Gia đình 5 thế hệ giữ gìn di sản hát văn

Thứ 6, 24/06/2022 | 00:00:00
767 lượt xem

Hát văn hay hát chầu văn là 1 loại hình nghệ thuật ca hát cổ truyền của dân tộc và đã được tổ chức UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể. Tuy nhiên đây lại là loại hình nghệ thuật khó học và kén người thưởng thức. Tại thị trấn Vũ Thư, huyện Vũ Thư có 1 gia đình đã có 5 thế hệ nối tiếp nhau đam mê, gắn bó và giữ gìn nghệ thuật truyền thống này.

Căn nhà của ông Phạm Thọ Cách lúc nào cũng rộn rã tiếng đàn, tiếng hát.

Trong căn nhà nhỏ của ông Phạm Thọ Cách lúc nào cũng rộn rã tiếng đàn, tiếng hát. Các thành viên trong gia đình mỗi người 1 nhạc cụ, 1 vai diễn, ai nấy đều thả hồn phiêu theo lời luyến láy của vở hát văn. Những dịp quây quần cùng nhau biểu diễn, luyện tập hát văn tạo nên 1 không gian nghệ thuật đặc biệt, không chỉ giúp luyện ngón đàn, nhịp phách mà còn là dịp để kết nối các thành viên trong gia đình với nhau.


Ông Phạm Thọ Cách - thị trấn Vũ Thư huyện Vũ Thư: “Gia đình nhà tôi đến nay đã có 5 thế hệ theo nghiệp hát văn, ban đầu tôi thấy phần lớn các cháu chưa có hứng thú với hát văn lắm, các cháu thích nhạc ngoại nhiều, tôi động viên các cháu đây là vốn cổ của dân tộc, mong các cháu cố gắng giữ gìn thì đến bây giờ 1 vài cháu rất hào hứng và say sưa với môn này.”


Từ bé ông Cách đã có niềm đam mê với hát văn 

Sinh ra và lớn lên ở làng quê gần làng chèo Khuốc huyện Đông Hưng, ông bà và bố mẹ của ông Cách xưa kia vì yêu chèo Khuốc nên mê cả hát văn và hát rất giỏi. Sau này lớn lên, dường như tình yêu hát văn, hát chèo đã thấm vào máu của ông Cách. Công tác tại đoàn văn công của tỉnh giúp ông Cách có cơ hội để học hỏi, tìm hiểu nghệ thuật hát văn truyền thống của dân tộc. Đặc biệt, người bạn đời của ông, bà Phạm Thị Thơ cũng là cô gái văn công đam mê hát văn. Những buổi chồng đàn, vợ hát như những bữa ăn tinh thần không thể thiếu của hai vợ chồng. Thậm chí vì yêu hát văn, bà Thơ còn đặt tên cho các con và các cháu của mình theo tên của các nốt nhạc. 


Bà Phạm Thị Thơ – vợ ông Phạm Thọ Cách: “Tôi đặt tên các con theo các nốt nhạc là Phạm La Thứ, Phạm Pha My, Phạm Pha Mý, các cháu Phạm La Thăng, Phạm Giáng Son…Các cháu cũng hỏi là tại sao đặt tên như vậy, thì tôi cũng giải thích là ông bà và bố mẹ yêu nghệ thuật thì sau này mong các cháu cũng thấy tên của mình như vậy rồi cũng yêu nghệ thuật, đi theo nghệ thuật giống như mọi người trong gia đình.”


Vừa thừa hưởng năng khiếu của ông bà, bố mẹ, lại sớm được tiếp xúc với hát văn từ nhỏ nên nhiều thành viên trong gia đình ông Cách, bà Thơ đều đi theo con đường nghệ thuật chuyên nghiệp. Không những thế tình yêu hát văn sâu sắc của các thành viên trong gia đình còn lan tỏa, thu hút nhiều người trong và ngoài tỉnh đến học hỏi. Để có thể truyền lửa hát văn đến cho con cháu và nhiều người hơn, hàng tuần, những lúc rảnh rỗi, ông Cách và bà Thơ mở lớp dạy hát văn ngay tại gia đình. Từ lớp học của ông bà, đã có rất nhiều người yêu hát văn có thể thỏa mãn đam mê là hiểu và tự mình cất lên tiếng đàn, tiếng hát văn ngọt ngào, tha thiết. 


Em Vũ Anh Huy- cháu ngoại ông Phạm Thọ Cách: “Em bắt đầu học hát văn từ khi em 3 tuổi, đến nay đã được 18 năm rồi, bây giờ em có thể chơi được sáo, trống và đàn nguyệt. Từ nhỏ em đã ở với ông bà nên được ông bà dạy hát văn, tình yêu hát văn đã ngấm vào máu của em. Bây giờ em thấy nhiều bạn trẻ không hứng thú với âm nhạc truyền thống lắm, em mong mình có thể truyền cảm hứng cho các bạn.”




Anh Nguyễn Thế Văn - tỉnh Nam Định: “trước đây tôi đam mê hát văn nên tìm tòi học nhưng học không bài bản, tình cờ tôi gặp được thầy Cách, thầy chỉ cho tôi những chỗ chưa được, thầy dạy rất tận tình, dễ hiểu, dần dần tôi cũng thành thục và sửa được những lỗi trước đây tôi hay mắc phải.”


Với ông Cách, bà Thơ, niềm vui mỗi ngày chỉ đơn giản là được đàn hát, được sống với đam mê hát văn. Song điều mà ông bà cảm thấy hài lòng nhất, hạnh phúc nhất là tình yêu di sản, nét đẹp văn hóa truyền thống vẫn luôn được gìn giữ giữa các thế hệ và lan tỏa để câu hát văn mãi được nâng niu, nối dài thêm sức sống. 

Vũ Hà

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...