Thú chơi sinh vật cảnh tại Thái Bình

Thứ 7, 24/09/2016 | 16:01:00
1,144 lượt xem

Trước đây sinh vật cảnh chỉ là thú chơi tao nhã của số ít người kinh tế khá , giới văn nghệ sĩ hay trí thức đã về hưu. Nhiều năm trở lại đây, khi nền kinh tế phát triển, thú chơi này đã được nhân rộng trong mọi tầng lớp nhân dân. Sinh vật cảnh (SVC) đã trở thành món ăn tinh thần không thể thiếu đối với con người. Chơi SVC không chỉ là một thú vui tao nhã mà SVC đã và đang phá dần thế độc canh cây lúa tại Thái Bình đem lại giá trị kinh tế cao.

Hội SVC Thái Bình đã tập hợp trên 12.300 hội viên.

Xung quanh bao bọc bởi sông và biển, Thái Bình có địa hình bằng phẳng, khí hậu, đất đai thích hợp cho phát triển nông nghiệp toàn diện. Người Thái Bình cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, yêu thiên nhiên. Những công trình kiến trúc cổ và nhiều tác phẩm còn lưu giữ ở các đình, chùa, đền miếu và trong các gia đình đã minh chứng về truyền thống sáng tạo, thuần dưỡng và thưởng thức văn hóa SVC của người dân Thái Bình từ lâu đời.

Sinh vật cảnh là những thành quả lao động sáng tạo của con người, do con người khám phá, lựa chọn, thuần dưỡng thiên nhiên vốn có. Sinh vật cảnh cuốn hút con người bởi nó đơn giản không chỉ làm đẹp cảnh quan, cải thiện môi trường sinh thái mà còn giáo dục cốt cách gia phong, sức sống mãnh liệt vượt lên mọi khó khăn gian khổ, đem lại niềm vui, hạnh phúc cho con người, đồng thời, SVC còn tác động sâu sắc đến môi trường xã hội, bồi đắp mối quan hệ tốt đẹp giữa con người với con người, hướng con người đến “chân- thiện – mỹ”.

Một số dáng cây do hội viên Hội SVC Thái Bình tạo.

Trong lĩnh vực SVC, cha ông ta đã tìm kiếm, chọn lọc trong thiên nhiên biết bao nhiêu loài động- thực vật để bảo tồn và phát triển làm đẹp, làm phong phú thêm cho cuộc sống, đồng thời đã tạo ra biết bao nhiêu sản phẩm tinh thần như cây cảnh, non bộ, đá- lũa cảnh để qua đó gửi gắm tâm tư tình cảm cũng như khát vọng thẩm mỹ của mình đối với cuộc sống. Và từ mục tiêu gửi gắm đó cha ông ta cũng đã sáng tạo ra nhiều phương cách để thể hiện nội dung qua hình tượng biểu đạt.

Ông Trần Đức Mẫn (thôn Thái Phương La, xã Thái Phương, huyện Hưng Hà) cho biết: “Tôi đã chơi cây được trên 30 chục năm, cứ thấy ở đâu có triển lãm về SVC là tôi đến thăm quan, học hỏi, tìm hiểu và lĩnh hội vẻ đẹp của SVC về áp dụng vào việc làm của mình.”

 Còn ông Bùi Minh Thiện (Khu 2, thị trấn Quỳnh Côi) cho rằng “Chơi SVC không chỉ cần đam mê mà còn phải có lòng kiên nhẫn, chơi cây mà không đam mê không kiên nhẫn thì không thể có cây cảnh đẹp.”

Cây cảnh nghệ thuật có 4 thế cơ bản: Trực, xiêu, hoành, huyền. Từ 4 thế đó, các nghệ nhân có thể tạo ra hàng ngàn dáng, thế khác nhau để gửi gắm tâm tư tình cảm của mình. Một cây được đánh giá là cây quý phải hội tụ đủ 4 tiêu chí “Cổ - Kỳ- Mỹ- Văn”. “Cổ” là cây phải già, nhiều năm tuổi; còn “Kỳ” là cây có dáng kỳ lạ và “Mỹ” là cây đẹp mang tính thẩm mỹ cao, “văn” là cây có nội dung tư tưởng mang tính nhân văn- đó là nghệ thuật phản ánh thẩm mỹ của con người.

Các hội viên Hội SVC Thái Bình bàn luận về dáng thế.

Những năm qua, hàng trăm ngàn sản phẩm SVC đủ chủng loại được trưng bày trong các ngày lễ trọng của đất nước, của tỉnh, thành phố,  rồi đến huyện và xã, phường. Một nét đẹp văn hóa, xã hội đã trở nên quen thuộc với người dân Thái Bình.

Và cũng từ các cuộc trưng bày đó, người ta thấy sự có mặt của hàng ngàn hội viên Hội SVC,  nhiều hội viên xuất sắc được công nhận và vinh danh nghệ nhân SVC Thái bình. Nhiều tác phẩm SVC đã dự thi tác phẩm SVC trung ương và địa phương đạt giải cao. Không chỉ mang ý nghĩa về giá trị về tinh thần SVC còn góp phần đem lại giá trị kinh tế, cải thiện và nâng cao đời sống của nhân dân. Điều đó phù hợp và đi đúng sự chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương xây dựng quy hoạch, phát triển SVC thành ngành kinh tế sinh thái có giá trị cao. Nhiều người đã thoát nghèo và giàu lên từ SVC. Hoạt động này đã được các cấp, ngành, địa phương trong tỉnh quan tâm, chỉ đạo trong những năm qua.

Ông Nguyễn Đăng Sơn – Chủ tịch Hội SVC xã Minh Tân (huyện Đông Hưng)  cho biết: “Ở đây chúng tôi đã chuyển đổi được gần 30 ha trồng lúa sang làm đào và các loại cây thế. Nếu trồng đào 1 năm thì thu 100 triệu đồng trồng đào 3 năm thì thu gấp 2 -3 lần so với cấy lúa”.

Trước đây, vào giữa năm 2012, cơn lốc giá cây cảnh đã tạo ra nhiều bất ngờ cho những người sản xuất, kinh doanh và thú chơi cây cảnh nghệ thuật, kinh tế sinh vật cảnh lắng chìm với những tác động tiêu cực đến việc đầu tư phát triển kinh tế sinh vật cảnh. Tuy nhiên,  thú chơi tao nhã này đã được những người chơi SVC giàu tâm huyết, nhiệt tình đã tự mình tìm hướng đi mới cho cây cảnh đó là tập trung vào việc chơi cây cảnh mi ni vừa phục vụ cho việc chơi cây nghệ thuật, vừa đáp ứng nhu cầu chơi cây nghệ thuật của mọi tầng lớp nhân dân.

Hiện nay, người chơi cây ngoài việc sáng tạo ra nhiều dáng thế đẹp thì chúng tôi đi sâu vào làm những cây cảnh mi ni vừa đáp ứng nghệ thuật vừa đáp ứng yêu cầu thưởng thức cái đẹp của mọi tầng lớp nhân dân.” - Ông Phạm Đức Duẩn – Khu 1, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phu nói.

Được thành lập từ năm 1993, đến nay, Hội SVC Thái Bình đã tập hợp trên 12.300 hội viên ở các huyện, thành phố, cơ quan, doanh nghiệp, trường học. Ngoài việc tổ chức dạy nghề, bồi dưỡng kỹ thuật SVC và tổ chức tham quan cho hàng ngàn lượt hội viên. Bằng nhiều hình thức, Hội SVC tỉnh còn hướng dẫn và giúp đỡ hội viên phát triển kinh tế SVC,  thu hút hơn có 3.113 cán bộ hội viên làm kinh tế sinh vật cảnh có thu nhập ổn định và hơn 1 vạn lao động thời vụ.

Cây cảnh làm cho các ngôi nhà thêm sinh động và hài hòa với thiên nhiên hơn.

Điều đáng ghi nhận của Hội SVC tỉnh là đã hướng dẫn các tổ chức hội và các hội viên của mình tham gia tôn tạo các di tích lịch sử- văn hóa, công viên, đài tưởng niệm, tạo điều kiện để SVC phát triển trong các trường học, trạm y tế với phong trào: “Xanh hóa trường học” đã giúp cho quy mô và chất lượng ngày càng được nâng cao.

Hội viên tham dự các hoạt động của Lễ hội Bonsai Châu Á - Thái Bình Dương tổ chức tại T.P Hồ Chí Minh, tham gia các Lễ hội Sinh vật cảnh tại thành phố Hải Phòng và các tỉnh Thanh Hóa, Ninh Bình, Hà Nam, Nam Định, Hải Dương, Bắc Ninh. Hội SVC tỉnh có 34 hội viên đưa 95 tác phẩm tham dự Festival sinh vật cảnh Thủ đô năm 2016; có 21 tác phẩm đăng ký dự thi, 14 tác phẩm đoạt giải (5 vàng, 4 bạc và 5 đồng).  Các cấp hội đã chủ động tổ chức và phối hợp tổ chức trên 460 cuộc trưng bày SVC lớn nhỏ phục vụ nhân dân vui xuân và các ngày lễ lớn trong tỉnh và đất nước.

Ông Đào Mạnh Hạ -Chủ tịch Hội sinh vật cảnh tỉnh cho biết: “Chúng tôi tiếp tục chăm lo đến công tác bồi dưỡng, tập huấn nâng cao trình độ hiểu biết và tay nghề cho hội viên; khích lệ tinh thần say mê lao động sáng tạo; tổ chức tốt các hoạt động vinh danh; làm tốt công tác bình chọn và phong tặng danh hiệu Nghệ nhân, thi tác phẩm nghệ thuật; quảng bá sản phẩm, tác phẩm nghệ thuật của hội viên. Kết hợp hài hòa giữa những người sáng tạo nghệ thuật với lực lượng kinh doanh dịch vụ và lực lượng thưởng thức sinh vật cảnh. Chú trọng cả về lực lượng có tay nghề chuyên môn nghiệp vụ cao, với số đông những người sưu tầm, thưởng thức, thú chơi sinh vật cảnh là chính.”

Nói về nghệ thuật là nói về sự sáng tạo, trong thời gian tới, Hội SVC tỉnh Thái Bình tiếp tục có nhiều hội viên sáng tạo được nhiều tác phẩm mang bản sắc dân tộc độc đáo. Mỗi hội viên sẽ phấn đấu có một tác phẩm để đời. Từ đó, SVC thực sự trở thành một hoạt động văn hóa góp phần làm đẹp, làm giàu cho cuộc sống của chúng ta.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...