Thái Bình chỉ đạo công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi

Thứ 3, 12/03/2019 | 19:56:10
319 lượt xem

Chiều ngày 12/3, đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp bàn các giải pháp chỉ đạo tăng cường công tác phòng chống dịch tả lợn Châu Phi trên địa bàn tỉnh Thái Bình. Dự họp có đồng chí Phạm Văn Xuyên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến nay, dịch tả lợn châu Phi đã xảy ra tại 70 xã của 6 huyện. Tổng số lợn tiêu hủy lũy kế đến 16h ngày 11/3/2019 là hơn 8.400 con với tổng trọng lượng đã tiêu hủy là gần 490 tấn. Trước tình hình trên, tỉnh đã thành lập 5 chốt tại cầu Nghìn, cầu Hiệp, cầu Triều Dương, cầu Thái Hà và cầu Tân Đệ. Trong khi đó, số chốt kiểm soát dịch bệnh cấp huyện là 14 chốt, cấp xã là 301 chốt. Tổng lượng hóa chất tỉnh đã hỗ trợ thực hiện xử lý ổ dịch là 27.000 lít, lượng vôi bột các địa phương đã sử dụng xử lý ổ dịch là hơn 929 tấn. Ngoài ra, tỉnh đã huy động hơn 100 cán bộ của các sở, ngành xuống cơ sở chỉ đạo, kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác xử lý dịch và phòng dịch. 

Tại cuộc họp, các đại biểu đã thảo luận về vấn đề triển khai các biện pháp phòng chống lây lan dịch bệnh, điều kiện để công bố dịch cấp huyện, trách nhiệm của các cấp, các ngành. 

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, đồng chí Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xây dựng biểu đồ số xã, số hộ, số con lợn bị mắc dịch để làm căn cứ xác định mức độ và chiều hướng lên xuống của dịch. Đồng chí yêu cầu các cấp các ngành tiếp tục tổ chức thực hiện tốt các công việc liên quan đến phòng chống dịch theo chỉ đạo, thực hiện bằng nhiều biện pháp đã nêu trong các văn bản của Trung ương và của tỉnh. Nơi nào lơ là trong công tác phòng chống dịch để xảy ra hậu quả nghiêm trọng thì người đứng đầu địa phương đó phải chịu trách nhiệm. 

Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khẩn trương tham mưu UBND tỉnh xem xét và tổ chức công bố dịch ở 3 huyện là Đông Hưng, Hưng Hà và Quỳnh Phụ. Các huyện có trách nhiệm công bố dịch ở các xã khi đã lan ra ở mức độ nguy hiểm.  

Video: 31219_OTHANG1.mp4

 Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu cần tổ chức thực hiện chặt chẽ các biện pháp theo quy định của luật ở 3 huyện trên như lập các chốt chặn, được phép xử lý các hành vi vi phạm liên quan đến việc mua bán, vận chuyển lợn. Các huyện tìm giải pháp tiêu thụ lợn an toàn trong phạm vi huyện mình. 

Để ngăn chặn dịch lan rộng, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu 5 huyện, thành phố còn lại tăng cường các biện pháp phòng chống dịch theo quy định và được phép thực hiện các biện pháp như công bố dịch. Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tham mưu phương án tiếp tục phát động tuần lễ tiêu độc khử trùng khi thời tiết thuận lợi, hỗ trợ vật tư hóa chất và nhân lực cho các địa phương, tạo hiệu ứng trong toàn xã hội. Sở Tài chính nghiên cứu mức hỗ trợ cho các hộ chăn nuôi trong vùng có dịch, trong đó hướng dẫn việc công khai quy trình, thủ tục và mức hỗ trợ để thực hiện giám sát cộng đồng, tránh việc lợi dụng chính sách nhà nước để trục lợi. Đồng thời, nghiên cứu tham mưu cho tỉnh bố trí kinh phí hỗ trợ công tác phòng chống dịch. Tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền các biện pháp phòng chống dịch, nhất là tính nguy hiểm của dịch, khuyến cáo việc tiêu thụ và giết mổ lợn. 

Video: 31219_OTHANG2.mp4

 Chủ tịch UBND tỉnh cũng giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chịu trách nhiệm xây dựng kịch bản và kế hoạch ứng phó khi dịch xảy ra trên diện rộng, có số lượng tiêu hủy lớn. Các ngành có liên quan và thành viên trong Ban chỉ đạo của tỉnh cần nỗ lực kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở việc phòng chống dịch của các địa phương và các hộ chăn nuôi, tham mưu giải pháp để công tác phòng chống dịch hiệu quả hơn.


+  Cũng trong chiều 12-3, đồng chí Đàm Văn Vượng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Thái Bình đi kiểm tra công tác phòng chống bệnh dịch tả lợn Châu phi tại một số địa phương trên địa bàn huyện Quỳnh Phụ. Cùng đi có đồng chí Phạm Văn Tuân - Phó trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH Thái Bình.

Qua kiểm tra tại xã An Ấp là địa phương đã có bệnh dịch và xã An Quý, địa phương chưa xuất hiện bệnh dịch, Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh cho rằng điều đáng lo ngại là đến nay vẫn chưa phát hiện được nguyên nhân gây bệnh, chưa có thuốc đặc trị, nếu bệnh dịch tiếp tục lây lan sẽ gây thiệt hại lớn cho ngành chăn nuôi, cho người dân. Do vậy đồng chí yêu cầu huyện Quỳnh Phụ cần tiếp tục duy trì các biện pháp phòng chống bệnh dịch; không chủ quan, lơ là nhưng cũng không được gây hoang mang về bệnh dịch. Tích cực tuyên truyền để các hộ chăn nuôi thực hiện nghiêm quy trình tiêu độc khử trùng, ngăn chặn người ra vào chuồng trại chăn nuôi. Nghiêm cấm vận chuyển đàn lợn ra, vào huyện; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, động viên các chốt kiểm dịch. 

Đồng chí Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh lưu ý sau tiêu hủy thì các địa phương cần bố trí lực lượng canh coi khu vực hố chôn lấp, tránh những vấn đề phát sinh.

Cao Biền  - Thanh Phú 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...