Bảo vệ đê, kè trước mùa lũ bão

Thứ 6, 02/08/2019 | 17:39:28
1,153 lượt xem

Thái Bình là tỉnh đồng bằng sông Hồng, được bao bọc bởi hệ thống đê sông, đê biển khép kín với tổng chiều dài trên 579 km đê. Các tuyến đê trong tỉnh có trên 170 kè, 239 cống làm nhiệm vụ tưới tiêu. Cao trình mặt đất tự nhiên của Thái Bình rất thấp, về mùa lũ mực nước sông thường cao hơn mặt đất tự nhiên. Mặc dù hàng năm hệ thống đê, kè Thái Bình đã được đầu tư sửa chữa, nâng cấp, thế nhưng chất lượng một số công trình đê, điều vẫn chưa đảm bảo.Thực trạng đê, kè đang đặt ra những nguy cơ, ẩn

1- Thực trạng đê, kè ở một số địa phương trong tỉnh trước mùa lũ bão

Tại tuyến đê thuộc địa phận xã Nam Hải, huyện Tiền Hải. Từ km 0, điểm đầu cống Tân Lập ra đầu đường ĐH 30. Chỉ có trên 320 mét đê, nhưng liên tục xuất hiện những ổ gà, ổ voi, cứ san lấp, lại bị đào sâu xuống khoảng chừng 30cm, rộng 1,5m, mưa thì ứ đọng, lầy lội, đây đang là mối hiểm họa cho các phương tiện giao thông đi lại và nguy cơ thiệt hại cả về tính mạng và tài sản của người dân khi mùa lũ bão. 

Theo những người dân sinh sống ở gần đê, thì năm 2017 đê bối đã bị ngập tràn vào toàn bộ diện tích canh tác gây thiệt hại về tài sản, sạt lở hư hỏng hệ thống đê và chỉ cách đây ít ngày, ngay tại tuyến đê này đã xảy ra một vụ tai nạn giao thông, lại thêm một nỗi lo cho người dân.

Ông Hoàng Xuân Liêm - Xã Nam Hải, huyện Tiền Hải: Về mùa mưa lũ tôi thấy bao giờ tuyến đê này cũng bị xuống cấp nghiêm trọng, bao tải có nhưng nước đến chân rồi mới nhảy, còn nhân lực thì cũng có nhưng chỉ có người không, dụng cụ phương tiện không có gì, nói chung là thấy không được và không đảm bảo...

Không chỉ ở phía trên bề mặt đê lồi lõm, liên tục xuất hiện những ổ gà, ổ voi mà ngay cả sườn đê, nhiều tuyến đê đã bị sạt lở nghiêm trọng. Mặt cắt đê nhỏ, chưa đảm bảo theo quy định, xuất hiện tiềm ẩn những thẩm lậu, mạch sủi trong thân đê... Những tuyến đê phải gồng mình chống chọi với không ít những tác nhân gây hại trực tiếp. Còn người dân sống gần đê thì không chỉ bị hít khói bụi của những phương tiện trọng tải lớn vô tư phá hủy mặt đê, mà còn thường xuyên chứng kiến thực trạng ô nhiễm môi trường, vi phạm hành lang lấn chiếm đê. 

Ông Mai Trần Toàn Xã Hồng Giang - huyện Đông Hưng : Về mùa lũ, mưa bão về đột xuất thì phòng chống rất khó khăn, người dân chúng tôi rất lo lắng, không chỉ ở mặt đê mà trong thân đê, ngoài kè cũng xuống cấp rất nhiều nên đối với chúng tôi là người dân rất mong muốn cấp trên quan tâm...








Ông Trần Văn Tuy - Thành phố Thái Bình: Đê rồi nhiều chỗ nguy hiểm xuống cấp trầm trọng, các cơ quan chức năng thì cũng chưa thấy nói gì đến chuyện sửa chữa đê. Hiện giờ thiên tai ập đến thì rất nguy hiểm nếu như không có cái dự trữ, phòng thì sau này xảy ra đột ngột thì làm sao mà ứng phó kịp...

Thực trạng đê, kè, cống xuống cấp rất cần sự quan tâm kiểm tra sâu sát của các cấp, các ngành, sự chủ động của người dân để kịp thời phát hiện những vi phạm hành lang đê điều, chủ động phòng chống lũ bão năm 2019.


2 - Phải chăng ở một số địa phương người dân duyên giang còn chủ quan trước lũ bão

Mùa lũ bão 2019 đang cận kề. Hiện trạng hệ thống đê, kè vẫn còn ẩn họa, nhiều bất cập. Trong khi đó thì tư tưởng của một bộ phận không nhỏ người dân còn lơ là, chủ quan trước lũ, bão.

Chòi canh coi, đếm gác nước và các sườn đê,  nếu như trước đây là nơi tập kết các vật tư phương tiện, tre, cát, thuyền mảng... chủ động phòng chống lũ bão và là nơi canh coi, túc trực của lực lượng canh coi, thì nay không ít địa điểm này được tạm mượn để sử dụng vào việc khác hoặc quanh năm khóa cửa... 

 Ông Trần Văn Nhiệm - Thành phố Thái Bình: Chúng tôi thấy công tác phòng chống lụt bão cũng có triển khai nhưng thực tế chỉ trên lý thuyết thôi, nếu chuẩn bị bao tải, tre thì phải có tập kết ngay tại đê để khi mà mùa lũ, bão ập về thì mới ứng cứu kịp thời được...







Nhiều năm nay Thái Bình chưa có bão to, lũ lớn, tính chủ quan, lơ là trước thiên tai, lũ bão đang hiện hữu ở nhiều địa phương, nhất là các vùng duyên giang. Công tác triển khai đề án, thực hiện phương châm 4 tại chỗ như: Lực lượng tại chỗ, vật tư tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ và phương châm 3 sẵn sàng ở các địa phương đã triển khai đến người dân, tuy nhiên nhiều người dân chưa thực sự quan tâm.

Ông Nguyễn Thế Hanh - xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng :Lâu không có lũ, lụt thì dân vẫn coi là thường thôi, một khi mà đã coi thường thì khi lũ về hoặc bão vào thì đảm bảo là nguy cấp, đến khi nếu mà địa phương không chủ động thì hiểm họa sẽ ập đến thôi...

Một số địa phương chưa thực sự quan tâm về tư tưởng, nhận thức, ý thức của người dân, trong công tác phòng chống lụt bão, chưa kịp thời phát hiện các ẩn họa, xung yếu của đê, kè và ngăn chặn, xử lý kịp thời những trường hợp vi phạm đê điều.

3- Những giải pháp cụ thể chủ động trước mùa lũ bão.

Trước thực trạng về hệ thống đê, kè, thấy rõ tác hại, hậu quả khó lường do lũ bão có thể xảy ra, có nhiều địa phương đã tập trung, sát sao hơn và có những giải pháp cụ thể chủ động trước mùa lũ bão.

Hàng năm, tỉnh Thái Bình đã sớm triển khai công tác phòng chống lụt bão, nêu rõ thực trạng của hệ thống đê, kè, các vi phạm hành lang bảo vệ đê... Trên cơ sở đó, tỉnh tập trung các giải pháp và định hướng chỉ đạo các địa phương, nhất là việc thực hiện phương châm 4 tại chỗ, 3 sẵn sàng. Bám sát quan điểm chỉ đạo của tỉnh, các địa phương đã nghiêm túc rút kinh nghiệm ở từng khâu chỉ đạo, từng bộ phận được giao thực hiện nhiệm vụ, quan tâm tới việc nâng cao ý thức, trách nhiệm trong công tác phòng chống lụt bão của cán bộ, nhân dân và triển khai phương án phòng chống lũ bão sát thực, phù hợp với cơ sở... 

Ông Trần Minh Tiến - Phó Chủ tịch UBND huyện Tiền Hải : Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai cứu nạn hiện đã triển khai có kế hoạch cụ thể ví dụ như bằng phương tiện, máy móc, rồi huy động, ký hợp đồng với các lực lượng vũ trang đứng chân trên địa bàn huyện để phân công cho các điểm xung yếu, khi có công tác phòng chống thiên tai, bão lũ xảy ra, thì chúng tôi điều động các đơn vị đó về trực chiến tại các điểm xung yếu. Về vật tư thì giao cho các xã ký hợp đồng với các đại lý bán tre luồng và các cây, vật tư khi cần là có...




Ông Mai Văn Hoài - Chủ tịch UBND xã Nam Cường, huyện Tiền Hải : Về phía cấp ủy cũng đã chỉ đạo cho các bộ phận chuyên môn thành lập các ban, rồi các tổ đi kiểm tra tuyên truyền toàn bộ hệ thống đê kè, để kịp thời phát hiện những vi phạm nguy cơ ảnh hưởng đến các công trình và có phương án kịp thời bổ sung, sửa chữa ngay...

Thực tế khi triển khai thực hiện phương châm: "4 tại chỗ, 3 sẵn sàng" còn gặp khó khăn, song nhiều địa phương đã đưa ra phương án, với những giải pháp cụ thể như: Giao nhiệm vụ cho từng lực lượng, từng thành viên, cầm tay chỉ việc, giao chỉ tiêu số lượng vật tư, nhân lực, phương tiện phòng chống lụt bão cho từng đoàn thể, từng bộ phận, xuống tận địa bàn cơ sở thôn để chủ động tập kết theo đúng kế hoạch. 

Ông Nguyễn Văn Tiêm - Chủ tịch UBND xã Hồng Giang, huyện Đông Hưng: Chúng tôi hợp đồng với các gia đình mà người ta cho thuê cột chống cốp pha, bao bì ở các dịch vụ để lấy số lượng đó, nếu xảy ra thì hợp đồng là lấy được vật tư ngay..







Đê, kè, cống là các công trình thủy lợi quan trọng, là "tấm lá chắn" bảo vệ tính mạng và tài sản của nhân dân. Hơn lúc nào hết, các địa phương phải thường xuyên coi trọng, có những phương án tối ưu, hiệu quả nhất trong công tác phòng, chống lụt bão. Mỗi người dân cần nêu cao ý thức chủ động, tinh thần trách nhiệm công dân, tránh tư tưởng chủ quan, lơ là để đề phòng những bất trắc khó lường của thời tiết, hạn chế thấp nhất thiệt hại do mưa, bão gây ra...

Phương Duyên

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...