Chuyện về anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên

Thứ 3, 18/08/2015 | 08:52:16
860 lượt xem

Sinh ra và lớn lên trên quê hương “năm tấn” Thái Bình, Nguyễn Thị Chiên đã từng tham gia chiến đấu dũng cảm trong thời kì kháng chiến chống Pháp, bảo vệ xóm làng, góp phần giải phóng quê hương. Nguyễn Thị Chiên kể: Tôi mồ côi cha từ 5 tuổi và phải ở đợ. Anh trai bị giặc Pháp bắn chết cùng với một số bà con thôn xóm trong một trận càn. Năm 16 tuổi, tôi xung phong và đội du kích xã Tán Thuật, huyện Kiến Xương, tỉnh Thái Bình. Tôi cùng đồng đội đã tiêu diệt và bắt sống 52 tên địch. Tôi đã tham gia nhiều trận đánh. Trong đó, có lần đánh giáp lá cà với địch.


Anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên

Năm 1948, tôi vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng. Tháng 4 – 1950 địch càn quét, khủng bố ác liệt. Một hôm, tôi dẫn đường đưa đồng chí Bí thư Huyện ủy về hoạt động bị địch phục kích. Tôi đã ra hiệu để đồng chí ấy chạy thoát, còn mình thì bị bắt. Chúng hết tra tấn dã man, lại dụ dỗ, nhưng không khai thác được gì ở tôi. Sau hơn 3 tháng giam cầm, tra tấn, chúng phải trả tự do cho tôi.

Tháng 2 – 1952, một vinh dự nữa lại đến với tôi. Tôi được về dự Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc tại chiến khu Việt Bắc. Sau hơn một tuần đi bộ, trèo đèo, lội suối. Vượt qua những chặng đường gian nan vất vả. Nhưng tôi quên hết mệt nhọc. Vì biết sẽ được gặp Bác Hồ.

Ngày 3/2/1952, tại Đại hội anh hùng, chiến sĩ thi đua toàn quốc lần thứ nhất, tôi là một trong 7 người được phong danh hiệu anh hùng. Tôi vô cùng sung sướng được gặp Bác Hồ. Khi Bác gọi tên, tôi chạy đến ôm chầm lấy Bác, khóc nức nở. Bác xoa đầu tôi và bảo:

- Chiên, cháu đừng khóc nữa: Cháu kể cho Bác nghe từ hậu dịch về đây, cháu đi mất mấy ngày đường? Đi có vất vả lắm không? Leo núi như vậy cháu có mệt không? Bố mẹ cháu không còn, bây giờ cháu sống với ai? Mùa màng ở quê hiện nay thế nào? Đời sống của bà con ra sao? Các cháu thiếu nhi có được đi học không?

Tôi xúc động, nghẹn ngào trả lời từng câu hỏi của Bác. Bác cũng rơm rớm nước mắt. Vì Người biết tôi mồ côi bố, mẹ bị chết đói không ai nuôi. Tôi báo cáo những việc làm nhỏ bé của mình góp phần đánh giặc, giữ làng, bảo vệ quê hương. Bác từ ghế Chủ tịch đoàn đi ra, vui vẻ nói: Bác thay mặt Trung ương và Chính phủ tặng cháu khẩu súng ngắn. Bác căn dặn: “Để cháu cùng bà con phát huy truyền thống chiến đấu sản xuất, giết giặc lập nhiều thành tích hơn nữa”. Tôi vô cùng sung sướng, hai tay đỡ khẩu súng từ bàn tay ấm áp của Bác. Tôi chỉ nói được câu “Vâng ạ!” Từ đó, cứ mỗi dịp lễ lớn sau đại hội, tôi lại vinh dự được gặp Bác. Có lần được ăn cơm cùng với Người. Bác ân cần gắp thức ăn cho tôi và bảo: “Cháu ăn cho khỏe để có thêm sức lực mà làm việc cho kháng chiến”.

Ngày lễ truy điệu Bác ra đi, tôi vinh dự được túc trực bên linh cữu của Người.

Năm 1957, tôi lập gia đình với anh Võ Anh Tài, sỹ quan quân đội người quê Hải Dương, ở Cục Tuyên huấn, tổng Cục Chính trị do Đại tướng Nguyễn Chí Thanh làm “mối”. Hôm tổ chức lễ cưới, đồng chí Trường Chinh có thư chúc mừng đôi lứa hạnh phúc.

Năm 1972, tôi không may bị bệnh. Cháu gái còn nhỏ. Giặc Mỹ bắn phá miền Bắc ác liệt. Gia đình gặp nhiều khó khăn. Anh ấy vừa hoạt động, vừa chăm sóc con chu đáo và hết lòng chạy chữa, thuốc thang cho tôi.

Hiện nay, gia đình nữ anh hùng quân đội Nguyễn Thị Chiên sống rất hạnh phúc ở độ tuổi “xưa nay hiếm”. Ông bà vẫn tham gia hoạt động xã hội, sống khỏe, sống vui, sống nghĩa tình và có ích ở xóm 8, xã Cổ Nhuế, Từ Liêm, Hà Nội.

Vũ Trọng Chế

(Nguồn Tạp chí Văn hóa, Thể thao và Du lịch Thái Bình)

 

 

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...