Cốm Đồng Thanh

Thứ 2, 14/09/2015 | 09:17:25
787 lượt xem

Mời bạn hãy cùng chúng tôi về lại Đồng Thanh – mảnh đất phía Bắc huyện Vũ Thư. Bạn sẽ rất ấm lòng bởi khi đặt chân tới nơi đây, bạn sẽ cảm nhận thấy rằng, hoà quyện trong gió thoảng có mùi hương cốm mới – một nét đặc trưng riêng có của Đồng Thanh.

Nghề làm cốm của Đồng Thanh có tự bao giờ? người làng chỉ nói rằng, nghề này ra đời  đã  hàng trăm năm nay. Cứ cha truyền, con nối. Mà thật lạ! Đồng Thanh có 3 thôn: Đồng Đại, An Điện và Thanh Hương, nhưng nghề làm cốm lại chỉ tập trung ở thôn Thanh Hương.

Nếu chỉ nhìn những hạt cốm nhỏ bé bạn sẽ không hình dung được, để làm ra nó phải đòi hỏi một sự khéo léo và công phu đến nhường nào. Khâu đầu tiên là khâu chọn thóc. Thóc để giã cốm phải là thóc nếp, hạt mẩy đều, không bị mọt. Nếu là thóc nếp thơm thì cốm càng ngon. Có một điều rất đặc biệt: thóc giã cốm không phải là thóc săn giòn mà đó là thóc non. Chỉ những người nông dân mới định được, bông lúa chín đến “độ” nào thì gặt về làm cốm. Đây là một sự bí mật trân trọng và khe khắt giữ gìn.

Thóc đem ngâm trong nước 24 giờ sau đó vớt ra đãi sạch, lại ngâm tiếp 12 giờ nữa với nước có tỷ lệ 20% nước sôi, 80% nước lạnh. Mục đích làm cho thóc mềm hơn.

Tiếp theo, thóc được vớt ra, lại đãi sạch, để cho ráo nước rồi đem rang. Một chảo rang cũng chỉ vừa cho 1kg thóc/1 mẻ trong thời gian 3 phút. Người ta phải rang làm sao cho thóc chín đều, không giòn quá mà cũng không sống xổi. Đó chính là “bí quyết” của người làm cốm.

Thóc rang xong đem bỏ vào cối giã, đảo đều tay, đến khi hạt gạo dẹt vừa đủ. Sau đó xúc ra sàng lọc bớt vỏ trấu rồi đổ lên máy rê để lọc hết vỏ trấu và cám. Khâu cuối cùng là khâu lọc cốm. Khâu này người ta phải làm thủ công, mục đích là nhặt bỏ những hạt cốm bé, xấu và thóc dối. Làm đi, làm lại 3 đến 4 lần như vậy.

Ngày trước, người làng Thanh Hương làm cốm bằng phương pháp thủ công. Nhưng ngày nay, 90% công đoạn đã được thay thế bằng máy móc. Cốm của Thanh Hương có 2 loại: Cốm trắng và cốm xanh. Cách làm 2 loại cốm này cơ bản đều phải trải qua các công đoạn trên. Song chỉ khác: Với cốm xanh, người ta phải ngâm thóc lâu hơn, ngâm thóc lần hai trong nước sôi 100%, giã dối hơn cốm trắng và có nhuộm phẩm màu, pha thêm chút hương liệu. Ở cốm xanh thì phải có thêm một công đoạn nữa là sấy khô. Cốm xanh người ta thường dùng làm xôi vò, hoặc bánh cốm cho các lễ cưới của trai gái.

Nghề cốm Đồng Thanh chắc hẳn sẽ mai một và cái tên Thanh Hương sẽ chẳng được ai biết đến nếu không có những con người như ông Lê Văn Thái. Ông chính là một trong bốn người của làng đã “tìm đất” cho hạt cốm quê mình. Năm 1992, giữa cái lúc kinh tế thị trường đang bung ra, ông Thái đã khăn gói ra Hà Nội. Ông tìm đến những đại lý lớn của cốm làng Vòng và thấy rằng: về chất lượng cốm làng Vòng chẳng khác gì cốm Thanh Hương, nhưng hạt cốm quê ông còn đẹp hơn về hình thức. Cánh cốm nhẵn và tròn. Thế là ông đem “trình làng” và ký được hợp đồng cung cấp sản phẩm  cốm cho thị trường này. Câu chuyện trên sẽ giúp bạn hiểu vì sao hạt cốm Đồng Thanh lại có mặt ở Thủ đô Hà Nội - để làm nên thương hiệu “cốm làng Vòng” nổi tiếng.

Cái hạt cốm bé tí tẹo ấy đã đưa danh tiếng Đồng Thanh lên huyện, lên tỉnh, ra cả nước và nước ngoài. Hạt cốm thành nghiệp của làng. Rất nhiều người đã trở thành triệu phú.

          

Làng Thanh Hương xã Đồng Thanh ngày nay đã có 67 ông chủ cốm. Những ông chủ này hợp nhau lại thành một hội - đó là hội làng nghề cốm Thanh Hương. Có những ông chủ trẻ mà đã có quy mô sản xuất rất lớn như anh Hoàng Đình Nhẫn, anh Lê văn Thành.

Vào nhà anh Thành lúc nào cũng thấy âm thanh rộn ràng của tiếng chày, tiếng máy. Mỗi ngày, gia đình anh sản xuất 80 kg cốm tương đương với 1,5 tạ thóc. Anh chị phải thuê thêm 4 lao động nữa cùng làm. 

Hội làng Thanh Hương được mở vào hai ngày 18 và 19 tháng 11 âm lịch hàng năm. Trong lễ hội, ngoài phong tục dâng lễ sớ còn có khoa cúng cáo yết của làng nghề để tưởng nhớ những ông tổ của nghề cốm. Tại Thanh Hương Đại Linh Từ để trang trọng tấm bằng công nhận làng nghề của UBND tỉnh trao tặng. Nghề cốm được sản xuất quanh năm, nhưng tập trung từ tháng 8 năm trước đến tháng 3 năm sau, vì đây là thời gian của mùa cưới hỏi và lễ hội.

Người Thanh Hương từ trong bụng mẹ đã quen với tiếng chày, tiếng cối, quen với hương cốm đậm đà vị quê hương, nên sinh ra biết dẻo dai, năng động trong ăn làm, mềm mỏng, khôn khéo trong cách ứng xử.

Bạn hãy cùng tôi dạo một vòng quanh xã Đồng Thanh, hẳn bạn sẽ rất ngỡ ngàng khi ngắm nhìn bức tranh phong cảnh nơi đây. Đã thấy thấp thoáng những ngôi nhà cao tầng mang dáng dấp hiện đai. Những con đường nhựa hoá, bê tông hoá len lỏi vào từng ngõ xóm, điểm tô cho gương mặt làng quê. Đồng Thanh hôm nay đang đi lên từ chính hạt gạo nhỏ nhoi quê mình, mặn chát giọt mồ hôi của bà, của mẹ. Nồng nàn trong gió, có mùi hương cốm mới, đậm đà vị quê hương, thảo thơm một tấm lòng của những con người hôm sớm tảo tần, giàu dãi nắng mưa. Hương cốm Đồng Thanh là niềm thương nhớ của người đi, là tình yêu của người ở lại. Và, bạn sẽ thấy yêu thêm mảnh đất quê mình…

(thaibinhtourism.com.vn)

 


  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...