Khắc phục hành vi vi phạm pháp luật của thanh thiếu niên trên địa bàn tỉnh

Thứ 5, 03/09/2015 | 08:10:55
1,950 lượt xem

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Thái Bình có khoảng 374.322 thanh niên trong độ tuổi từ 16-30 (chiếm 21% dân số và 38% lực lượng lao động). Trong đó,102.559 đoàn viên thanh niên khối nông thôn, khối đô thị là 4.491 người, khối công nhân viên chức là 6.332 người, khối trường học là 65.807 người, khối lực lượng vũ trang 3.604 người, khối doanh nghiệp 9.645 người. Đây là lực lượng đông đảo, đã và đang giữ vai trò quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà.

Thanh niên Thái Bình hoạt động vì cộng đồng

Đại bộ phận thanh niên có ý thức tự lực, tự cường, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống, có chí tiến thủ, năng động, sáng tạo trên các lĩnh vực học tập, nghiên cứu, lao động, sản xuất. Tuy nhiên sự tác động đa chiều của nền kinh tế thị trường, quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tạo ra những mặt tích cực cũng như tiêu cực đối với thế hệ trẻ. Một bộ phận thanh thiếu niên suy thoái về tư tưởng, chính trị, đạo đức, chạy theo lối sống hưởng thụ, thực dụng, cơ hội, sa vào các tệ nạn xã hội.

Theo thống kê của các ngành Công an, Kiểm sát, Tòa án, gần đây tội phạm trong lứa tuổi vị thành niên trên địa bàn tỉnh Thái Bình ngày càng gia tăng với các tội danh như cướp giật, trộm cắp, đánh nhau…; cá biệt có một số trường hợp giết người. Trong 5 năm qua (2010-2015), toàn tỉnh đã phát hiện điều tra, xử lý 4.178 vụ việc ( trong đó 60 vụ xâm hại trẻ em,  708 vụ trẻ em làm trái pháp luật, 4.527 thanh thiếu niên vi phạm pháp luật, 1.244 thanh, thiếu niên nghiện các chất ma tuý).

Tổng số vụ án hình sự liên quan đến thanh thiếu niên được các cơ quan điều tra khởi tố 3.516 vụ (2.823 vụ án có số bị can là thanh, thiếu niên); số vụ án liên quan đến thanh thiếu niên được thụ lý kiểm sát xét xử là 3.387 vụ. Từ 2011-30/6/2015, Tòa án Nhân dân 2 cấp tỉnh Thái Bình tiến hành thụ lý 149 vụ, 198 bị cáo; đã đưa ra xét xử 146 vụ, 195 bị cáo là người chưa thành niên phạm tội.

Hàng năm, Trung tâm Giáo dục chữa bệnh lao động xã hội Thái Bình, các Trung tâm cai nghiện may túy trên địa bàn tỉnh tiếp nhận và cai nghiện cho khoảng 400 người, trong đó lực lượng thanh niên khoảng 320 người (chiếm 80% tổng số người cai nghiện).

Nhận thức rõ những tác hại xấu của tội phạm và tệ nạn xã hội trong thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên, những năm qua, các Sở, ban, ngành, đoàn thể các cấp đã tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền địa phương  đẩy mạnh công tác tuyên truyền giáo dục pháp luật cho đối tượng là thanh thiếu niên với nhiều hình thức gắn với đặc điểm tâm, sinh lý, sở thích, nhu cầu của tuổi trẻ để tiếp cận và tổ chức hoạt động tuyên truyền phù hợp. Tuy nhiên, do tác động của mặt trái nền kinh tế thị trường đã nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp; quá trình hội nhập về kinh tế, văn hóa, xã hội, mặt trái của công nghệ thông tin đã tác động xấu đến đạo đức, lối sống, hành vi của một bộ phận thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên nhất là sự xâm nhập, tác động của Internet, phim ảnh, sách báo đồi truỵ, bạo lực; một bộ phận không nhỏ thanh thiếu niên coi thường pháp luật…là những nguyên nhân nhân gây nên tình trạng phạm tội vị thành niên trên địa bàn tỉnh thời gian qua gia tăng.

Hiện nay, toàn tỉnh đã thành lập và duy trì hoạt động có hiệu quả 190 câu lạc bộ (CLB) phòng chống ma túy, phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CLB tuổi trẻ với pháp luật; 178 CLB, Đội thanh niên xung kích an ninh, thanh niên xung kích phòng chống tội phạm và tệ nạn xã hội, CLB Thanh niên với pháp luật, đội thanh niên tình nguyện đảm bảo trật tự ATGT, đội thanh niên tình nguyện “Thắp sáng niềm tin” với sự tham gia của 1.305 đoàn viên thanh niên; 230 đội tuyên truyền thanh niên cơ sở, đội thanh niên xung kích an ninh và đội kỹ năng sống; 223 mô hình cổng trường xanh – sạch – đẹp – an toàn giao thông; 100% các liên đội, trường THPT, Trung tâm giáo dục thường xuyên và học nghề, Đại học, Cao đẳng có Đội tự quản, Đội sao đỏ, hòm thư giúp bạn...

Ðể hạn chế đến mức thấp nhất việc vi phạm pháp luật; góp phần kiềm chế các loại tội phạm trong lứa tuổi thanh thiếu niên, giảm thiểu tình trạng học sinh, sinh viên bị xâm hại trong thời gian tới, Thái Bình tiếp tục thực hiện các giải pháp sau:

- Các cấp ủy, chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục đạo đức, pháp luật, đề cao vai trò của gia đình, nhà trường, xã hội. Thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác phòng chống tội phạm, huy động sự đóng góp của các tổ chức, cá nhân tạo nguồn lực để cảm hóa, giáo dục, tạo điều kiện việc làm, nguồn vốn cho những người lầm lỗi, có hoàn cảnh khó khăn, không để bị lôi kéo vào con đường phạm tội, vi phạm pháp luật. 

- Có chính sách ưu tiên đầu tư kinh phí, cơ sở vật chất và điều kiện đảm bảo triển khai công tác phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên.

- Phát huy vai trò của Hội đồng phổ biến giáo dục pháp luật các cấp, tạo sức mạnh tổng hợp của các tổ chức đoàn thể và nhân dân. Tăng cường ký kết các chương trình phối hợp hoạt động phổ biến pháp luật cho thanh, thiếu niên giữa các sở, ngành, đoàn thể.

- Đề ra giải pháp, chính sách hỗ trợ, tạo việc làm cho thanh, thiếu niên; có biện pháp xử lý nghiêm đối với các loại hình kinh doanh dịch vụ nhạy cảm gây ảnh hưởng xấu đến lứa tuổi thanh thiếu niên, học sinh, sinh viên...

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho cán bộ, đảng viên và nhân dân về công tác phòng, chống tội phạm, đặc biệt là phòng, chống tội phạm, vi pham pháp luật đối với lứa tuổi thanh thiếu niên. Phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội trong phòng ngừa, phát hiện, ngăn chặn, đấu tranh với tội phạm. 

- Tăng cường sự phối hợp của các cấp, các ngành trong việc rà soát, tổng hợp và phân loại những đối tượng thanh thiếu niên có nguy cơ mắc tệ nạn xã hội và vi phạm pháp luật. Tập trung phổ biến pháp luật cho những đối tượng thanh, thiếu niên có nguy cơ vi phạm pháp luật cao như: người có trình độ học vấn thấp do bỏ học sớm; gia đình có bố mẹ ly hôn, bố mẹ phạm tội hoặc bố mẹ thường xuyên đánh bạc; thanh niên không có việc làm, hoàn cảnh khó khăn, những thanh niên đã được cảm hóa giáo dục…

- Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ báo cáo viên, tuyên truyền viên đáp ứng nhu cầu thực tế. Phát huy vai trò của đội ngũ luật sư, tư vấn viên pháp luật, trợ giúp viên pháp lý nhằm thực hiện có hiệu quả công tác tuyên, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho đối tượng là người chưa thành niên.

 - Các trường học nâng cao hơn nữa tầm quan trọng của môn học đạo đức, giáo dục công dân, Nhà nước và pháp luật trong các cấp học. Xây dựng các mô hình đào tạo kỹ năng sống cho học sinh, sinh viên trong chương trình học tập chính khóa; giáo dục đạo đức, pháp luật, kỹ năng sống, lao động, cách xử lý các tình huống khi có mâu thuẫn, xung đột… Có biện pháp phối hợp quản lý chặt chẽ giữa nhà trường và gia đình, địa phương trong việc quản lý, giáo dục, nắm bắt những diễn biến tư tưởng của học sinh để kịp thời phát hiện những biểu hiện không lành mạnh của các em nhằm uốn nắn, ngăn chặn.

- Xây dựng môi trường xã hội lành mạnh, đặc biệt trong gia đình ông bà, cha mẹ phải gương mẫu, không vi phạm pháp luật để con cháu noi theo; không lôi kéo, che giấu các hành vi vi phạm pháp luật. Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự, nhất là quản lý cư trú; phát động phong trào quần chúng phát hiện, tố giác, thu hồi các ấn phẩm văn hóa độc hại, các loại đồ chơi nguy hiểm, triệt phá các tụ điểm văn hóa hoạt động không lành mạnh… Tạo nhiều điểm vui chơi, giải trí lành mạnh thu hút thanh thiếu niên tham gia.

- Đa dạng các hình thức phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh thiếu niên, chú trọng tuyên truyền các văn bản pháp luật như Bộ Luật Lao động, Bộ Luật Dân sự, Bộ Luật Hình sự, Luật Thanh niên, Luật Hôn nhân và gia đình, Luật Bình đẳng giới, Luật Phòng chống ma túy, Luật Giao thông đường bộ, Luật Xử lý vi phạm hành chính; pháp luật về phòng chống tội phạm… nhằm nâng cao nhận thức, kĩ năng ứng xử, từng bước hình thành nếp sống và làm việc theo pháp luật.

- Nhân rộng các mô hình phổ biến giáo dục pháp luật cho thanh, thiếu niên đã triển khai hiệu quả trong thời gian qua như CLB thanh niên với pháp luật, Đội thanh niên tình nguyện thắp sáng niềm tin… Đổi mới trong việc biên soạn và cung cấp tài liệu tuyên truyền phù hợp với từng đối tượng đặc thù.

 Hạnh Nga

Sở Tư pháp Thái Bình

 

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...