Giải pháp xây dựng cánh đồng đạt giá trị 400 - 500 triệu đồng/ha/năm.

Thứ 3, 20/09/2016 | 09:44:49
1,498 lượt xem

Trong chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã chỉ ra những tồn tại, hạn chế của tỉnh như: Sản xuất nông nghiệp còn mang nặng tính độc canh cây lúa, những cây con giá trị kinh tế cao còn ít, chưa hình thành vùng sản xuất hàng hóa, thu hút đầu tư nước ngoài, sức hấp thụ vốn của các ngành kinh tế còn thấp. Đây cũng chính là mục tiêu đề ra cho nông nghiệp Thái Bình.

 

Mô hình trồng rau màu tại  xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà.

Với mục tiêu xây dựng cánh đồng đạt giá trị 400 - 500 triệu đồng/ha/năm, đối với nông dân là một giấc mơ. Nhưng không phải là giấc mơ xa vời, phi thực tế. Bởi hiện nay, ở Thái Bình, cũng đã xuất hiện những mô hình tích tụ ruộng đất, luân canh nhiều vụ trong năm và đem lại lợi nhuận vài trăm triệu đồng trên một ha một năm cho nông dân.  

 Mô hình trồng rau tại xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà là một ví dụ. Tận dụng những khoảnh sân, vườn quanh nhà, nhiều hộ dân ở thôn Việt Yên 3 và Việt Yên 4 của xã Điệp Nông mùa nào thức ấy. Hộ nhiều cũng hơn sào trồng các loại cây rau giống. Tính vụ quay vòng 20-25 ngày/vụ. Trừ chi phí thu lãi từ 150 - 200 triệu đồng/năm. Ông Nguyễn Văn Lũy (thôn Việt Yên 3, xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà) cho biết: “Chúng tôi trồng rau giống. Các thương lái về đây mua đảm bảo được nguồn rau giống chất lượng, giữ được uy tín nên các thương lái ở Hưng Yên, Nam Định, ….”

Thương hiệu gắn liền với chất lượng và giữ chữ tín. Cả 2 thôn Việt Yên 3 và Việt Yên 4 của xã Điệp Nông có tổng diện tích 10 ha. Nhiều năm qua, địa phương trở thành nơi cung cấp rau giống lớn cho nhiều địa phương quanh tỉnh.Ông Trần Minh Chiêu – Giám đốc Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp xã Điệp Nông, huyện Hưng Hà cho biết: “Từ hiệu quả của 2 thôn, chúng tôi đang nhân rộng mô hình. Nhiều thôn đã đến đây để học tập.”

Thu hoạch rau màu tại xã Quỳnh Hải.

Không chỉ có mô hình rau giống tại xã Điệp Nông (huyện Hưng Hà) là cho nông dân thu nhập vài trăm triệu đồng/ ha/ năm mà trên cánh đồng chuyên canh rau màu của xã Quỳnh Hải (huyện Quỳnh) cũng cho nông dân thu nhập cao như thế. Nhiều năm qua, nông dân nơi đây biết áp dụng công nghệ trong sản xuất rau như làm khung che lưới, luân canh từ 5 - 6 vụ/ rau/ 1 năm. Thậm chí, người dân mạnh dạn gieo trồng cả những loại rau trái vụ để cho giá trị cao:

Ông Phạm Văn Liễn-Chủ nhiệm Hợp tác xã sản xuất kinh doanh dịch vụ nông nghiệp Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ cho biết:  “Một vụ trồng một lứa rau chưa đầy 2 tháng thu nhập 5-6 triệu đồng/ sào (tương đương thu nhập trên 100 triệu/1 ha trên 1 đợt, một năm chúng tôi thu hoạch 5 vụ, chưa kể xen canh có thể đảm bảo từ 500-600 triệu/ha”.

Tại Thái Bình, đang ngày một xuất hiện nhiều hơn những mô hình sản xuất chuyên canh, luân canh tiêu biểu như thế. Đây chính là điển hình của nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa.

Qua các mô hình cụ thể vừa nêu có thể thấy, nền nông nghiệp Thái Bình đang có những bước tiến dài. Đó là nông dân đã đi vào sản xuất theo chiều sâu, tăng giá trị trên 1 đơn vị diện tích thông qua việc luân canh, tăng vụ, đặc biệt, lựa chọn những cây trồng có giá trị để tăng thu nhập.

Việc xây dựng cánh đồng đạt giá trị 400 - 500 triệu đồng/ ha năm đối với Thái Bình như chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc có thể nói không dễ thực hiện. Tuy nhiên, không phải là không làm được bởi Thái Bình có nhiều lợi thế như là truyền thống, kinh nghiệm thâm canh của nông dân, các cơ chế chính sách hỗ trợ nông nghiệp của tỉnh rất kịp thời. Vậy vấn đề còn lại là cách làm như thế nào? Lộ trình cụ thể ra sao?

Mô hình trồng dưa trồng dưa áp dụng công nghệ cao trong sản xuất tại Thái Bình.

Hiện nay, ngoài những mô hình điểm trong sản xuất nông nghiệp ở Thái Bình hiện đem lại giá trị vài trăm triệu đồng ha/ năm, thì tính mặt bằng chung, mỗi ha canh tác hiện nay của nông dân trung bình chỉ cho thu nhập từ 80 - 90 triệu đồng/ năm đối với diện tích gieo cấy 2 vụ lúa với điều kiện phải là lúa giống, lúa chất lượng có giá trị kinh tế. Nếu những nơi có truyền thống thâm canh thêm 1 vụ hè và 1 vụ đông thì giá trị có thể ước tính lên từ 120 - 150 triệu đồng/ ha/ năm. Nhưng như vậy, thì cũng còn là một khoảng cách quá xa so với mục tiêu đạt giá trị từ 400 - 500 triệu đồng/ ha/ năm. Ông Trần Văn Tín - Chủ tịch UBND xã An Hiệp, huyện Quỳnh Phụ khẳng định:“ Xã An Hiệp chúng tôi mới có trên 265 ha diện tích canh tác, giá trị mới đạt 125 triệu/ ha nếu so sánh ngoài thực tế thì vẫn chưa đảm bảo cuộc sống. Do vậy, chúng tôi đang đưa các công ty, doanh nghiệp vào sản xuất tại địa phương.”

Ông Trần Văn Hưng - Trưởng phòng NN&PTNT huyện Vũ Thư:Ở đây là mục tiêu hết sức khó khăn, tuy nhiên, đối với các mô hình điển hình, tại huyện Vũ Thư đã có cánh đồng đạt 400-500 triệu đồng/ ha, đặc biệt, với các vùng chuyên canh trồng cây dược liệu, vùng chuyên canh cây màu Song An và Trung An, một số hộ đầu tư công nghệ cao vào sản xuất.”

 Vậy làm thế nào để mục tiêu đạt giá trị 400 - 500 triệu đồng/ ha/ năm sớm trở thành hiện thực? Thực tế Thái Bình hiện cũng đã có những mô hình điểm cho giá trị cao như thế. Thậm chí có những nơi giá trị 1 ha lên tới hàng tỷ đồng như vùng trồng hoa ly xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình. Tuy nhiên, đó mới chỉ trên quy mô diện tích nhỏ. Để những mô hình điểm đó nhân rộng ra, để nhiều vùng sản xuất đều có thể đạt giá trị vài trăm triêu đồng/ ha/ năm như thế, thì cũng cần thực hiện các giải pháp đồng bộ.

Ông Nguyễn Như Liên – Giám đốc Trung tâm Khuyến nông Thái Bình đề xuất một số giải pháp: “ Thứ nhất là phải phân vùng sản xuất làm sao tận dụng một số lợi thế so sánh của một số cây trồng tại một số địa phương. Hai nữa là tăng vụ trên cơ sở tái cơ cấu lại giống, tái cơ cấu lại mùa vụ,chuyển một phần cấy lúa kém hiệu quả sang trồng các loại cây khác có giá trị kinh tế cao hơn. Cái giải pháp thứ ba, cần cơ cấu lại sản xuất như sản xuất phải gắn với thị trường, và sản xuất phải gắn với chế biến, lưu thông, tiêu thụ sản phẩm. Giải pháp thứ tư là xây dựng một số nhãn hiệu tập thể cho một số hàng hóa có ưu thế nổi trội tại Thái Bình.”

 Như vậy, có nhiều giải pháp trọng tâm để Thái Bình đạt được mục tiêu xây dựng cánh đồng đạt giá trị 400 - 500 triệu đồng/ ha/năm như là lựa chọn những loại cây có giá trị kinh tế cao, áp dụng công nghệ, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sự vào cuộc của các doanh nghiệp để sản phẩm nông nghiệp Thái Bình hướng tới xuất khẩu. Tuy nhiên, dù làm thế nào thì vẫn không nằm ngoài mục tiêu là tích tụ ruộng đất để mở rộng sản xuất với quy mô lớn.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...