Ngân hàng Thái Bình 70 năm xây dựng và phát triển

Thứ 5, 06/05/2021 | 00:00:00
1,619 lượt xem

Ngay sau khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ký Sắc lệnh số 15/SL thành lập Ngân hàng Quốc gia Việt Nam, ngày 6/5/1951, đến tháng 9/1951, Tỉnh ủy Thái Bình quyết định thành lập Đại lý Ngân hàng Quốc gia tỉnh, nay là Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình.

Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình những ngày mới thành lập

Ngày đầu thành lập không tránh khỏi bỡ ngỡ, cơ sở vật chất kỹ thuật gần như không có gì, song mỗi cán bộ ngân hàng Thái Bình đều hăng hái vừa làm, vừa học, nhanh chóng đưa các hoạt động nghiệp vụ đi vào cuộc sống,đáp ứng yêu cầu của cuộc kháng chiến, góp phần tạo nên sự chuyển biến tích cực trên mặt trận kinh tế, tài chính. 

Ông Nguyễn Trọng Tăng - Nguyên Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình:

“Lúc chúng tôi vào ngành là tháng 6/1959, Ngân hàng Nhà nước tỉnh Thái Bình có khoảng 120 người, phân bổ các huyện và tỉnh. Cơ sở vật chất lúc đó rất nghèo chưa có trụ sở.”


Cán bộ nhân viên Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình

Trải qua nhiều giai đoạn, từ cơ chế hoạt động 1 cấp, rồi đến 2 cấp, dù thời bình hay thời chiến, các lớp thế hệ cán bộ ngân hàng Thái Bình luôn đoàn kết, nhất trí, chủ động, sáng tạo; nêu cao phẩm chất cách mạng - cần, kiệm, liêm, chính; nỗ lực thực hiện hiệu quả nhiệm vụ được giao; tiên phong trên tuyến đầu hỗ trợ doanh nghiệp, khách hàng vượt qua những giai đoạn khó khăn.

Bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình:

"Đến nay hệ thống ngân hàng trên địa bàn tỉnh Thái Bình có Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình thực hiện chức năng quản lí nhà nước về tiền tệ hoạt động của ngân hàng, 26 chi nhánh ngân hàng và 85 quỹ tín dụng nhân dân cơ sở, hoạt động trên 530 điểm giao dịch. Đến nay, nguồn vốn huy động của các tổ chức tín dụng trên địa bàn đạt 86.000 tỷ đồng, dư nợ đầu tư cho phát triển kinh tế - xã hội địa phương đạt 65.000 tỷ đồng.”


Doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn tỉnh Thái Bình

Chia sẻ, đồng hành cùng khách hàng vượt qua khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, năm 2020, hệ thống Ngân hàng Thái Bình thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ cho 370 khách hàng với dư nợ 271 tỷ đồng; miễn, giảm lãi vay cho 1.250 khách hàng với số tiền lãi hỗ trợ 530 triệu đồng; cho vay mới 6.440 khách hàng với lãi suất ưu đãi giảm 0,5 - 2,5%/năm so với lãi suất thông thường; Doanh số cho vay đạt gần 22 ngàn tỷ đồng. 

Bà Phan Thị Tuyết Trinh - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Thái Bình:

“Năm 2021 và những năm tiếp theo, Ngân hàng Thái Bình tập trung thực hiện các nhiệm vụ chính: đẩy mạnh huy động vốn và cho vay nền kinh tế, phấn đấu tăng trưởng nguồn vốn huy động tăng 18-20%, dư nợ tăng trưởng 13-15%/ năm, toàn ngành tiếp tục thực hiện giải pháp cơ cấu lại tổ chức tín dụng trên địa bàn, xử lí nợ xấu, bảo đảm an toàn hoạt động.”


Kế thừa truyền thống vẻ vang của các thế hệ đi trước, năng động, sáng tạo, nhiệt huyết, đoàn kết, gắn bó và những bài học kinh nghiệm quý báu trong suốt chặng đường đã qua, ngành Ngân hàng Thái Bình tiếp tục phấn đấu hoàn thành xuất sắc các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, góp phần thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội mà Nghị quyết Đại hội XX Đảng bộ tỉnh đề ra và phát triển hệ thống Ngân hàng Việt Nam vững mạnh; tích cực chung tay, góp sức xây dựng quê hương, đất nước ngày càng văn minh, giàu đẹp. 

Duy Huy

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...