Phụ nữ huyện Đông Hưng đa dạng các hướng thoát nghèo, làm giàu trên quê hương

Thứ 3, 27/10/2015 | 08:28:41
1,317 lượt xem

Xác định phong trào phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế là nhiệm vụ trọng tâm của công tác Hội. Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Đông Hưng ( Thái Bình) đã tích cực vận động chị em tham gia lao động sản xuất, phát triển kinh tế. Đã có nhiều mô hình kinh tế do phụ nữ làm chủ hoạt động hiệu quả, mang lại nguồn thu nhập chính đáng, góp phần cải thiện cuộc sống của gia đình và tạo việc làm cho nhiều phụ nữ địa phương.

Mô hình chăn nuôi của gia đình bà Vũ Thị Hạt, thôn Tây Bình Cách, xã Đông Xá, huyện Đông Hưng

Gia đình bà Vũ Thị Hạt, thôn Tây Bình Cách là một trong những hội viên Hội phụ nữ  tiêu biểu trong phong trào phát triển kinh tế của xã Đông Xá, huyện Đông Hưng. Trước đây,cuộc sống. gia đình bà Hạt khó khăn, đất đai nhiều song do chưa biết áp dụng khoa học kỹ thuật (KHKT) vào sản xuất nên kinh tế cũng chỉ đủ ăn. Từ khi bà tham gia sinh hoạt hội phụ nữ, được tuyên truyền, vận động chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tham gia các lớp tập huấn chuyển giao KHKT,  bà đã thay đổi cách nghĩ, cách làm. Với diện tích hơn 7.000 m2, gia đình bà đào ao, thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi gia cầm. Xung quanh bờ ao trồng các loại cây ăn quả nhằm nâng cao thu nhập. 

 

Bà Vũ Thị Hạt chia sẻ: “ Hai năm qua, nhà tôi chăn nuôi vịt và cá. Mỗi năm cũng được hơn 100 triệu. Từ năm ngoái ra đây, ruộng thì bắt đầu trồng bí xanh. Trồng nguyên khu vực ruộng này 8 sào. Như năm ngoái thu được 15 triệu.

  Xã Ðông Xá  còn nhiều hội viên phụ nữ khác tích cực trong phong trào chăn nuôi, phát triển kinh tế gia đình như chị Vũ Thị Liệu ( thôn Tân Tích); gia đình chị Phạm Thị Thành thôn (Đông Bình Cách)... Những hội viên này được sự giúp đỡ từ Hội LHPN xã đã chủ động vay vốn và sử dụng vốn vay có hiệu quả, đầu tư nuôi lợn nái và hơn 100 lợn thịt, cho thu lãi từ 100 - 150 triệu đồng/năm.

 Bà Vũ thị Hằng - Chủ tịch Hội LHPN xã Đông Xá, huyện Đông Hưng cho biết.Trong những năm qua, Hội LHPN xã Đông Xá chủ yếu tuyên truyền vận động, chuyển giao KHKT tới các Chi hội, kết hợp với HTX tổ chức các lớp tập huấn, hỗ trợ về giống, hỗ trợ về vốn cho hội viên. Ngoài ra, Hội LHPN xã đã tín chấp với các ngân hàng cho hội viên vay vốn để chị em có vốn phát triển sản xuất.”


Nếu như ở xã Đông Xá, hội viên phụ nữ tập trung đầu tư vào chăn nuôi để phát triển kinh tế thì ở xã An Châu chị em đẩy mạnh thâm canh tăng vụ với mô hình cánh đồng 4 vụ/năm.

Chị Nguyễn Thị Luyến, xóm 6, xã An Châu, huyện Đông Hưng chăm sóc mướp đắng

Vài năm về trước  trên thửa ruộng hơn 2 sào, gia đình chị Nguyễn Thị Luyến, xóm 6, xã An Châu, huyện Đông Hưng dùng để cấy lúa. Thế nhưng chân ruộng cao, khó lấy nước lại thường xuyên bị chuột cắn phá nên năng suất lúa không cao. Chị Luyến đã cùng nhiều hộ nông dân khác đã mạnh dạn chuyển đổi sang trồng cây mướp đắng. Với chu kỳ sinh trưởng 90 ngày, cây mướp đắng cho thu nhập cao hơn nhiều lần so với trồng lúa. Trừ mọi chi phí, gia đình chị cũng thu lãi gần 10 triệu đồng. Chị Nguyễn Thị Luyến kể lại: “ Lúc đầu, gia đình tôi trồng mướp đắng thì cũng gặp nhiều khó khăn . Sau được tham gia lớp hướng dẫn, phổ biến kỹ thuật, hỗ trợ giống và tiêu thụ sản phẩm do Hội phụ nữ tổ chức nên giờ chúng tôi rất yên tâm trồng mướp đắng.”

Hiện nay, mô hình cánh đồng 4 vụ ở thôn Kim Châu 2 đã thu hút trên 100 hộ gia đình với diện tích 6,5ha. Sau 2 vụ mướp đắng, địa phương gieo trồng 2 vụ tiếp theo gồm: Dưa xuất khẩu và rau màu. Nếu thời tiết thuận lợi, cánh đồng 4 vụ/ năm có thể cho thu hoạch trên 300 triệu đồng/ha. Hiệu quả cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.

Phong trào xây dựng cánh đồng mẫu, cánh đồng 4 vụ của Hội LHPN xã An Châu đã và đang triển khai có hiệu quả, nhân rộng tới 3/3 thôn trong toàn xã, góp phần tích cực trong chuyển dịch cơ cấu cây trồng theo hướng sản xuất hàng hóa, góp phần nâng cao kinh tế cho hội viên phụ nữ. Không chỉ tập trung phát triển kinh tế nông nghiệp, trong năm qua nhiều chị em phụ nữ trên địa bàn huyện Đông Hưng mạnh dạn đưa nghề về quê, tạo việc làm cho lao động địa phương.

Sản xuất tại Công ty TNHH May Đạt Đăng, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng

Công ty TNHH May Đạt Đăng, xã Đông Phương, huyện Đông Hưng được thành lập nhiều năm nay, chủ của cơ sở may này là chị Nguyễn Thị Quyền. Sau khi tốt nghiệp THPT, chị Quyền cũng đã có thời gian dài làm việc cho các doanh nghiệp may mặc của nước ngoài. Nhận thấy may mặc là mặt hàng thiết yếu, ngoài sản xuất tiêu dùng trong nước còn có thể xuất khẩu ra nước ngoài với số lượng lớn nên chị quyết định mở xưởng may tại địa phương. Ban đầu, cơ sở gặp nhiều khó khăn do số lượng máy may ít, tay nghề công nhân chưa cao, lượng hàng chưa nhiều, thu nhập bình quân của người lao động chỉ từ 2- 3 triệu đồng/người/tháng.

Vì luôn đặt chữ tín và chất lượng sản phẩm lên hàng đầu nên các công ty đặt hàng với cơ sở ngày càng nhiều, thu nhập của công nhân cũng tăng. Nhiều chị em trong xã thấy công việc nhẹ nhàng, gần nhà, thu nhập cũng cao đã đến cơ sở xin việc. Chị nào có tay nghề được tiếp nhận vào làm ngay, những người chưa có tay nghề chị Quyền tổ chức dạy nghề.

Chị Nguyễn Thị Quyền- Chủ cơ sở may của Công ty TNHH May Đạt Đăng cho biết: “ Đến

nay, cơ sở tạo công ăn việc làm cho 300 công nhân với mức lương từ 4,5- 5 triệu. Mỗi khi có công nhân mới đến, tôi cho kỹ thuật hướng dẫn, đào tạo nghề cho nửa tháng rồi đưa ra chuyền để sản xuất.”

Cùng với sự nỗ lực của mỗi chị em, trong những năm qua, các cấp hội phụ nữ trên địa bàn huyện Đông Hưng đã tổ chức 56 lớp dạy nghề may công nghiệp, dệt chiếu, gia công bật lửa, đèn pin ... cho 1.225 lao động, giúp chị em có thêm thu nhập cho gia đình. Ngoài ra, các cơ sở Hội vận động chị em cho nhau vay vốn không lấy lãi; giúp đỡ, hỗ trợ cây, con giống cho chị em nghèo, chị em có hoàn cảnh khó khăn.

Từ đó, đời sống hội viên phụ nữ trong huyện đã có bước chuyển biến đáng kể. Tỷ lệ hộ giàu, hộ khá ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Năm 2014, toàn huyện đã có gần 100 hộ do phụ nữ làm chủ thoát nghèo.

Những hoạt động cụ thể, thiết thực và sự chủ động của Hội LHPN huyện Đông Hưng trong phong trào phát triển kinh tế, không chỉ giúp chị em thay đổi cách nghĩ, cách làm mà còn phát huy khả năng sáng tạo của mỗi hội viên trong sản xuất, kinh doanh. Từ đó nhiều hội viên thoát nghèo và vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần đẩy nhanh tiến độ xây dựng nông thôn mới trên địa bàn.

Thu Trang

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...