Vườn Phật thủ lớn nhất miền Bắc và khát vọng “mở đường” cho thanh niên làm giàu

Thứ 3, 19/12/2023 | 00:00:00
584 lượt xem

Trong khi nhiều người trẻ đang bỏ làng quê lên thành phố kiếm sống, thì có những thanh niên đã nhìn ra con đường sáng để làm giàu trên chính những mảnh đất chua trũng, tưởng chừng không thể trồng cấy. Anh Mai Đức Anh, ở xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư, là một điển hình như vậy. Không chỉ là thanh niên đầu tiên mang cây phật thủ về trồng tại Thái Bình, anh còn đang ấp ủ dự định đưa khu vườn của mình trở thành quy mô lớn nhất miền Bắc và truyền đạt kỹ thuật cho những thanh niên khác cùng phát triển.

Anh Mai Đức Anh, xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư thường xuyên tìm tòi thông tin trên mạng xã hội để phát triển vườn phật thủ

Là một trong những người sáng lập Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp huyện Vũ Thư, từ lâu Đức Anh đã trăn trở mong muốn tìm ra một mô hình giúp thanh niên phát triển kinh tế bền vững trên đồng ruộng, lợi nhuận cao hơn trồng lúa. Trong một lần tham quan mô hình trồng phật thủ ở huyện Hoài Đức, Hà Nội, nhận thấy giống cây này hoàn toàn phù hợp, Đức Anh nghĩ đến những khu đất chua trũng bỏ không ở gần ruộng của gia đình mình. Ban đầu chỉ có 3 sào ruộng, sau 3 năm tích tụ dần, đến tháng 8 năm 2022, anh đã có khu vườn với tổng diện tích lên tới 5ha. Trong đó 2ha đang trồng thí điểm trên 500 gốc phật thủ, nay đã bắt đầu có quả.  


Anh Mai Đức Anh, xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư: “Đầu tiên tuổi trẻ các bạn phải có đam mê đã. Sau khi có đam mê rồi thì ý thức tự đến. Lúc đầu mình thuê để làm, sau khi mọi người thấy mình làm đúng, có động lực thì người thì bán, người thì cho thuê ruộng để mình làm. Cây này có ưu điểm là mình đầu tư chi phí ban đầu rất ít, sâu bệnh cũng ít, công chăm sóc mình bỏ ra ít, thu lại lợi nhuận kinh tế cao.”

Phật thủ là loại quả được ưa chuộng để trưng bày bàn thờ dịp Tết 

Phật thủ được ví như bàn tay Phật che chở, mang an lành, sung túc đến cho gia chủ. Vì quan niệm đó, nhiều người mua loại quả này về bày lên bàn thờ, với mong muốn được hưởng những điều tốt lành. Mỗi quả trên cây lại có giá trị khác nhau, từ vài trăm nghìn, đến quả đẹp phải tới bạc triệu. Quả không đạt vẫn có thể bán theo cân để chế biến làm thuốc hoặc mứt. Lợi nhuận từ mô hình được Đức Anh ước tính lên tới hơn 30 triệu đồng/sào. 


Anh Mai Đức Anh, xã Tân Hoà, huyện Vũ Thư: “Mình cũng mong muốn rằng chứng minh được sản phẩm này đạt hiệu quả cao, sau đó nhân rộng điển hình và mình sẽ chia sẻ kinh nghiệm từ con giống, chăm sóc đến thanh niên có nhu cầu trồng phật thủ cũng như coi đây là mô hình phát triển kinh tế cho thanh niên nông thôn.”

 Anh Đức Anh tự mày mò công nghệ tưới tự động để tiết giảm chi phí

Để vườn phật thủ phát triển tốt, Đức Anh còn tự mày mò công nghệ tưới tự động để tiết giảm chi phí. Sau năm đầu tiên, anh đang tiếp tục mở rộng diện tích trồng phật thủ, dự kiến lên tới khoảng 3.000 gốc, trở thành vườn phật thủ lớn nhất miền Bắc. Thành công của mô hình chứng minh một thực tế rằng, nếu có quyết tâm và tinh thần ham học hỏi, thì thanh niên nông thôn hoàn toàn có thể làm giàu từ nông nghiệp, từ những lợi thế có sẵn trên đồng đất quê hương. 

Hà My


  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...