“Đừng ngại thay đổi” để tạo bước nhảy vọt

Thứ 4, 20/02/2019 | 09:08:19
479 lượt xem

Cuộc làm việc đầu tiên của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc với một số bộ, ngành trong năm mới Kỷ Hợi diễn ra vào sáng 19.2 tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Người đứng đầu Chính phủ nhấn mạnh: “Thời gian qua, chúng ta đã thấy được hiệu quả của thay đổi thể chế và điều này khích lệ chúng ta tiếp bước trên con đường này”. Thủ tướng đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư “đừng ngại thay đổi” để “tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại”.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại buổi làm việc

5 trọng tâm bứt phá

“Cách đây tròn 3 năm, ngay đầu nhiệm kỳ của Chính phủ, Thủ tướng đã có buổi làm việc với Bộ Kế hoạch và Đầu tư”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nhớ lại. Trong cuộc làm việc đó, “Thủ tướng yêu cầu Bộ phải cải cách, đổi mới, phải là cơ quan có tầm nhìn chiến lược, tham mưu đúng, trúng nhiều giải pháp, chính sách cho Chính phủ cả trong ngắn hạn và dài hạn”.

Sau 3 năm thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng khẳng định, toàn ngành kế hoạch, đầu tư và thống kê đã vượt lên chính mình, đạt nhiều kết quả đổi mới về tư duy và hành động, giữ vững ngọn cờ cải cách, khẳng định được vai trò là cơ quan tổng tham mưu trưởng của Chính phủ về kinh tế vĩ mô, phát triển kinh tế - xã hội.

Xác định 2019 là năm “bứt phá” để thực hiện các nghị quyết Đại hội XII của Đảng, nghị quyết của QH về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020, Bộ Kế hoạch và Đầu tư tập trung cho 5 bứt phá trọng tâm.

Một là, phát triển bứt phá về lực lượng sản xuất, trọng tâm là phát triển mạnh khu vực tư nhân, nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn lực gắn liền với đổi mới, sáng tạo, tạo lập môi trường kinh doanh bình đẳng. Hai là, gia tăng tốc độ bứt phá của tiến trình cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động, năng lực cạnh tranh của nền kinh tế và tiến trình thực hiện 3 đột phá chiến lược. Trọng tâm là tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về cơ cấu trong từng ngành, lĩnh vực và cơ cấu đầu tư công, tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả đột phá về hạ tầng, phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng trên nền tảng hiệu quả của hợp tác đối tác công - tư.

Ba là, nhanh chóng hình thành các trung tâm đổi mới, sáng tạo quốc gia và đẩy mạnh hoạt động của mạng lưới kết nối đổi mới, sáng tạo… Bốn là, phấn đấu đạt tốc độ tăng trưởng bứt phá của các cực tăng trưởng, các địa phương đầu tàu của cả nước, trọng tâm là Hà Nội, TP Hồ Chí Minh; 4 vùng kinh tế trọng điểm; phát triển nhanh các ngành mũi nhọn trên nền tảng công nghệ 4.0 gắn kết với thị trường quốc tế. Năm là, cải thiện bứt phá hiệu quả quản trị nhà nước gắn liền với xây dựng bộ máy tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; nâng cao hiệu quả thực thi chính sách, nâng cao tính minh bạch và trách nhiệm giải trình. Khắc phục căn bản tình trạng “trên nóng dưới lạnh” và “kinh tế 4.0 nhưng quản lý mới 1.0”.

Năm 2045, Việt Nam phải là quốc gia thịnh vượng

Những thành quả của Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã được người đứng đầu Chính phủ ghi nhận. Thủ tướng cho rằng, một trong những kết quả nổi bật là hoàn thiện thể chế, trong đó có Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của 37 luật có liên quan đến quy hoạch, qua đó, bãi bỏ quy hoạch gây cản trở hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh của người dân, doanh nghiệp. Bộ đã mạnh dạn đề xuất gỡ bỏ những quy định ràng buộc dễ dẫn tới xin - cho, lợi ích nhóm như bãi bỏ giấy chứng nhận đăng ký đầu tư dự án BOT, BT, bãi bỏ quy hoạch sân golf... Bên cạnh đó, vẫn còn các mặt yếu kém cần khắc phục như công tác đánh giá, quản lý, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm dù đã có tiến bộ nhiều so với những năm trước. Công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật còn nhiều bất cập, xuất phát từ việc phối hợp giữa các bộ, ngành, địa phương chưa tốt…

Người đứng đầu Chính phủ cũng chỉ ra những thách thức, bài toán lớn đối với Việt Nam mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư cần lưu tâm khi làm công tác tham mưu, thống kê, hình thành chính sách kinh tế. Một trong số đó là nguy cơ tụt hậu, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình còn rất lớn. Thủ tướng dẫn số liệu của Ngân hàng Thế giới, GDP đầu người của Việt Nam năm 2017 (tính theo sức mua tương đương hiện tại) đạt 6.776 USD. Nếu tốc độ tăng trưởng GDP bình quân đầu người đạt 6%/năm (tương đương với mức tăng trưởng GDP khoảng 7%) thì đến năm 2030 mới đạt khoảng trên 13.600 USD, bằng mức Thái Lan năm 2011. Đến năm 2045 (kỷ niệm 100 năm thành lập nước), GDP bình quân đầu người đạt khoảng 35.000 USD, bằng mức Hàn Quốc năm 2015.

Nêu định hướng “tầm nhìn vào năm 2030 Việt Nam hướng tới một xã hội khá thịnh vượng, thuộc nhóm có thu nhập trung bình cao và năm 2045, dịp kỷ niệm 100 năm thành lập nước, là trở thành một quốc gia phát triển thịnh vượng”, Thủ tướng yêu cầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư tiếp tục xây dựng thể chế vượt trội, hiệu quả hơn và “đừng ngại thay đổi”. “Cần thay đổi đủ lớn, đủ nhanh, đủ mạnh về thể chế, tháo bỏ được các nút thắt thể chế, tạo ra bước tiến nhảy vọt của quá trình chuyển đổi sang kinh tế thị trường đầy đủ, hiện đại”, Thủ tướng nhấn mạnh.

Cũng theo Thủ tướng, để hiện đại hóa thể chế kinh tế cần có một cách tiếp cận toàn diện trên các mặt chính trị, xã hội và môi trường. Không được coi nhẹ tầm quan trọng của trụ cột nào trong phát triển kinh tế vì sẽ không mang lại cho chúng ta sự bền vững, thịnh vượng và hạnh phúc. Mọi tổ chức, cá nhân có toàn quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo; hệ thống thể chế phải bảo đảm được đầy đủ quyền tự do kinh doanh, tự do sáng tạo và hiện thực hóa được những ý tưởng, đề xuất đổi mới, sáng tạo. Thủ tướng đề nghị phải áp dụng đầy đủ và nhất quán các nguyên tắc trên đây trong soạn thảo, tham vấn, thẩm định và thông qua các văn bản, chính sách, đề án.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...