UBND tỉnh nghe báo cáo dự thảo Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Thứ 3, 25/12/2018 | 11:04:12
772 lượt xem

Đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì cuộc họp nghe báo cáo dự thảo những nội dung chủ yếu của Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Dự họp có các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, lãnh đạo UBND tỉnh, lãnh đạo các Sở, ngành, huyện, thành phố.

Dự thảo quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp, nông thôn tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 đề ra mục tiêu phát triển kinh tế nông nghiệp, nông thôn với tốc độ cao, ổn định và bền vững với cơ cấu kinh tế ngày càng hợp lý. Về nông nghiệp, tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất giai đoạn 2019 – 2020 là 2,5%/năm, giai đoạn 2021 – 2030 là 2,0% đến 2,5%; đến năm 2030 tỷ trọng ngành nông, lâm, ngư nghiệp chiếm 17 – 18% trong cơ cấu kinh tế tỉnh Thái Bình. Tập trung thâm canh tăng năng suất, chất lượng lúa, khoai tây, rau xanh… Phát triển chăn nuôi theo hình thức trang trại, trang trại tập trung, phù hợp với tích tụ đất đai của từng địa phương. Phát triển nuôi trồng thủy sản theo hình thức thâm canh, bán thâm canh, khai thác hiệu quả vùng bãi triều ven biển và nuôi ngao. Phát triển trồng và bảo vệ rừng phòng hộ, rừng đặc dụng ven biển. 

Về nông dân, đến năm 2025 tỷ lệ lao động qua đào tạo khoảng 70%. Về nông thôn, đến hết năm 2019 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới; có 2 huyện trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. Đến hết năm 2020 có 100% các huyện đạt chuẩn nông thôn mới, thành phố hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới; có từ 10 xã trở lên đạt các tiêu chí của xã nông thôn mới nâng cao, trong đó có từ 3 xã trở lên đạt các tiêu chí xã nông thôn mới kiểu mẫu. Cơ cấu kinh tế nông thôn đến năm 2030 sẽ là công nghiệp, xây dựng chiếm 60%; dịch vụ chiếm 30%; nông nghiệp 10%. 

Các đại biểu tập trung phân tích vấn đề kết cấu hạ tầng, cơ cấu lao động khu vực nông thôn, vấn đề liên kết sản xuất tiêu thụ sản phẩm, xây dựng thương hiệu nông sản, đồng thời đặt câu hỏi với đơn vị tư vấn về dự kiến tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp. 

Đồng chí Đặng Trọng Thăng - Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tên gọi của Quy hoạch nên chỉnh lại là Quy hoạch tổng thể phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030. Nhất trí quan điểm cơ bản là phát triển nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa quy mô lớn, áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất, nhất là cần phải xây dựng được sản phẩm mang thương hiệu Thái Bình. Đồng chí yêu cầu Quy hoạch cần xây dựng theo hướng nông nghiệp phát triển đồng bộ cả về trồng trọt, chăn nuôi, chế biến nuôi trồng thủy hải sản và khai thác xa bờ, có tích tụ ruộng đất để tạo ra sản xuất lớn. 

Về mục tiêu cụ thể của Quy hoạch, cần nghiên cứu về tốc độ tăng trưởng, sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp để chỉnh sửa một số mục tiêu, từ ngữ cho phù hợp với thực tế. Đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao đơn vị tư vấn tiếp thu ý kiến của các đại biểu để chỉnh sửa và hoàn thiện bản quy hoạch trình cấp có thẩm quyền xem xét.

+ Tiếp đó, các đại biểu đã nghe Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông báo cáo tiến độ công việc và kế hoạch triển khai dự án đầu tư xây dựng tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình.Dự án tuyến đường bộ ven biển tỉnh Thái Bình đi qua 6 xã của huyện Thái Thụy với diện tích đất thu hồi là 31,3ha gồm 2,05ha đất ở và 29,25ha đất nông nghiệp. Trong khi đó, tuyến đi qua 13 xã huyện Tiền Hải với diện tích đất thu hồi là 61,95ha gồm 1,87ha đất ở và 59,08ha đất nông nghiệp. 

Đến nay, hầu hết các xã đều có thông báo thu hồi đất, riêng đất ở đã và đang thực hiện kiểm đếm tài sản trên đất. Hiện nay, cả 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải đều đã phê duyệt quy hoạch chi tiết của 5 điểm tái định cư. Về công tác giải phóng mặt bằng hiện có một số vướng mắc như đối với phần đất nông nghiệp, theo kế hoạch, đến nay phải kết thúc công khai niêm yết; tuy nhiên do một số khó khăn vướng mắc trong quá trình thực hiện như thiếu các thủ tục pháp lý về thừa kế, ủy quyền, các tranh chấp về diện tích, vị trí … nên còn một số hộ chưa hoàn thành công tác kiểm đếm, một số hộ chưa lập xong phương án để tổ chức công khai niêm yết. Ngoài ra trên tuyến có một số mộ chưa được di dời. 

Về nội dung này, đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh giao 2 huyện Thái Thụy và Tiền Hải phụ trách công tác giải phóng mặt bằng, trực tiếp báo cáo UBND tỉnh nội dung này, Ban quản lý Ban quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông sẽ chỉ báo cáo về hồ sơ thủ tục và tiến độ triển khai thực hiện dự án. Đồng chí thống nhất thời gian dự kiến chi trả bồi thường giải phóng mặt bằng cho các hộ dân sẽ thực hiện và hoàn thành trong tháng 1 năm 2019. Đồng thời, yêu cầu các Sở, ngành, địa phương khẩn trương thực hiện các công việc còn lại theo đúng tiến độ đã đề ra, kịp thời báo cáo những khó khăn vướng mắc phát sinh, đảm bảo phục vụ việc khởi công dự án, thời gian dự kiến sẽ là từ 16 đến 20/2/2019.


+ Cũng trong buổi sáng, dưới sự chủ trì của đồng chí Đặng Trọng Thăng - Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, các đại biểu đã nghe Sở Lao động, Thương binh và Xã hội báo cáo dự thảo đề án phát triển mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -  xã hội của tỉnh Thái Bình và hội nhập quốc tế đến năm 2025.

Tính đến tháng 12 năm 2018, toàn tỉnh có 29 cơ sở giáo dục nghề nghiệp. Trong đó có 4 trường cao đẳng, 7 trường trung cấp và 18 trung tâm giáo dục nghề nghiệp. Đội ngũ nhà giáo cơ bản đáp ứng được với những nghề hiện tại đang được tổ chức đào tạo. Quy mô, cơ cấu các ngành nghề đào tạo ngày càng đa dạng, đáp ứng nhu cầu học nghề của người lao động và nhu cầu sử dụng lao động của các cơ sở sản xuất, kinh doanh trong và ngoài tỉnh cũng như phục vụ tốt quy hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương và các tỉnh lân cận. 

Tỷ lệ lao động qua đào tạo nghề không ngừng tăng qua các năm, học sinh, sinh viên có việc làm sau tốt nghiệp bình quân đạt 75%. Đầu tư cho giáo dục nghề nghiệp được quan tâm, cơ sở vật chất và thiết bị dạy nghề được đầu tư từng bước đáp ứng được việc tăng quy mô và chất lượng đào tạo. Việc tổ chức thực hiện liên kết, liên thông giữa các trình độ đào tạo của các cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong tỉnh và ngoài tỉnh; phối hợp với doanh nghiệp để đào tạo cũng như giải quyết việc làm sau đào tạo đã được quan tâm chú trọng. 

Theo mục tiêu của Đề án, đến năm 2025 bảo đảm trên 85% học viên sau khi học nghề có việc làm; đẩy mạnh xuất khẩu lao động gắn với đào tạo nghề cho người lao động.

Sau khi nghe ý kiến các đại biểu, đồng chí Đặng Trọng Thăng, Chủ tịch UBND tỉnh đề nghị tên gọi Đề án nên theo hướng viết gọn lại, chỉnh sửa lại bố cục nội dung. Trong đó Đề án phải xác định được nghề trọng điểm, tạo sự đột phá về chất lượng đào tạo giáo dục nghề nghiệp. Phát triển mạng lưới giáo dục nghề nghiệp theo hướng gắn kết với thị trường lao động và xã hội, chuyển mạnh đào tạo gắn kết với việc làm và tạo việc làm bền vững. Tạo điều kiện để thu hút các nguồn lực của xã hội để đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. 

Đồng chí giao Ban soạn thảo tiếp thu ý kiến các đại biểu tại cuộc họp để bổ sung hoàn thiện Đề án.

Cao Biền

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...