Cách mạng Tháng Tám với vấn đề tận dụng thời cơ

Thứ 6, 19/08/2016 | 09:05:32
888 lượt xem

Cuộc Tổng khởi nghĩa lật đổ chính quyền thực dân, phong kiến tay sai tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta diễn ra và giành thắng lợi nhanh, gọn, ít đổ máu,… đã trở thành một mẫu hình độc đáo trong phong trào cách mạng ở các nước do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo.

Thành công của Cách mạng Tháng Tám đã mở ra bước ngoặt căn bản, đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi vĩ đại đó là kết quả tổng hợp của nhiều yếu tố, trong đó, thời cơ khởi nghĩa giành chính quyền là một trong những yếu tố đóng vai trò quyết định.

Bài học về vấn đề thời cơ trong cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 không chỉ thể hiện ở việc xác định chọn đúng thời điểm phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền mà còn phản ánh rõ tầm nhìn chiến lược, sự phán đoán chuẩn xác thời cơ, vận hội đến với quốc gia - dân tộc trong bối cảnh sự chuyển biến mau lẹ của tình hình thế giới, khu vực và trong nước; luôn ở thế chủ động chuẩn bị thực lực cách mạng, thúc đẩy và đón đúng thời điểm, triệt để sử dụng thời cơ.

 

Cuộc mít tinh phát động khởi nghĩa giành chính quyền do Mặt trận Việt Minh tổ chức tại Nhà hát Lớn Hà Nội ngày 19-8-1945. Ảnh tư liệu


Đặt trong bối cảnh lịch sử đầu thế kỷ XX, thì mới thấy hết ý nghĩa sâu sắc về sự mẫn cảm, nhạy bén trong đánh giá tình hình của Đảng ta và tiên đoán thiên tài của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc về tương lai của dân tộc. Ngày 3-2-1930, Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời và quá trình xây dựng, phát triển lực lượng cách mạng, những cuộc đấu tranh “long trời lở đất” đã diễn ra: Phong trào cách mạng năm 1930 - 1931 mà đỉnh cao là Xô Viết Nghệ Tĩnh, phong trào sục sôi đấu tranh cho dân sinh, dân chủ giai đoạn 1936 - 1939… của nhân dân ta dưới ngọn cờ của Đảng đều có mối liên hệ tất yếu với sự nắm bắt thời cơ, vận hội của dân tộc mà lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc nắm bắt được và trực tiếp dẫn dắt cách mạng Việt Nam tiến lên.

Nắm bắt được cơ hội mới - thời kỳ mà khả năng đấu tranh giành chính quyền về tay nhân dân đã xuất hiện, tại Hội nghị Trung ương 6 (tháng 11-1939), Đảng ta đã chủ trương chuyển hướng chỉ đạo chiến lược cách mạng. Hội nghị Trung ương 8 (họp từ ngày 10 đến 19-5-1941) do Nguyễn Ái Quốc triệu tập và chủ trì là cột mốc đánh dấu sự hoàn chỉnh về chuyển hướng chỉ đạo chiến lược của cách mạng Việt Nam. Hội nghị đã phân tích sâu sắc tình hình thế giới, trong nước và khẳng định: “Trong lúc này quyền lợi của bộ phận, của giai cấp phải đặt dưới sự sinh tử, tồn vong của quốc gia - dân tộc. Trong lúc này, nếu không giải quyết được vấn đề giải phóng dân tộc, thì chẳng những toàn thể quốc gia, dân tộc còn chịu mãi kiếp ngựa trâu, mà quyền lợi của bộ phận, của giai cấp đến vạn năm cũng không đòi lại được”. Nhận định này thể hiện tầm nhìn chiến lược về thời cơ cách mạng, đã đón đúng chiều hướng phát triển của cách mạng, mở ra cho dân tộc Việt Nam một trang mới - chủ động chuẩn bị lực lượng về mọi mặt tiến tới tổng khởi nghĩa giành chính quyền.

Ngay sau Hội nghị Trung ương 8 của Đảng, Mặt trận Việt Minh được thành lập, ra Báo Việt Nam độc lập. Mười chính sách lớn của Việt Minh với ngọn cờ tư tưởng quang minh chính đại: “Cờ treo độc lập, nền xây bình quyền” được phất cao, đã nhanh chóng lan truyền, tạo nên sức cuốn hút mạnh mẽ, tập hợp hết thảy mọi người dân Việt Nam yêu nước, chống thực dân. Trên cơ sở lực lượng chính trị đông đảo đó, Đảng chọn lọc, tổ chức chặt chẽ những đội quân vũ trang cách mạng, tiến hành chiến tranh du kích ở khắp nơi vừa gây thanh thế để tiếp tục nhân rộng lực lượng ta, vừa chế áp, từng bước làm lung lay chính quyền thực dân phong kiến.

Sau sự kiện Nhật hất cẳng Pháp, tình thế cách mạng đã có bước biến đổi mới, hết sức nhanh chóng trên nhiều phương diện nên Hội nghị Trung ương (đêm mùng 9-3-1945) quyết định nhân cơ hội nạn đói đang hoành hành, lãnh đạo nông dân phá kho thóc của Nhật để giải quyết nạn đói, thúc đẩy phong trào tiến lên. Trong lúc lực lượng cách mạng cả nước đang phát triển với khí thế triều dâng thác đổ thì tình thế trực tiếp cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền đã xuất hiện: Chiến tranh Thế giới thứ II kết thúc, phát xít Nhật đầu hàng Đồng minh vô điều kiện, chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim hoang mang, dao động cực độ.

Để kịp thời tận dụng cơ hội có một không hai, Đảng ta - đứng đầu là Hồ Chí Minh đã quyết định phát động tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Hồ Chí Minh kêu gọi: “Đồng bào toàn quốc hãy đứng dậy, đem sức ta mà giải phóng cho ta. Chúng ta không thể chậm trễ, dưới lá cờ Việt Minh, đồng bào hãy dũng cảm tiến lên”. Cao trào cách mạng dâng lên khắp nơi trên cả nước. Các “đội xung phong” của Việt Minh chiếm đóng các công sở và tước đoạt vũ khí của “bảo an binh”, các tổ chức “quốc gia” bị tan rã. Trong vòng hai tuần lễ, trên toàn quốc, chính quyền cách mạng đã về tay nhân dân.

Nhìn toàn cục, thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã cho thấy rất rõ vai trò mang tính quyết định của việc nắm bắt thời cơ, vận hội đem đến cho quốc gia - dân tộc. Đó là thời khắc, trước lúc hàng chục vạn quân Đồng minh chưa kịp vào nước ta, quân Nhật đã bại trận, quỳ gối đầu hàng Hồng quân Liên Xô, quan quân của chúng ở Đông Dương mất hết tinh thần, hoang mang, rệu rã đến tột cùng, đang chờ quân Đồng minh đến giải giáp vũ khí; còn chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim suy sụp thảm hại. Vì thế, tổng khởi nghĩa giành chính quyền về tay nhân dân trên phạm vi cả nước diễn ra một cách nhanh, gọn, ít đổ máu và thành công triệt để.

71 năm đã trôi qua, bài học về vấn đề lựa chọn thời cơ tổng khởi nghĩa giành chính quyền của cuộc Cách mạng Tháng Tám vẫn còn nguyên giá trị đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc hiện nay. Sau 30 năm đổi mới, “đất nước ta đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử; đồng thời cũng còn nhiều vấn đề lớn, phức tạp, nhiều hạn chế, yếu kém cần phải tập trung giải quyết, khắc phục để tiếp tục đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững hơn”. Vì vậy, Đảng ta nhận định: “Năm năm tới, tình hình thế giới và khu vực sẽ còn diễn biến rất phức tạp, tác động trực tiếp đến nước ta, tạo ra cả thời cơ và thách thức”; ở trong nước: “Bốn nguy cơ mà Đảng ta đã chỉ ra vẫn tồn tại, nhất là nguy cơ tụt hậu xa hơn về kinh tế so với các nước trong khu vực và trên thế giới;…”. Cùng với nguy cơ tụt hậu, các nguy cơ về sự chống phá của các thế lực thù địch, tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, nguy cơ mất ổn định trong khu vực, nhất là tranh chấp chủ quyền trên biển, đảo,… đang là những thử thách gay gắt mà chúng ta phải đối mặt, phải vượt qua.

Bài học kinh nghiệm về tận dụng thời cơ huy động lực lượng của cuộc Cách mạng Tháng Tám vào thực tiễn hiện nay cần tập trung vào việc lựa chọn chính xác đường hướng, phương thức tập hợp, huy động sức mạnh toàn dân tộc để thực hiện bằng được mục tiêu đưa nước ta cơ bản trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần của nhân dân, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc, bảo vệ Đảng, Nhà nước, nhân dân và chế độ xã hội chủ nghĩa.

PGS. TS. NGND Nguyễn Bá Dương (Viện trưởng Viện Khoa học Xã hội nhân văn quân sự) 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...