Rằm tháng Hai về Thái Bình ăn cỗ cá dự lễ Giao chạ

Thứ 4, 01/04/2015 | 08:24:04
625 lượt xem

Tam Đường và Vân Đài vốn là hai làng Việt cổ, nằm ở thế đất cao, sớm có người tụ cư lập nghiệp…

Nằm dọc bờ Bắc con sông Trà Lý hiền hòa, mảnh đất Hưng Hà, Thái Bình cổ kính còn lưu giữ nhiều nghi lễ, tục lệ truyền thống đặc sắc. Trong đó có tục giao chạ (kết nghĩa chị em) giữa làng Tam Đường và Vân Đài, tưởng nhớ công đức của 2 công chúa nhà Trần, mang đậm nét văn hóa cuộc sống người dân vùng sông nước, gợi nhớ về thuở hàn vi của những người dựng nghiệp triều Trần.

Tục giao chạ (kết nghĩa làng chị làng em) giữa 2 làng Tam Đường với Vân Đài tổ chức mỗi năm hai lần vào dịp Rằm tháng Hai và Rằm tháng Chín âm lịch, được lớp lớp thế hệ con cháu gìn giữ đến ngày nay.

Tam Đường và Vân Đài vốn là hai làng Việt cổ, nằm ở thế đất cao, sớm có người tụ cư lập nghiệp. Cách đây hơn 700 năm, sau khi được giải cứu khỏi đất Chiêm Thành, công chúa Huyền Trân về đất Tam Đường (xã Tiến Đức, Hưng Hà, Thái Bình bây giờ) sinh sống. Đi theo bà lúc bấy giờ có một tỳ nữ thân cận là Ngọc Dung nết na, thông minh, chăm chỉ. Ngọc Dung được công chúa Huyền Trân yêu quý như em ruột. Trở về với đời thường, hai bà giúp dân khai hoang, mở mang ruộng đồng, huy động nông phu đắp đê ngăn lũ, chống nước biển xâm thực…

 


(Ảnh minh họa: TT&VH)

Trải qua tháng năm, vùng đất này trở thành nơi trù phú, dân cư đông đúc của huyện Hưng Hà ngày nay. Để tưởng nhớ công ơn hai chị em Công chúa Huyền Trân, nhân dân địa phương lấy ngày mất của Công chúa Ngọc Dung để mở hội và dâng lễ đón dân Tam Đường, nơi thờ Công chúa Huyền Trân về dự, xin kết nghĩa làm chạ chị - chạ em.

Ông Phạm Văn Cường, thành viên Ban quản lý đền Trần Thái Bình nói: “Cứ đến rằm tháng 2 âm lịch hàng năm, chạ dưới lên trên này để giỗ chị. Kể cả những năm kháng chiến chống Pháp bà con cũng vượt đồn bốt lên trên này để cúng chị, tất nhiên là không thể đông như trên này. Thế và, ở dưới đó lên trên này dù là cụ già 70, 80 tuổi thì cũng gọi trẻ chăn trâu ở đây là đàn anh, không bao giờ nói một câu xấc. Đến rằm tháng 9 hàng năm thì ở trên này lại xuống dưới đó, họ ra tận nơi đón rước vào tận nhà, chị em thân mật lắm.”

Hương ước của làng Tam Đường năm Cảnh Hưng thứ 34 (1773) viết: “Ngày 15 tháng 2, có cuộc giao hảo với xã Vân Đài, quan viên Vân Đài tới thăm và vào đền bái yết, có biện lễ trà, oản để tiếp đãi. Ngày 16 cũng như vậy. Đến ngày 15 tháng 9 thì các quan viên làng Tam Đường đến chùa xã Vân Đài bái yết. Xã ấy cũng chuẩn bị lễ vật khoản đãi lại như tiết tháng hai.

Còn trong hương ước làng Vân Đài cũng ghi: “Tiết tháng 9 vào hội hai ngày là lệ giao hảo, có huynh dịch làng Tam Đường là 64 người đủ đồ lễ phục đến tế ở đền Thánh mẫu tại bản xã, dân xã phải làm cơm, canh, trà, quả, oản và cỗ bàn để yết tế trong 2 ngày, rồi khoản đãi huynh dịch 2 làng”.

Để tưởng nhớ những bậc tiền nhân có công dựng nghiệp nhà Trần, lệ giao hảo giữa làng Tam Đường và Vân Đài có hai hạng cỗ. Cỗ kép 20 cỗ, mỗi cỗ là một con cá trắm và 4 con cá chép, kèm giò 8 đĩa cùng nem, chả. Hạng cỗ đơn 22 cỗ, mỗi cỗ là 5 con cá chép, giò 8 đĩa cùng nem, chả. Sau khi làm xong cỗ cá để thi, dân làng Tam Đường chờ đến đúng giờ Ngọ, lập đoàn dẫn kiệu ra phía đầu làng đón chạ em Vân Đài vào Đền, hai chạ cùng tiến hành dâng lễ và tổ chức tế, sau đó cùng nhau thụ lộc, hàn huyên nghe hát Chèo đến tối.

Ngày hôm sau, chạ em Vân Đài chia thành từng nhóm đến thăm các gia đình ở làng Tam Đường có tang trong năm, đến thăm và tặng quà các bậc lão niên trong từng dòng họ. Xuyên suốt 2 ngày giao chạ, người làng Vân Đài bất kể tuổi tác, khi gặp người làng Tam Đường đều gọi anh/chị xưng em một cách tự nhiên, trân trọng.

Ông Phạm Văn Cường, thành viên Ban quản lý Đền Trần Thái Bình chia sẻ: “Có một điều rất lạ là ở hai làng Vân Đài và Tam Đường, đó là hơn 700 năm nay không có người lấy nhau. Nó có một sự giao kèo, trên này là chị, dưới là em cho nên là không có người lấy nhau. Đến bây giờ cũng không có người lấy nhau. Điều này cũng được đưa vào hồ sơ để công nhận di sản văn hóa phi vật thể.”

Với những giá trị độc đáo, tục giao chạ giữa 2 làng Tam Đường và Vân Đài, là một trong ba yếu tố chính đưa Lễ hội đền Trần, huyện Hưng Hà, Thái Bình trở thành Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia. Trải qua hơn 700 năm với những biến thiên lịch sử, tục giao chạ giữa làng Tam Đường và Vân Đài vẫn được người dân nơi đây bảo tồn như một minh chứng cho truyền thống gắn kết cộng đồng, tôn trọng đạo lý luân thường của người Việt Nam./.

Ngọc Ngà/VOV - Trung tâm Tin


  • Từ khóa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương

Nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...