Bài học về chủ quyền lãnh thổ từ cách dạy sử của người xưa

Thứ 7, 07/06/2014 | 07:50:50
1,382 lượt xem

Thông qua các cuốn sách dạy lịch sử bằng chữ Hán và chữ Nôm có thể thấy những bài học về chủ quyền dân tộc luôn được đặt lên hàng đầu.

 Trong những cuốn sách dạy lịch sử như "Bùi gia huấn hài" (Sách dạy trẻ em của họ Bùi) ra đời cuối thế kỉ 18, "Sơ học vấn tân” (Sách dạy những điều cơ bản nhất bằng những câu hỏi đáp hay), “Tiểu học Quốc sử lược biên” (Sách dạy Quốc sử sơ lược) ra đời cuối thế kỉ 19… đều có một nội dung quan trọng đề cập đến vấn đề biên giới lãnh thổ nước ta.

Đặc biệt, cuốn “Tiểu học quốc sử lược biên” đã trình bày về quốc sử, quốc hiệu, quốc dân, quốc giới, sự thay đổi cương giới, địa danh hành chính từ các đời Hùng Vương đến đời Nguyễn. Hay như cuốn "Cải lương mông học Quốc sử giáo khoa thư" - Sách giáo khoa về lịch sử cho lớp vỡ lòng được dùng trong trường Đông Kinh Nghĩa Thục cũng nhắc đến vấn đề cương vực nước ta từ thời hồng hoang, 15 bộ thời đại Hùng Vương và những lời bàn liên quan đến việc triều đình phong kiến đòi lại những phần đất biên giới đã bị nhà Thanh xâm chiếm.

"Sơ học vấn tân" (Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam)

Nhà nghiên cứu Hán Nôm Trần Quang Đức cho biết: “Không chỉ những sách dạy lịch sử Việt Nam cho trẻ em mà những sách như "Bang giao chí" của Phan Huy Chú hay quan niệm của vua, quan Việt Nam trong suốt thời đại Lý, Trần, Lê, Nguyễn đối với vấn đề biên giới lãnh thổ thì có thể khẳng định, trong tâm thức của người Việt nói chung rất coi trọng vấn đề đất đai bờ cõi. Ngay bản thân vua Lê Thánh Tông cũng từng nói: một thước đất, một tấc đất của ta cũng không thể bỏ mất. Hay cũng có thể thấy thời Lý đã chủ động nhiều lần đánh Tống để đòi lại đất khi biện pháp ngoại giao không thực hiện được. Đó là tư tưởng nhất quán của vua quan triều đình phong kiến”.

Không chỉ vấn đề biên giới, khi nhà Nguyễn lên nắm quyền, tư tưởng và tâm thế về biển đảo ngày càng rõ ràng hơn. Trong các sách dạy lịch sử cho học sinh bằng chữ Hán và chữ Nôm đã có những nội dung ghi chép về chủ quyền lãnh hải Việt Nam, đặc biệt đối với Trường Sa, Hoàng Sa, như sách: “Khải đồng thuyết ước” - tóm tắt những điều dễ hiểu nhất cho trẻ con, khắc in năm Tự Đức Tân Tỵ (1881).

Đây là cuốn sách giáo khoa, viết theo thể 4 chữ, dạy các em kiến thức về xã hội (nhân sự, niên hiệu nước Việt Nam qua các đời), về thiên văn, địa lý. Điểm đặc biệt trong cuốn “Khải đồng thuyết ước” ngoài việc trình bày sơ lược về cương giới nước ta, còn có thêm mục bản đồ ở quyển thượng. Trong tấm bản đồ này, tác giả ngoài việc vẽ lại các vùng đất trong lục địa, còn có ghi chú rõ ràng cả cương giới ở vùng biển nước ta bao gồm Hồng Đàm (tên gọi của một số đảo thuộc Vịnh Bắc Bộ) và Hoàng Sa chử (nghĩa là bãi Hoàng Sa hay còn gọi là Quần đảo Hoàng Sa).

PGS.TS Nguyễn Tá Nhí, Viện nghiên cứu Hán Nôm lý giải thêm: “Khải đồng thuyết ước là tóm tắt những điều ngắn gọn nhất để gợi mở cho trẻ con. Không chỉ người lớn, ngay cả các cháu nhỏ cũng phải có ý thức về chủ quyền lãnh thổ. Sách này do một học giả đất Kim Giang (Hà Nội) biên soạn từ năm 1881. Cũng thời điểm này, ở những sách đồng ấu dạy ở Trung Quốc, người ta chỉ có bản đồ giới hạn địa giới Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam”.

"Khải đồng thuyết ước" (Nguồn: Thư viện Quốc gia Việt Nam)

Lịch sử hình thành và phát triển của sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm qua các tư liệu hiện còn có thể được tính từ những năm cuối thế kỉ 18 (với sự ra đời của cuốn sách “Bùi gia huấn hài” - Sách dạy trẻ em của họ Bùi) đến hết nửa đầu thế kỉ 20 (với sự có mặt của cuốn “Khóa nhi tiểu giản tứ tự quốc âm thế” - sách dạy quốc âm tiếng Việt cho trẻ em bằng thể văn vần 4 chữ). Chương trình học có sự phân cấp rõ ràng với 3 bậc ấu học, tiểu học, trung học, phần lớn dùng thể văn xuôi, văn vần, dễ học, dễ nhớ. Qua đó, người học có được những kiến thức vắn tắt và đầy đủ về chủ quyền lãnh thổ nước ta.

Ngoài ra, việc đặt cương vực lên vị trí đầu mỗi cuốn sách cho thấy tác giả các cuốn sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm đã coi đây là nội dung thiết yếu mà học sinh cần phải nắm được trước khi học lịch sử Việt Nam qua từng giai đoạn.

Trong công trình “Nghiên cứu sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và chữ Nôm" của Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường-Viện nghiên cứu Hán Nôm đã chỉ rõ: “Do tính quan trọng của nó đối với quốc gia cũng như sự liên quan chặt chẽ với quốc sử, cương vực luôn là vấn đề được đặt ra hàng đầu trong các sách dạy lịch sử Việt Nam viết bằng chữ Hán và Nôm”.

Tiến sĩ Trần Trọng Dương, người tổ chức bản thảo và cho ra đời cuốn sách này cho biết: “Từ nghiên cứu phương pháp biên soạn sách của người xưa, tác giả đã nêu được vấn đề về bắt buộc phải có cơ cấu dạy về lịch sử cương vực. Thế nào là Hoàng Sa, Hoàng Sa bắt đầu được ghi vào thời nào, vị trí ở đâu, cực điểm biên giới phía Bắc là gì? Rồi phía Nam, quá trình hình thành lãnh thổ quốc gia như thế nào qua các thời kì thì đó là cách tư duy để giúp cho học sinh biết được quá trình phát triển của dân tộc Việt Nam trong lịch sử”.

Không chỉ góp phần cung cấp kiến thức lịch sử Việt Nam, những cuốn sách dạy lịch sử viết bằng chữ Hán và chữ Nôm còn có giá trị tư liệu, phản ánh chân thực những cứ liệu lịch sử về chủ quyền lãnh thổ quốc gia qua từng thời kì. Đây là những bằng chứng phủ định quan điểm của Trung Quốc, cho rằng tư liệu về chủ quyền biển, đảo của họ có từ hơn 2000 năm, đồng thời là tư liệu để đối chiếu với các sách dạy lịch sử của Trung Quốc cùng thời kì.

PGS.TS Trịnh Khắc Mạnh, nguyên Viện trưởng Viện nghiên cứu Hán Nôm khẳng định: “Những tư liệu bản đồ của Trung Quốc in thời cận đại, đầu thế kỉ 20 cho thấy, biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam. Tôi cũng có một tư liệu là sách giáo khoa dạy bậc tiểu học Trung Quốc in năm 1912 (Trung Hoa dân quốc) với mục địa đồ, dạy cho trẻ nhỏ cho thấy biên giới của Trung Quốc chỉ đến đảo Hải Nam”.

Cho đến nay, những tư liệu Hán Nôm cũng là một minh chứng để khẳng định chủ quyền, lãnh thổ của Việt Nam. Cùng với các tập bản đồ, các văn bản hành chính (trong đó có Châu bản triều Nguyễn), các tập Atlas địa lý cổ, tác phẩm văn, thơ… đã được công bố thì những cuốn sách dạy lịch sử bằng chữ Hán và chữ Nôm góp phần làm sáng tỏ sự nhất quán trong tư tưởng, quan điểm của chúng ta về chủ quyền dân tộc.

Những cuốn sách dạy lịch sử bằng chữ Hán và chữ Nôm không chỉ dừng lại ở chuyện học sử và dạy sử của người xưa mà còn là bài học về cương vực, lãnh thổ, là sự kết hợp hài hòa giữa văn hóa và chính trị. Đó là sự phản ánh rõ ràng nhất ý thức chủ quyền thiêng liêng của dân tộc ta./.

Theo: vov.vn

  • Từ khóa
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông
Đoàn Đại biểu Quốc khảo sát việc bảo đảm trật tự an toàn giao thông

Chiều 11/4, đoàn khảo sát do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình làm trưởng đoàn làm việc với Sở Giao thông vận tải về việc thực hiện chính sách...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...