Việt Nam 40 năm dưới góc nhìn quốc tế: Một câu chuyện thành công

Thứ 5, 23/04/2015 | 08:21:02
554 lượt xem

“Việt Nam ngày càng chứng minh được tiềm năng phát triển của mình và trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế”.

Chiến tranh đã lùi xa 40 năm, nhắc tới Việt Nam, người ta không chỉ nhắc tới một thời quá khứ hào hùng, mà còn nhắc tới sự phát triển vượt bậc của một đất nước nhanh chóng phục hồi sau chiến tranh. Bạn bè quốc tế khi đến Việt Nam đều có chung cảm nhận, đất nước với 4.000 năm lịch sử này đang thay đổi từng ngày, với hình ảnh của một quốc gia phát triển năng động, hội nhập và thân thiện.

 

 Alain Fontenas tại Mù Căng Chải

“Tôi yêu Việt Nam” là câu nói đầu tiên của ông Alain Fontenas khi bắt đầu câu chuyện với chúng tôi. Ông là một họa sĩ nghiệp dư người Pháp, với niềm say mê được vẽ về đất nước và con người Việt Nam. Chính niềm đam mê này đã đưa ông đến với Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1990, khi Việt Nam vẫn còn ở trong những năm đầu của thời kỳ Đổi mới. Từ những ấn tượng ban đầu về phong cảnh, con người và ẩm thực, đối với ông giờ đây Việt Nam đã trở nên rất thân thuộc, như quê hương thứ hai của mình. Alain Fontenas đã đến Việt Nam 8 lần và không lần nào dưới 2 tháng. Với ông, mỗi lần được trở lại Việt Nam, trong lòng đều trào dâng những cảm xúc đan xen khó tả, nhất là sự lưu luyến trong mỗi lần chia tay. Và khi trở về Pháp, ông luôn mang theo tình cảm của những người bạn Việt Nam thân thiện, mến khách, cũng như hình ảnh đất nước Việt Nam tươi đẹp, đang trên đà phát triển mạnh mẽ, để giới thiệu với bạn bè Pháp.

 

Alain Fontenas và hành trình khám phá Việt Nam

Phòng tranh của Alain Fontenas tại thành phố La Rochelle đã trở thành điểm đến của rất nhiều người Pháp yêu đất nước và con người Việt Nam. Theo như cách nói của ông thì “đã trót yêu Việt Nam mất rồi”, nên mỗi lần đến Việt Nam, ông đều cảm nhận được sự thay đổi của Việt Nam và đây cũng là nguồn cảm hứng vô tận, khiến ông thấy Việt Nam luôn mới mẻ và đầy cuốn hút.    

 

Alain Fontenas và bức vẽ về người nông dân Việt Nam

“Sự thay đổi của Việt Nam là điều không ai có thể phủ nhận, điều này thể hiện rõ qua cuộc sống thường nhật của người dân, điều kiện sống, cơ sở hạ tầng… Một ví dụ rõ nét nhất là khi tôi đến Việt Nam lần đầu tiên vào những năm 1990, đất nước của các bạn vẫn còn nhiều khó khăn, hạ tầng cơ sở giao thông không được tốt và các phương tiện giao thông cũng còn thô sơ, song nay đã khác, đường xá cũng tốt hơn rất nhiều và đặc biệt là rất nhiều gia đình đã sắm được ô tô, điều này cho thấy rõ sự cải thiện trong điều kiện sống của người dân. Tôi có thể khẳng định, Việt Nam đang đi đúng hướng”, ông Alain Fontenas chia sẻ.

Không chỉ với những người nước ngoài đến Việt Nam nhiều lần như ông Alain Fontenas, nhiều người đến Việt Nam dù mới lần đầu cũng có chung cảm xúc tương tự. Bà Rahayu Saraswati, một nghị sĩ người Indonesia đến Việt Nam trong những ngày cuối tháng 3 vừa qua để tham dự Kỳ họp Đại Hội đồng Liên minh Nghị viện thế giới 132 (IPU 132), không khỏi ngạc nhiên về tốc độ phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Theo bà Saraswati, Việt Nam đang ngày càng chứng minh được tiềm năng phát triển của mình và trở thành một điểm đến hấp dẫn đối với các nhà đầu tư quốc tế. 

“Tôi cho rằng, Việt Nam đã làm được những điều rất tuyệt vời. Đến Việt Nam lần này tôi đã tận mắt chứng kiến sự phát triển vượt bậc của các bạn, đặc biệt là lĩnh vực kinh tế đã thu hút được rất nhiều đầu tư. Với môi trường đầu tư thông thoáng, chính sách mở cửa, Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội. Với Indonesia, chúng tôi cũng đang tìm kiếm thêm các cơ hội đầu tư ở Việt Nam”, bà Saraswati nói.

 40 năm sau chiến tranh và gần 30 năm thực hiện công cuộc Đổi mới, Việt Nam đang ngày càng khẳng định được vị trí của mình trên trường quốc tế. Sự lựa chọn gắn bó lâu dài của các doanh nghiệp và nhà đầu tư nước ngoài tại Việt Nam đã chứng minh con đường phát triển đúng đắn, cũng như sức hấp dẫn của nền kinh tế Việt Nam. Là một doanh nghiệp hoạt động tại Việt Nam từ những năm 1990, Tập đoàn Schneider Electric đã có hơn 20 năm gắn bó với Việt Nam và đã có nhiều đóng góp cho sự phát triển của đất nước, đặc biệt trong đó là dự án trọng điểm quốc gia đường dây 500kV Bắc - Nam năm 1991.

Ông Xavier Denoly, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Schneider Electric Việt Nam đánh giá cao những cơ hội mà thị trường Việt Nam mang lại. “Việt Nam là một nền kinh tế đang nổi lên, với dân số đông và trẻ, vốn là yếu tố rất quan trọng cho sự phát triển và cải thiện cơ sở hạ tầng. Schneider Electric có những cơ hội rất rõ ràng tại Việt Nam khi chúng tôi triển khai những chiến lược dài hạn cũng như hỗ trợ thúc đẩy phát triển tại Việt Nam. Chúng tôi hoạt động trong khuôn khổ chính sách mà Việt Nam thực thi để thúc đẩy đầu tư trong cả lĩnh vực công và tư. Với Schneider Electric, chúng tôi tập trung đặc biệt vào những đầu tư có thể mang lại lợi nhuận cho Việt Nam, trong đó có rất nhiều khoản đầu tư trực tiếp từ nước ngoài”, ông Xavier Denoly nói.

Với môi trường đầu tư-kinh doanh đang ngày càng được cải thiện và tốc độ tăng trưởng kinh tế ổn định, Việt Nam đang trở thành một điểm đến hấp dẫn của nhiều tập đoàn lớn trên thế giới. Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế nước ngoài, Việt Nam có thể coi là một mô hình thành công về quá trình phát triển. Mặc dù cũng chịu tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu, nhưng tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam trong năm 2014  nằm trong số những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới, chỉ sau Trung Quốc.

 

Chuyên gia kinh tế trưởng WB trả lời phóng viên VOV

Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới Sandeep Mahajan nhận định, kinh tế phát triển kéo theo sự thay đổi mọi mặt trong đời sống của người dân Việt Nam. “Nhiều người dân Việt Nam đang được hưởng lợi từ sự phát triển kinh tế này. Việt Nam được đánh giá cao về những nỗ lực xóa đói giảm nghèo. Khi mới bắt đầu cải cách, gần 60% dân số Việt Nam nghèo. Tuy nhiên, ngày nay tỉ lệ người nghèo đã giảm xuống dưới 10%. Về vấn đề giáo dục, tỷ lệ người dân từ 15-24 tuổi biết đọc biết viết là 97%. Trong lĩnh vực y tế, tuổi thọ trung bình của người Việt Nam tăng từ 65 lên 75 tuổi. Trong lĩnh vực cơ sở hạ tầng hầu hết người dân cũng được tiếp cận điện so với số lượng rất hạn chế cách đây 25-30 năm”, ông Sandeep Mahajan nêu dẫn chứng.

Sự hồi phục nền kinh tế của Việt Nam trong thời gian qua cũng là cơ sở quan trọng để Việt Nam tự tin vào những mục tiêu tăng trưởng trong thời gian tới. Đặc biệt năm nay là thời điểm quan trọng khi Việt Nam đang chuẩn bị hoàn thành các cuộc đàm phán lớn như Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga-Belarus-Kazakhstan, Hiệp định Đối tác Kinh tế Chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) và tham gia Cộng đồng Kinh tế ASEAN... Theo Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, việc thực thi các hiệp định thương mại này trong thời gian tới sẽ góp phần không nhỏ vào tốc độ tăng trưởng Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Việt Nam.

Ông Ted Osius nhận định: “Việt Nam là một trong 12 nước đang tích cực tham gia đàm phán TPP. Chúng tôi xin nhấn mạnh rằng, hiệp định này sẽ mở ra những cơ hội kinh tế lớn không chỉ cho Mỹ mà còn tất cả các nước tham gia đàm phán, trong đó có Việt Nam. Mỹ và Việt Nam đều coi TPP là một thỏa thuận có tính chiến lược, mang lại những lợi ích kinh tế đặc biệt. Chính vì vậy, tất cả các nước, trong đó có các nhà lãnh đạo Mỹ và Việt Nam đều có ý nguyện chính trị sớm hoàn thành đàm phán này trong năm nay”.

Cùng với những thành tựu về kinh tế, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế cũng ngày càng được đánh giá cao. Trong suốt 40 năm qua, quan hệ đối ngoại của Việt Nam đã không ngừng được mở rộng, từng bước khẳng định hình ảnh của một quốc gia thành công trong quá trình đổi mới và phát triển./.

Hà Hoài Lê/VOV-Trung tâm Tin
  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...