Bữa cơm gia đình kết nối yêu thương

Thứ 6, 26/06/2015 | 16:36:51
2,819 lượt xem

Hình ảnh bữa cơm gia đình với những món ăn quen thuộc hợp khẩu vị là một sinh hoạt rất bình thường trong cuộc sống hàng ngày của mỗi chúng ta. Ngày nay, với những gia đình hiện đại, bữa cơm sum họp dường như đang ngày càng thưa thớt hơn. Ý nghĩa bữa cơm gia đình tại Thái Bình vẫn được nhiều gia đình gìn giữ và phát huy nhằm kết nối thương yêu giữa mỗi thành viên trong gia đình.

Nguyễn Tuấn Anh được quây quần với người thân trong bữa ăn cơm gia đình đầm ấm

* Bữa cơm gia đình bồi đắp tình yêu thương trong các tâm hồn trẻ

Chiến sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Anh ở thôn Lam Sơn, xã Đông Thọ, Thành phố Thái Bình sau một năm tham gia quân ngũ được đơn vị cho nghỉ phép về thăm gia đình. Dù trước đây cũng đã có những lần xa nhà nhưng với Tuấn Anh ( hiện đang đóng quân tại tỉnh Phú Thọ) thì lần xa nhà này mới thấm thía hết nỗi nhớ nhung, khắc khoải với gia đình. Mọi cảm xúc của anh dồn nén về những câu chuyện hàn huyên bên các thành viên trong gia đình và sau đó mỗi người một việc, cùng nhau chuẩn bị bữa cơm đoàn viên.  “ Trong cuộc sống bộ đội xa nhà, hôm nay được về với gia đình, tôi cảm thấy thật là hạnh phúc, cảm thấy như có thêm niềm tin thực hiện nghĩa vụ của mình với đất nước”. Tuấn Anh chia sẻ.

Trong thời gian xa nhà, hình ảnh quê hương, gia đình mà Tuấn Anh luôn nhớ đó là cảnh:  Mẹ cùng chị ra vườn hái rau, cha cất con cá trong ao hay cảnh bà đun bếp làm bữa hàng ngày.

Hình ảnh người bà đun bếp rơm luôn trong tâm trí của chiến sĩ trẻ Nguyễn Tuấn Anh

Cuộc sống cũng đã đổi thay, điều kiện sống tốt lên, tiện nghi hơn, không còn những bữa cơm chiều hăng nồng mùi khói bếp. Bếp củi, bếp rạ được thay thế bằng những bếp ga, bếp từ... Công việc nấu nướng cũng đỡ vất vả đôi phần. Nhưng khi thưởng thức những bữa cơm gia đình ta vẫn tưởng tượng ra cái tần tảo hi sinh cùng những yêu thương trăn trở của người phụ nữ gửi gắm qua những món ăn quen thuộc.

Có thể nói rằng, bữa cơm gia đình là một không gian đặc biệt để các thành viên cùng gặp gỡ, quây quần, trao đổi thông tin, chia sẻ cảm xúc. Đây chính là “chất keo hạnh phúc” gắn kết các thành viên thêm bền chặt. Nhiều gia đình tại Thái Bình đang vun đắp tình yêu thương cho con trẻ bằng bữa cơm gia đình. Câu chuyện của gia đình cháu Hà Kiều An ( 13 tuổi, phường Kỳ Bá, Thành phố Thái Bình) là một câu chuyện như thế.

Gia đình Hà Kiều An sum vầy bên ông bà và anh em họ

Hàng tuần, chị em Hà Kiều An được bố mẹ đưa về thăm ông bà. Nếu bố mẹ bận mà quên, An lại nhắc. “Cứ thứ 7 và chủ nhật bố mẹ em lại cho em về quê ăn cơm với ông bà. Được ăn cơm với ông bà em thấy rất là vui. Nếu bố mẹ bận không được về ăn cơm với ông bà, em thấy rất nhớ”. An cho biết.

 * Bữa cơm gia  thắp lửa hạnh phúc

Sáng nào cũng vậy, bà  Nguyễn Thị Nghĩa ở tổ 8, phường Quang Trung, Thành phố Thái Bình dù đã ngoài cái tuổi 70 nhưng đều dậy sớm để đi chợ cho cả gia đình. Đây là thói quen bà tạo dựng nhiều năm nay dù 3 người con đều đã có gia đình riêng. Nhưng bà Nghĩa vẫn cố gắng thực hiện để các thành viên trong gia đình mình luôn có bữa ăn tươi ngon, đảm bảo sức khỏe. Đây không chỉ là nhu cầu mà nó còn mang lại niềm vui  trong cuộc sống.

Bà  Nguyễn Thị Nghĩa cho rằng chuẩn bị bữa  cơm cho gia đình là niềm hạnh phúc

Bà cho biết: “Bữa cơm gia đình, các con các cháu quây quần vui vẻ thì tôi thấy đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của gia đình. Dân tộc ta có truyền thống văn hóa như thế, tôi mong nó sẽ vẫn được gìn giữ và phát triển mãi mãi”. 

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng có điều kiện để duy trì bữa cơm gia đình hàng ngày. Tổ ấm gia đình thời kinh tế thị trường đang bị ảnh hưởng bởi áp lực công việc, nhịp sống hối hả, sự tiện lợi của những quán ăn đường phố… Nhưng nhiều gia đình vẫn cố gắng duy trì bữa ăn gia đình truyền thống, đông đủ vào mỗi dịp có thể. Những ngày sum họp gia đình như thế thật náo nhiệt. Với những người bà, người mẹ.. đây cũng là dịp họ hướng dẫn và truyền lại cho các cháu gái công việc bếp núc nội trợ gia đình. Còn những đứa trẻ, chúng vui vẻ chơi đùa với nhau. Bố mẹ, anh em ngồi quây quần trò chuyện. Một không khí chan hòa, đầm ấm, vang tiếng con trẻ làm cho những người ông, người bà càng thêm hạnh phúc. “ Gia đình là một tế bào của xã hội, gia đình tốt thì xã hội mới tốt. Ông bà, con cái, bố mẹ sống trong một gia đình là thể hiện sự đùm bọc, yêu thương, gắn bó, chăm sóc, cổ vũ động viên lẫn nhau để phấn đấu vươn lên…”.Ông Nguyễn Hữu Tiếp ( Số nhà 67, tổ 19, phường Bồ Xuyên, Thành phố Thái Bình) nhiều năm duy trì bữa cơm sum họp vào ngày cuối tuần cho biết: 

Bà Nguyễn Thị Nghĩa ( số nhà 02, ngõ 133, tổ 8, phường Quang Trung, thành phố Thái Bình cho biết: “ Gia đình tôi sống 3 thế hệ từ năm 1969, có những lúc sống 4 thế hệ. Tất cả mọi thành viên trong gia đình tôi là 14 thành viên. Nhìn chung, các cháu thương yêu nhau, tạo điều kiện cho nhau làm kinh tế và xây dựng hạnh phúc gia đình. Bản thân tôi thấy sống 3 thế hệ thế này rất hạnh phúc.”

Có thể nói rằng, những bữa cơm gia đình như thế mang đến rất nhiều sự ấm áp yêu thương và chia sẻ. Bởi lẽ đó mà cả năm 2014 và 2015, Bộ Văn hóa Thể thao & Du lịch đã quyết định chọn “Bữa cơm gia đình” là chủ đề cho Ngày gia đình Việt Nam 28-6.

 * Văn hóa Việt trong bữa cơm gia đình

Không giống với bữa cơm của người phương tây, bữa cơm gia đình của người Việt chỉ có duy nhất chiếc bát ăn cơm là riêng còn tất cả các món ăn đều được bỏ vào các đĩa, các bát, đặt chung trên mâm. Mâm cơm sắp ra cũng là lúc đông đủ các thành viên trong gia đình. Trước khi cầm đôi đũa lên tay, công việc đầu tiên là phải biết chào mời. Trong bữa ăn, mọi người vui vẻ trò chuyện với nhau, người lớn dạy cho con trẻ tình yêu thương, đạo hiếu, kính trọng biết ơn bậc sinh thành hay sự lễ phép, nhường nhịn và những kinh nghiệm ứng xử như cách “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, cách “Học ăn, học nói, học gói, học mở”…

Đây là cách giáo dục đặc biệt, thiết thực, rất đời thường về ý thức sống, về cách yêu thương, chia sẻ.  Đó cũng là văn hóa của người Việt, được bồi đắp, tích tụ qua năm tháng. Bắt đầu là trong gia đình gia đình, sau này sẽ là cộng đồng xã hội. Gia đình anh Trần Ngọc Sơn ( thôn Lạc Chính, xã Vũ Chính, thành phố Thái Bình) có nhiều thế hệ cùng sống trong một mái nhà thường xuyên quay quần bên mâm cơm với nhiều niềm vui. Anh Sơn chia sẻ: “Chính bữa cơm gia đình là nền tảng, là sự giáo dục  các con, các cháu  nhìn vào gương ông bà, cha mẹ để học cách đối nhân xử thế.”

Bữa cơm gia đình nhà anh Trần Ngọc Sơn

Bữa cơm gia đình là thời điểm mọi người trong gia đình mong đợi để được chia sẻ niềm vui, để nhận được lời khuyến khích ăn ủi hay duy trì và nhóm lên những ngọn lửa yêu thương. Bà Nguyễn Thị Ngát,  số nhà 13  tổ 20, phường Trần Lãm, Thành phố Thái Bình tâm sự: “ Hầu như  gia đình tôi ăn cơm đều muộn. Có những hôm chồng về là 10 giờ, có khi hơn 10 giờ mới được ăn. Mặc dù cơm canh đã nguội cả rồi nhưng mà nhiều lúc nghĩ đến chồng đạp xích lô nó vất vả nên mình cũng cứ cố gắng. Cuộc sống lao động cứ thấy chồng về cũng cảm thấy hạnh phúc rồi”.

Sau những giờ làm việc, ông Sơn luôn mong muốn về quây quần bên bữa cơm gia đình

Ông Nguyễn Ngọc Sơn chồng bà Ngát làm nghề đạp xích lô thuê. Với ông cuộc sống rất vất vả. Thời gian dành cho gia đình, nhất là những bữa cơm cùng gia đình thường eo hẹp.  Những hôm về đến nhà dù đã 9, 10h đêm nhưng vợ ông vẫn ngồi đợi bên mâm cơm đạm bạc cũng khiến ông thấy thật hạnh phúc. Ông nói: “ Tôi cũng mong là buổi tối có thời gian được về sớm bên vợ  con, cơm nước cùng vợ cùng con đầy đủ. Nhiều hôm tối không về kịp, tôi lại điện thoại hẹn vợ con ăn cơm trước. Cho nên là nhiều khi chỉ mong làm sao về được gặp vợ, gặp con, ăn bữa cơm gia đình là cảm thấy sung sướng, hạnh phúc lắm rồi.”

Gia đình chị Phạm Thị Hải ở thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ lại là một gia đình điển hình khác. Là vợ của một người chiến sỹ đang công tác tại đảo Trường Sa Đông thuộc huyện đảo Trường Sa, Thành phố Đà Nẵng nên gia đình chị thường xuyên thiếu vắng người đàn ông trụ cột trong gia đình. Vượt lên hoàn cảnh chị vẫn nuôi dạy cho các con tốt, cùng chăm lo việc nhà. Bữa cơm tối hàng ngày là lúc đông đủ 3 mẹ con, cũng là thời gian hạnh phúc của chị. Những khi chuẩn bị thức ăn chị không chỉ dạy cho cô con gái lớn của mình mà qua đó những câu chuyện về bố cũng được mẹ và các con kể cùng nhau. Dường như anh cùng Trường Sa vẫn luôn bên cạnh chị và hai con cả trong những bữa cơm hàng ngày.


Chị Hải tâm sự về bữa ăn gia đình

Chị Phạm Thị Hải ( Số nhà 19, tổ 6, khu 2, thị trấn Quỳnh Côi, huyện Quỳnh Phụ) cho biết: “ Cứ mỗi một bữa cơm thì anh hay điện về, có khi hỏi hôm nay, 3 mẹ con ăm món gì hoặc hôm nay con trai ăn hết bát cơm chưa, con gái ăn được mấy bát... Tôi cũng thấy đấy là một sự chia sẻ và động viên. Có những lần anh về phép anh cũng là người mẫu mực khi nấu cho vợ, cho con những món ngon. Tôi thấy  rất vui vì trong mỗi bữa cơm các cháu lại nhắc đến bố.”

Hạnh phúc gia đình được xây dựng đơn giản như vậy đó. Từ những bữa cơm gia đình ấp áp yêu thương của tình thân, sự chia sẻ, quan tâm của các thành viên trong gia đình. Cuộc sống hiện đại với nhiều những áp lực, những thói quen mới được hình thành cùng những nỗi lo về thực phẩm an toàn đang tác động lên những bữa cơm hàng ngày của mỗi gia đình người Việt.

Giữ gìn những bữa cơm gia đình cũng là cách duy trì và bảo tồn một nét văn hóa đẹp của người Việt mà ở đó truyền thống văn hóa, đạo đức, kể cả những tình cảm rất thiêng liêng như tình yêu Tổ quốc cũng sẽ được nối dài, được tiếp truyền mãi mãi qua các thế hệ.

Hồng Điệp

 

 

 

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...