Câu lạc bộ chèo xã Đông La - Phát huy nét đẹp văn hóa truyền thống

Thứ 5, 14/04/2016 | 16:29:14
3,222 lượt xem

Thái Bình được biết đến có truyền thống hát chèo, hầu như ở xã nào cũng có các câu lạc bộ hát chèo của chính những người nông dân. Trong số đó, nhiều câu lạc bộ hát chèo đã để lại ấn tượng qua các hội diễn văn nghệ quần chúng. Xã Đông La, huyện Đông Hưng, tỉnh Thái Bình vinh dự có câu lạc bộ của 2 làng: Cổ Dũng và Thuần Túy từng đạt giải nhiều lần trong hội diễn.

Đã thành thông lệ, tuần nào cũng vậy, những người nông dân chân lấm, tay bùn lại tập hợp nhau lại, họ cùng ôn luyện, hát theo những làn điệu chèo cổ. Không kể ngày nắng, ngày mưa, cứ khi công việc đồng áng đã xong xuôi, những người nông dân yêu chèo của làng lại cùng nhau đến ngôi đình Cổ Dũng (Di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia) để được cháy hết mình với niềm đam mê chèo. Những người nghệ sĩ nông dân ấy, lúc ban đầu họ tập hợp lại chỉ với mong muốn là được chia sẻ niềm đam mê với nghệ thuật chèo, cùng nhau hát cho vui. Dần theo năm tháng, nhóm hát cứ tăng dần và hình thành nên câu lạc bộ (CLB) chèo của làng.

Một buổi tập của CLB chèo Cổ Dũng xã Đông La.

 Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của CLB gặp không ít khó khăn. Kinh phí mua sắm trang phục, nhạc cụ thiếu thốn, các diễn viên, nhạc công chưa từng học qua một khóa học, lớp học chèo nên khả năng ca hát, biểu diễn còn yếu. Song, với tinh thần đoàn kết cùng nhau vượt khó, các thành viên trong CLB đã không ngừng cố gắng vươn lên. Được biểu diễn và được khán giả yêu thích là họ thấy có động lực để tiếp tục.

Với niềm đam mê, những người nghệ sỹ nông dân này cháy hết mình với nghệ thuật truyền thống của cha ông.

 Bà Hoàng Thị Min dù đã qua tuổi 70, lại không qua một trường lớp nào nhưng yêu chèo, mê chèo bà đã trở thành chủ nhiệm câu lạc bộ chèo làng Cổ Dũng. Và tình yêu ấy, niềm đam mê với nghệ thuật chèo đã được bà truyền lửa đến tất cả các hội viên. CLB chèo Cổ Dũng trở thành một trong những CLB chèo tiêu biểu của xã, của huyện. Từ chỗ chỉ có từ 5 đến 7 thành viên, đến nay, câu lạc bộ thu hút được gần 20 chục người, họ đều là ở tuổi xưa nay hiếm, có cụ gần 90 tuổi vẫn tham gia không bỏ một ngày tập nào.

             Bà Min tâm sự: “Tôi không qua một trường lớp nào nhưng tôi thành lập ra câu lạc bộ chèo vì đam mê. Tôi tự học và nghe qua đài để học hát, tôi hát không hay nhưng với đam mê cùng mọi người trong CLB tạo sức khỏe và niềm vui phục vụ nhiệm vụ chính trị của địa phương…”. 

 

            Bà Bùi Thị Mùi là một người hát chính của câu lạc bộ và là người trẻ nhất khi tham gia vào câu lac bộ. Bà đã gắn bó với câu lạc bộ gần 20 năm. Bà chia sẻ: từ niềm đam mê chèo những thành viên trong CLB có thể bỏ qua cho nhau những khúc mắc,va vấp, cùng nhau học hỏi để hát đúng nhịp, đúng phách, để lời ca, điệu múa ngày càng thêm sắc, thêm hương. Để các buổi biểu diễn thêm hấp dẫn, các thành viên trong câu lạc bộ tự mình sắm tư trang,  quần áo và nhạc cụ. Mỗi khi được biểu diễn họ vui lắm, say sưa tập luyện bất kể ngày mưa hay nắng. Sự say mê, mong muốn giữ gìn nghệ thuật truyền thống của quê hương chính là yếu tố then chốt giúp các thành viên trong CLB không bỏ cuộc trước những khó khăn.

Bà Mùi hồ hởi: “Không qua trường lớp nào, tôi chỉ có đam mê hát chèo. Lúc ban đầu vất vả, không có tiền may quần áo đi biểu diễn, chúng tôi phải  tự mình sắm sửa để phục vụ. Có khi tập làn điệu mới hát sai nhịp, sai phách, cũng có lúc tự ái, rồi anh, chị em tự bảo nhau, tập hát lại càng vui, càng say. Và cứ tự mình tập luyện cả khi đi cấy, đi làm đồng hay khi làm những công việc nhà. Bây giờ cứ được rủ đi hát là tôi đi ngay”.

 Mỗi CLB đều có thành viên yêu chèo, mê chèo nên đã nghiên cứu các bài chèo cổ và sáng tác bài chèo mới, phục vụ cho sự kiện chính trị của địa phương. Ông Mai Quý Tiệp vừa là nhạc công, cũng chính là tác giả của nhiều làn điệu chèo mới để CLB chèo Cổ Dũng thể hiện và dự thi. Những tác phẩm của ông đã được anh, chị trong CLB biểu diễn và đạt giải trong các hội diễn văn nghệ quần chúng. Trong đó phải kể đến vở: “Quê tôi vùng lúa Thái Bình” với nội dung ca ngợi quê hương Đông La tích cực hoàn thành nhiệm vụ xây dựng đời sống văn hóa nông thôn mới.

             “Tôi không phải nhà văn, nhà thơ, tôi ví mình như "túp" thơ là do trời phú cho một chút thiên bẩm. Tôi đam mê và tôi đã viết ra một số lời ca chèo mới trên cơ sở những bài chèo cổ tôi sưu tầm của Nhà văn hóa Trung tâm tỉnh. Tôi đặt lời mới vào lời cổ sao cho đúng nhịp phách.Tôi viết nhiều thành quen và trở thành người sáng tác cho CLB, chủ yếu phục vụ chính trị của địa phương”- ông Mai Quý Tiệp cho biết.

 

 

Chèo là máu, thịt của những người con quê lúa. Người mê hát chỉ biết say sưa với chèo, chính vì vậy, hầu như ở làng nào cũng có những CLB hát chèo. Ngoài CLB của những người nông dân xã Đông La còn có các CLB chèo của Người cao tuổi, Cựu chiến binh, Hội phụ nữ, Đoàn thanh niên....Mọi người say mê tập luyện rồi thi với nhau, với mong muốn các câu lạc bộ tự học hỏi lẫn nhau để cùng duy trì và bảo tồn nét đẹp văn hóa truyền thống.

Chèo là máu, thịt của những người con quê lúa.

“Từ ngày còn trong quân đội được lên sân khấu rồi về hưu đứng trong hàng ngũ Cựu chiến binh, được sự quan tâm của xã, của thôn, chúng tôi tạo dựng nên chương trình văn hóa nghệ thuật mà cha ông trao lại. Hàng năm, dịp 10-3 hay 20-8 (âm lịch) - Ngày hội của làng, các thôn lại tổ chức giao lưu phục vụ hội diễn văn nghệ”. Ông Pham Văn Hốt – Chủ nhiệm CLB chèo làng Thuần Túy (xã Đông La huyện Đông Hưng) chia sẻ.

Qua gần 20 năm hoạt động, những tiết mục chèo của hai CLB: Thuần Túy và Cổ Dũng ngày càng có sức lan tỏa mạnh mẽ, tạo dấu ấn trong lòng nhân dân. Bằng sự nhiệt tình, kiên trì rèn luyện, theo thời gian, từ những người chỉ biết một vài làn điệu chèo, biết chơi một số nhạc cụ, nay các diễn viên, nhạc công trong CLB chèo đã hát hay, đàn giỏi các trích đoạn chèo cổ, các bài hát chèo nổi tiếng, dàn dựng được nhiều vở diễn phục vụ tích cực cho công tác tuyên truyền của địa phương. CLB trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào văn nghệ của xã, thường xuyên được Ban văn hóa xã tin tưởng giao chuẩn bị các tiết mục văn nghệ trong các hội nghị của địa phương, hay lễ hội của các thôn làng.

CLB trở thành lực lượng tiên phong trong phong trào văn nghệ của xã

Gần 20 năm nay, bằng sự đam mê những điệu chèo mà những người nông dân xã Đông La đã giữ gìn, duy trì và phát triển các CLB chèo. Tại đây, họ không chỉ được thỏa mãn niềm đam mê mà còn được tụ họp, giao lưu, chia sẻ tâm tư, tình cảm trong cuộc sống của mỗi thành viên, tạo nên sân chơi giúp nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân.

              Ông Nguyễn Văn Sáu - Trưởng ban Công tác Mặt trận thôn Thuần Túy xã Đông La, huyện Đông Hưng: “CLB đã tạo không khí vui tươi, phấn khởi trong nhân dân. Từ đó, phong trào thường xuyên được nhân rộng trong các dòng họ, động viên tinh thần của nhân dân ngày một nâng cao”.

 

 

 

Các CLB chèo đã động viên tinh thần nhân dân 

và góp phần tuyên truyền nhiệm vụ KT-XH của địa phương trong giai đoạn mới.

               Ông Bùi Văn Tùng - Trưởng ban Văn hóa xã Đông La chia sẻ: “Đối với Đông La tạo điều kiện để các câu lạc bộ có sân chơi tham gia các chương trình văn nghệ và ra quyết định thành lập, động viên tinh tần là chính,còn lại các câu lạc bộ tự túc và xã hội hóa kinh phí. Ngoài phong trào văn hóa văn nghệ tổ chức vào các ngày lễ hội truyền thống phục vụ sự kiện chính trị của địa phương phong trào còn đạt được một số kết quả quan trọng như:tham gia hội diễn phòng chống ma túy đạt giải nhì, văn hóa-văn nghệ quần chúng năm 2011đạt giải nhất…”

 

 Luôn hết mình trong từng vở diễn, từng trích đoạn, từng câu hát chèo, các CLB chèo xã Đông La, Đông Hưng đã góp phần tuyên truyền những nhiệm vụ chính trị - xã hội của xã trong giai đoạn mới. Thông qua hoạt động của câu lạc bộ nhằm duy trì và nâng cao ý thức, trách nhiệm của thế hệ trẻ trong việc gìn giữ, bảo tồn và phát huy nghệ thuật truyền thống của quê hương.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...