Ước vọng của ngư dân qua lễ hội làng chài Vạn Xuân

Thứ 4, 02/09/2015 | 15:14:33
1,167 lượt xem

Từ bao đời nay, người dân làm nghề đi biển rất sùng kính đức Nam Hải Đại Vương. Ngài đóng một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng dân cư vạn chài. Ngài nổi tiếng là vị thần luôn dang tay ban phúc lành rộng khắp, cứu vớt ngư dân, che chở cho họ ra khơi được sóng yên, biển lặng, đánh bắt nhiều tôm, cá. Để ghi công ơn ngài, vào tháng 7 âm lịch hàng năm, ngư dân xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình thường tổ chức lễ hội thiêng của làng với mục đích cầu vua Nam Hải ban cho một mùa cá bội thu và phù hộ dân làng được bình an, mạnh khỏe.

Rước kiệu trong lễ hội

Trải qua chiều dài lịch sử, xuất phát từ quan niệm tín ngưỡng đặc trưng của cư dân ven biển, cứ vào hai ngày 7 - 8/7 âm lịch, người dân Thụy Xuân, huyện Thái Thụy lại tưng bừng mở hội làng tại đình Vạn Xuân và đền mẫu Vạn Xuân.

Đình Vạn Xuân, nơi thờ đức Nam Hải Đại Vương, mà theo tín ngưỡng dân gian của người dân nơi đây truyền lại thì ông chính là hóa thân của Thục phán An Dương Vương- một vị vua anh linh xuất hiện ngay từ thuở bình minh của lịch sử dân tộc. Ngài đóng một vị trí đặc biệt quan trọng trong đời sống tâm linh và tín ngưỡng của cộng đồng cư dân đi biển, che chở cho họ ra khơi sóng yên biển lặng, đánh bắt được nhiều tôm cá. Do vậy, bất cứ người dân vạn chài nào, trước mỗi chuyến ra đi đều không quên lễ tế thần biển. 

 

Lễ hội làng chài Vạn Xuân được lịch sử ghi nhận với 7 sắc phong từ thời Lý đến thời Nguyễn

 Đền Mẫu Vạn Xuân ( xã Thụy Xuân) lại là nơi thờ phụng đức Nam Hải đại càn thánh mẫu – Theo ngư dân đây là vị thần cai quản 12 cửa biển lớn vùng Bắc bộ và Bắc Trung Bộ. Bà nổi tiếng là vị thần linh thiêng có cầu có ứng, che chở cho dân, ban phước lành rộng khắp. Ông Hoàng Minh Họa – ngư dân thôn Bình Xuân, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy kể lại:Hàng năm, cứ đến tháng 7, vào ngày lễ hội truyền thống, chúng tôi lại tổ chức cầu nguyện để lấy sự yên bình cho dân làng và tăng thu nhập cho nhân dân ở trong vùng để đời sống được no ấm. Nhân dân chúng tôi tôn thờ ngài đã qua nhiều năm và cũng đã được lịch sử ghi nhận với 7 sắc phong từ thời Lý đến thời Nguyễn.”

Lễ hội dân gian tháng 7 âm lịch, truyền thống hàng năm của làng Vạn Xuân nói riêng của xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy nói chung được hình thành và phát triển, phản ánh rõ nét thế giới quan, nhân sinh quan của bao thế hệ ngư dân nơi đây. Trong đó, lễ rước truyền thống luôn đóng vai trò cốt lõi, trung tâm của lễ hội.

Ngay từ sáng sớm, người dân Thụy Xuân đã đổ về đình làng, nơi bắt đầu lễ hội và chuẩn bị cho lễ rước từ đình làng sang đền Mẫu. Sau màn trống hội và dâng hương thì nghi thức rước kiệu truyền thống bắt đầu. Đi đầu là kiệu rước tượng Bác, tiếp theo, kiệu đức Nam Hải Đại Vương, thành hoàng làng và cuối cùng là kiệu mẫu.  Đoàn rước đầy đủ các thành phần, đi dọc theo con đường trục làng để người dân được chiêm ngưỡng và tỏ lòng thành kính.  Trước cửa mỗi gia đình đều có bày một mâm lễ, tùy theo điều kiện gia chủ và ước vọng của họ mà bày lễ vật. Gạo tượng trưng cho cầu no đủ, tiền vàng tượng trưng cho cầu tài, cầu phú quý. Đoàn rước đi quanh làng rồi tiến về sân đền Mẫu.

Lễ  hội làng Vạn Xuân, xã Thụy Xuân diễn ra trong hai ngày. Ngày đầu tiên là lễ rước kiệu từ đình sang đền Mẫu, ngày thứ hai là lễ rước từ đền mẫu trở lại đình. Và trong lễ rước này không thể thiếu nghi thức kiệu các ngài ra biển, đón mặt trời. Ông Lê Xuân Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy cho biết: “ Địa phương chúng tôi là xã ven biển, ngư dân phải bám biển là sinh hoạt hàng ngày, luôn phải đối mặt với sóng to, gió lớn quanh năm nên trong tiềm thức tâm linh, người dân luôn coi đức Nam Hải Đại Vương và Nam Hải đại càn Thánh mẫu là đức tin luôn che chở cho người dân ra khơi, sóng yên biển lặng, mùa màng bội thu, đánh bắt được nhiều tôm, cá.”

 

 Người dân chuẩn bị tiết mục biểu diễn trong lễ hội

 Người dân Thụy Xuân mang nặng tín ngưỡng với lễ hội này, nên dù ai đi đâu, ở đâu đến ngày này lại trở về hương thôn cùng chung tay góp sức tổ chức lễ hội để ghi sâu truyền thống, nhớ ơn các vị tiên liệt ngày xưa đã có công xây dựng nên quê hương, sứ xở. Là một xã ven biển, bao đời nay, người dân xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy luôn gắn phận mình với sóng, với gió ngoài biển khơi. Biển nuôi nấng, che chở cho họ.  Thời kỳ cao điểm, có trên 90% người dân Thụy Xuân làm nghề đi biển thì nay con số đó có giảm nhưng Thụy Xuân vẫn duy trì đội tàu hùng hậu với trên 100 tàu thuyền có công suất từ tầm trung trở lên vẫn đang ngày ngày bám biểm khai thác. 33% các hộ gia đình làm nghề chế biến và nuôi trồng thủy hải sản, còn lại 30% làm các nghề dịch vụ. Sự phát triển của máy móc đã giúp ngư dân Thụy Xuân được thuận lợi hơn nhưng những đức tin của họ với biển vẫn tồn tại mãi. Những lễ hội cầu ngư hàng năm của làng, của xã, thể hiện tinh thần bám biển, vươn khơi làm giàu là khát vọng của người dân nơi đây. Bởi biển với họ là nhà, biển là quê hương. Về sự phát triển của làng chài, ông Nguyễn Viết Cầu – Thôn Vạn Xuân Nam tâm sự: Trước đây, chúng tôi đi làm cái nghề biển này rất vất vả nhưng chỉ làm tay chân và thiên nhiên thôi, không có máy móc như bây giờ. Trước đánh được một thì bây giờ chúng tôi đánh được 5.”

 

Khu dân cư thôn Vạn Xuân, xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy

Ông Lê Xuân Hưng – Phó Chủ tịch UBND xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy cho biết: “ Bên cạnh khôi phục một nền văn hóa biển truyền thống gắn liền với tâm linh, tín ngưỡng của bà con nhân dân thì cũng thực hiện các cơ chế chính sách của nhà nước để làm sao tạo điều kiện thuận lới nhất cho bà con. Làm sao đảm bảo an toàn, ứng phó, cứu hộ, cứu nạn trên biển kịp thời, giúp nhau cùng phát triển, đầu tư tàu to, máy lớn để vươn khơi, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.”

Có đi biển, sống với biển mới hiểu hết ý nghĩa của mỗi chuyến ra khơi sóng yên, biển lặng để những chuyến tàu đầy tôm cá trở về.  Người dân vùng biển, đời này nối tiếp đời kia, dựa vào biển để mưu sinh thì niềm tin vào các vị thần biển như một điểm tựa vững chắc để mỗi chuyến biển họ ra đi luôn “ Cứng con sóng, vững tay lái”, vượt qua muôn vàn hiểm nguy, vất vả. Và mỗi dịp lễ hội, những ngư dân làng Vạn Xuân lại có dịp tiếp nối, bồi đắp những tình cảm về chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.  

     Hồng Điệp

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...