Trẻ em bị đầu độc vì người lớn hút thuốc

Thứ 5, 25/05/2023 | 00:00:00
631 lượt xem

Hút thuốc lá không chỉ gây hại cho chính người hút mà còn cho cả những người xung quanh, nhất là trẻ nhỏ. Lượng khói người hút thuốc thải ra không khí cao gấp 5 lần lượng khói hít vào. Khói thuốc gây ảnh hưởng trong phạm vi 7-10 m. Một giờ ở trong phòng có người hút thuốc, trẻ em hấp thụ số hóa chất độc hại tương đương với một người hút 10 điếu thuốc mỗi ngày.

Khói thuốc lá chứa hàng nghìn chất độc hại

Khói thuốc lá chứa hàng nghìn chất hóa học, trong đó khoảng 70 chất được xếp vào loại gây ung thư, nhưng bất chấp những khuyến cáo thường xuyên, không ít người vẫn hút thuốc lá bên cạnh người khác, nhất là trẻ nhỏ. Theo các bác sĩ tại khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thái Bình, hơn 50% số bệnh nhân điều trị tại đây có người nhà hút thuốc. 



Người nhà bệnh nhân: “Cháu vào viện bị bệnh phổi. Trước đây tôi có hút thuốc. Do thói quen, nghề nghiệp lái xe nhiều khi căng thẳng nên hút.” 





Người nhà bệnh nhân: Trước đây ra chỗ công cộng, nhiều bố hoặc ông có thói quen hút thuốc lá. Tôi cũng rất lo ngại khi khói thuốc ảnh hưởng đến sức khỏe của con mình và cả những người xung quanh nữa.”


Khói thuốc thụ động thấm vào đường dẫn khí và phế nang của phổi có thể gây bệnh hô hấp cấp tính ở trẻ và làm bệnh này nặng hơn. Những trẻ dưới 1 tuổi là con của người hút thuốc có tỷ lệ viêm phế quản hoặc viêm phổi cao gấp đôi trẻ khác. Hút thuốc lá thụ động còn làm tăng 30% trường hợp hen ở trẻ. Đối với trẻ sơ sinh có mẹ hút thuốc hoặc tiếp xúc thụ động với khói thuốc khi sinh ra có nguy cơ mắc bệnh ung thư ngay từ khi còn nhỏ, như bệnh bạch cầu, ung thư hạch và ung thư não. Tỷ lệ đột tử ở trẻ em bị phơi nhiễm với khói thuốc lá trong quá trình bào thai hoặc trong giai đoạn sơ sinh cao hơn trẻ khác tới 8 lần.


Bác sĩ Trần Quý, Trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Thái Bình: “Chất trong khói thuốc kích ứng đường thở làm cho trẻ khó thở, ho rũ rượi hoặc một số trẻ phải nhập viện điều trị trong tình trạng cấp cứu. Đặc biệt là trẻ sơ sinh hút thuốc thụ động có thể viêm đường thở gồm mũi họng, khí phế quản, gây viêm đường hô hấp hoặc biến chứng viêm phổi, suy hô hấp.”




Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Anh, khoa Cấp cứu, Bệnh viện Nhi Thái Bình: “Đối với trẻ hút thuốc lá thụ động thời gian kéo dài có thể viêm phế quản mãn tính hoặc bệnh lý tim mạch, cũng là tác động dễ bị ung thư phổi.” 


Trẻ em hút thuốc lá thụ động cũng ảnh hưởng nhiều đến sức khỏe

Trẻ em hút thuốc lá thụ động còn có thể dẫn đến viêm tai giữa, mất khả năng nghe, viêm màng não và giảm sự phát triển về cả trí tuệ lẫn thể lực. Tỷ lệ mắc ung thư ở trẻ hút thuốc lá thụ động cao hơn gấp 8 lần so với người lớn hút thuốc thụ động. Các chuyên gia cũng cho rằng, khói thuốc lá có thể tồn tại trong không khí tới 5 giờ đồng hồ, kể cả khi không còn nhìn thấy hoặc ngửi thấy. Thống kê mới đây chỉ ra, tỷ lệ phơi nhiễm với khói thuốc lá ở nhà của trẻ em lên tới gần 50%. Trẻ em phơi nhiễm khói thuốc thụ động không chỉ ảnh hưởng đến sức khỏe lâu dài mà thậm chí có thể nguy hiểm đến tính mạng.  

Hà My

  • Từ khóa
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...