người dưới 15 tuổi thì có trên 100 người trên 60 tuổi vào năm 2032. Trong số 10 quốc gia ASEAN, chỉ số già hóa dân số của VN xếp thứ ba, chỉ thấp hơn Thái Lan và Singapore. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ thiếu hụt lao động.

Ngược lại, tuổi nghỉ hưu của VN được cho là “có đặc trưng” thấp, đặc biệt đối với nữ giới và nhóm dân số được sắp xếp nghỉ hưu sớm. Mặc dù tuổi nghỉ hưu quy định là 55 đối với nữ và 60 đối với nam, song thực tế tuổi nghỉ hưu trung bình chỉ là 54,2 năm (nam là 55,6 tuổi và nữ là 52,6 tuổi). Quy định tuổi nghỉ hưu thấp, theo Bộ LĐ-TB-XH, dẫn tới thời gian tham gia đóng BHXH ngắn (số năm đóng góp trung bình đối với nam là 28, nữ 23) trong khi đó thời gian hưởng hưu trí dài.

Cơ quan soạn thảo cũng cho rằng, hệ thống lương hưu của nước ta được cho là “phóng khoáng” so với nhiều quốc gia trên thế giới, cho phép lương hưu đạt tối đa 75% mức tiền lương làm căn cứ tính hưởng BHXH sau 30 năm đóng góp đối với nam và 25 năm đóng góp đối với nữ, nên “mức lương hưu là quá cao”.

Theo tính toán của BHXH VN, số năm hưởng lương hưu bình quân là 19,5 năm, trong đó nam là 16,1 năm và nữ 22,9 năm; nhưng tính trung bình, tiền đóng BHXH của một người trong 28 năm chỉ đủ chi trả cho chính người đó trong vòng 10 năm, nên thời gian hưởng còn lại (khoảng 9,5 năm) “sẽ phải lấy từ nguồn đóng góp, chia sẻ của các thế hệ sau”.

Bộ LĐ-TB-XH cũng dẫn nghiên cứu của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) năm 2012, cho rằng nếu không sớm thực hiện cải cách thì đến 2034, quỹ hưu trí của VN sẽ bị thâm hụt.

Với những lý do trên, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB-XH Đào Ngọc Dung cho rằng “tăng tuổi hưu đã là việc không thể trì hoãn”.

Nhiều lao động không muốn

Tính toán trên giấy tờ là như vậy, nhưng diễn biến trên thực tế có những điểm khác cần tính đến.

Với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu của nữ lên 60 và của nam lên 62, nhiều lao động lo ngại họ không thể làm hoặc chờ đủ tuổi để nhận lương hưu, khi sức khỏe giảm sút, không có nguồn thu nhập để tiếp tục đóng BHXH. Chị Bùi Thị Hà (37 tuổi, quê Ninh Bình) đang làm việc trong một doanh nghiệp điện tử tại KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội), chia sẻ: “Tôi đã đóng BHXH được 15 năm. Muốn có lương hưu, tôi phải đóng thêm 5 năm nữa. Nhưng nếu tới đây nhà nước tăng tuổi nghỉ hưu thì chúng tôi sẽ phải làm thêm 10 năm, đóng BHXH 10 năm nữa. Chẳng biết mình còn đủ sức làm nữa hay không. Nhiều công nhân chọn giải pháp về một cục, ở lại chưa biết bị sa thải lúc nào”.

Trong buổi đối thoại với Chủ tịch UBND TP.Hà Nội Nguyễn Đức Chung đầu tháng 5, anh Nguyễn Bá Lập (công nhân Công ty Denso VN, KCN Thăng Long) cũng nêu một thực tế là hiện các KCN chỉ tuyển lao động dưới 30 tuổi, trên tuổi đó rất khó xin việc, nên cơ hội để họ duy trì việc làm đến năm 62 tuổi mới nghỉ hưu là không cao, nếu không muốn nói là không có. “Chúng tôi đi làm công nhân từ 18 tuổi, đến 40 tuổi là đã đóng BHXH trên 20 năm rồi. Lúc đó nếu bị sa thải, thất nghiệp, thì vẫn phải đợi 20 năm nữa mới được lấy lương hưu. Mà lúc ấy số tiền có giá trị rất thấp, trong khi muốn lấy BHXH một lần lại không được”, anh Lập bày tỏ.

2 phương án về tăng tuổi nghỉ hưu

Đồ họa: Phúc Hải

Thực tế anh Lập nêu cũng là lý do mà điều 60 luật BHXH (quy định người lao động không được lấy BHXH một lần) trước đây bị đông đảo công nhân phản đối ngay trước khi có hiệu lực, khiến QH lập tức phải điều chỉnh. Mấu chốt của việc phản đối này, theo một luật sư từng đến nhiều KCN để khảo sát ý kiến công nhân, là do người làm công nhân không coi đó là sự nghiệp suốt đời. “Đa phần trong số họ đi ra từ nông thôn, là lao động không có tay nghề và bị sa thải khi ngoài 30 tuổi. Họ không gắn bó với việc là công nhân suốt đời, mà chỉ ra ngoài để kiếm thêm thu nhập. Khi bị sa thải, họ sẽ muốn lấy số BHXH mà họ đã đóng, để có vốn bắt đầu một công việc khác. Chính vì nguyện vọng này không được tính đến đã khiến chính sách được thiết kế một cách thiếu khả thi”, vị luật sư này nói.  

Doanh nghiệp cũng không đồng tình

Ông Nguyễn Hoài Nam, Phó tổng thư ký Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản (VASEP), cũng nêu thực tế trong nhiều ngành kinh tế tư nhân, đặc biệt là những ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông, cả người lao động và doanh nghiệp (DN) đều không muốn tăng tuổi nghỉ hưu. Với người lao động thì lý do như đã nói ở trên, còn với DN thì do người cao tuổi làm năng suất thấp hơn, trong khi mức lương phải trả lại cao hơn.

Việc sửa đổi bộ luật có ảnh hưởng rất lớn đến toàn xã hội, cần tiếp tục lấy ý kiến rộng rãi các đối tượng chịu sự tác động    ẢNH: NGỌC THẮNG

Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng liên đoàn Lao động VN), thừa nhận hiện có nhiều lao động có tuổi, có thâm niên khi rời DN không tìm được việc làm. Việc tăng tuổi nghỉ hưu, theo ông Quảng, chắc chắn sẽ tác động gia tăng số người nhận trợ cấp một lần, và đây là điều Tổng liên đoàn Lao động VN lo ngại. Ông Quảng cho rằng nếu không có bước đi thận trọng, sẽ là “gậy ông đập lưng ông”. Quỹ BHXH sẽ không bền vững hơn, mà còn có nguy cơ mất cân đối cao hơn.

Chưa thấy tiếng nói của người lao động

Hồ sơ trình dự án luật của cơ quan chủ trì soạn thảo lần này là một bộ hồ sơ rất dày dặn và công phu, đầy đủ các dẫn chiếu khoa học. Thế nhưng, việc quan trọng hàng đầu lại thiếu, đó là ý kiến từ chính người lao động.

Trong báo cáo đánh giá tác động, Bộ LĐ-TB-XH cũng thừa nhận quy định về tuổi nghỉ hưu được thực hiện trong một thời gian khá dài (chưa sửa đổi lần nào kể từ khi ban hành), nên “sẽ là một khó khăn nếu quy định này thay đổi”. “Hầu hết người dân đã quá quen với độ tuổi nghỉ hưu nên gần như không chấp nhận sự thay đổi này, chỉ có một phần nhỏ những người làm việc trong các cơ quan nhà nước sẵn sàng ở lại tiếp tục làm việc”, báo cáo nêu rõ và cho rằng để khắc phục tình trạng này, việc tham vấn với cộng đồng, các nhóm dân số và các ngành nghề là vô cùng quan trọng.

Thiếu vắng tiếng nói của người lao động trong dự thảo bộ luật Lao động (sửa đổi)   ẢNH: NGỌC THẮNG

Tuy nhiên, cho ý kiến tại phiên thẩm tra sơ bộ của Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH về dự luật, ông Đặng Thuần Phong, Phó chủ nhiệm ủy ban này, cho biết ông còn rất băn khoăn vì điều luật tác động đến toàn xã hội nhưng chưa được đánh giá kỹ càng. “Tại sao vấn đề tăng tuổi hưu không được đưa vào luật chuyên ngành, như luật Cán bộ, công chức và luật Viên chức, mà đưa vào bộ luật điều chỉnh với toàn xã hội, trong khi đặc thù của ngành nghề chưa tính toán đến?”, ông Phong đặt câu hỏi.

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ VN, tuy cho rằng tăng tuổi hưu với nữ thì tăng cơ hội để người ta được làm việc, được đóng góp, nhưng cũng nhìn nhận đó “chỉ là được một nhóm”, còn một nhóm nhiều hơn không hề vui vẻ với đề xuất này. Bà Hà đề nghị nên tăng tuổi cho nhóm nữ công tác trong các cơ quan nhà nước, hay các ngành nghề lao động tay nghề cao, bởi nếu quy định như hiện nay, rất nhiều nữ ở các tỉnh cứ 45 tuổi đã phải ra khỏi quy hoạch, nên không có cơ hội phấn đấu. Tuy nhiên, bà Hà cũng cho biết: “Hội đã đi nghiên cứu ở 5 tỉnh Tây nguyên và một số tỉnh đồng bằng, hầu hết người lao động muốn nghỉ hưu sớm chứ không muốn nghỉ hưu muộn. Nếu ưu tiên cho phụ nữ thì nên cho họ quyền ưu tiên là được phép nghỉ sớm hơn. 15 nước trên thế giới hiện đang áp dụng cho phụ nữ quyền được nghỉ linh hoạt, được nghỉ trước tuổi, và coi như đó là được ưu tiên”.

Dù Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho rằng việc tăng tuổi nghỉ hưu là “không thể trì hoãn”, nhưng các đại biểu QH vẫn không yên tâm. Rất nhiều người lo lắng nếu không có lý do đủ thuyết phục, một sự kiện “điều 60” khác sẽ lại xảy ra. Và để ngăn chặn việc này, việc cơ quan soạn thảo trích dẫn từ ILO, ADB... hay bất cứ con số trừu tượng nào cũng là không có tác dụng.

Nguồn Thanhnien.vn

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...