Cơ hội việc làm cho người khuyết tật

Thứ 4, 17/04/2019 | 17:19:29
3,615 lượt xem

Những năm qua, Đảng và Nhà nước ta đã không ngừng quan tâm tới công tác dạy nghề và tạo việc làm cho người khuyết tật. Song số lượng người được học nghề còn quá ít. Theo một số đánh giá, chỉ có khoảng trên 12% tổng số người khuyết tật được học nghề. Trên thực tế, nhu cầu việc làm của người khuyết tật là rất lớn và hiện nay mới chỉ đáp ứng được một phần nhỏ.

Với người khuyết tật, tự học được nghề, có việc làm, tự nuôi sống bản thân đã là một sự nỗ lực đáng trân trọng. Với những người khuyết tật như anh Phạm Văn Đáp, xã Vũ Lễ, huyện Kiến Xương, không chỉ mở được công ty cho riêng mình mà anh còn dạy nghề may cho hàng trăm người khuyết tật, tạo việc làm cho 30 người khuyết tật và hàng trăm lao động địa phương. Đó là những nghị lực đáng khâm phục. 

Khởi nghiệp chỉ có 10 máy may và 10 lao động, đến nay, công ty TNHH sản xuất và dịch vụ may mặc người khuyết tật do anh Đáp làm giám đốc đã mở rộng được 2 cơ sở may với 15 ngàn sản phẩm/1 tháng. Thu nhập bình quân người lao động theo vị trí việc làm và theo sản phẩm từ 2 triệu  đến 6 triệu đồng/ người/ 1 tháng.

Chị Trần Minh Phương, một công nhân của công ty nhận xét: Tuy dạy nghề cho các bạn khuyết tật rất khó khăn, nhưng bác ấy rất nhiệt tình, kiên trì dạy cho các bạn trở thành người có íc. Khi mới vào các bạn rất tự ti, giờ quen với công việc thì các bạn tụ tin  hơn và làm cũng tốt hơn.

Người khuyết tật ở đây hầu hết là những người khó khăn về vận động, nghe nhìn, kém phát triển về trí tuệ. Đa số họ rất tự ti, mặc cảm, nhưng sau khi được học nghề, được làm việc tại đây, nhiều người đã rất hăng say lao động, đủ khả năng nuôi sống bản thân và giúp đỡ gia đình. 

Anh Nguyễn Đức An, xã Vũ An, huyện Kiến Xương nói: Thời gian qua cháu rất vui, quen làm ở đây, bác ấy dạy cháu rất tốt , cháu rất cảm ơn bác đã tạo việc làm  cho cháu.










Chia sẻ về những kinh nghiệm đào tạo nghề cho người khuyết tật, anh Phạm Văn Đáp cho biết:  Khó khăn nhất là  các cháu trí tuệ kém phát triển, bảo trước, quên sau. Với các cháu câm điếc, bằng cách là ra dấu, ra hiệu. Tôi không được học ra dấu, ra hiệu, nhưng tiếp xúc quen dần, thì dậy bảo dần dần. Chủ yếu dạy các cháu, bằng tấm lòng yêu thương. Bản thân mình cũng yếu đuối, vất vả rồi, dạy cho các cháu cái nghề để nó đỡ đi gánh nặng cho gia đình và xã hội. Có những người khuyết tật bẩm sinh, nhưng cũng có không ít người đang khỏe mạnh, vì một lý do nào đó trở thành người khuyết tật. Anh Trần Văn Thự, xã Đông Động, huyện Đông Hưng là một người như thế. Đang có việc làm, thu nhập ổn định tại một xưởng cơ khí, thì chẳng may, một tai nạn lao động ập đến, khiến anh bị liệt hoàn toàn hai chân. Trở thành người khuyết tật, phải ngồi trên xe lăn, quanh quẩn ở nhà, cuộc sống như không lối thoát, khiến nhiều lúc Thự tuyệt vọng. 

Thế nhưng hy vọng về một tương lai tốt đẹp đã mở ra cho Thự khi anh gặp được Đào Khắc Cử, người có ý tưởng mở công ty: Giải pháp kinh doanh online. Được Cử dạy tin học, rồi tự mầy mò, học trên mạng xã hội, giờ đây, Trần Văn Thự đã trở thành một nhân viên đồ họa của công ty VAWAY ( chuyên về hỗ trợ người kinh doanh online). Và chính ngôi nhà của Thự đã trở thành trụ sở của công ty, trở thành mái ấm của hàng chục bạn khuyết tật khác.

Anh Thự cho biết: Với ngành công nghệ thông tin, tôi nghĩ rất phù hợp với người khuyết tật. Mọi người cần cố gắng học tập thật tốt thì bất cứ công việc gì mình cũng làm được. Như tôi, chủ yếu là tự học trên youtobe và mầy mò ròi nó sẽ ra. Sống phải lạc quan, thoải mái tinh thần và cố gắng hòa nhập cộng đồng. Khi cộng đồng giúp đỡ mình thì mình nên nắm bắt cơ hội mọi người tạo cho mình để mình trở thành người có ích cho xã hội.

Thấu hiểu những khó khăn và nhu cầu việc làm của người khuyết tật, Đào Khắc Cử, giám đốc Công Ty VAWAY đã tự xây dựng dự án VAHEART (Dự án kết nối trái tim), phối hợp với Hội người khuyết tật Thái Bình tổ chức các khóa đào tạo miễn phí việc làm online dành cho người khuyết tật.

 Anh Vũ Văn Vinh, xã Đông Dương, huyện Đông Hưng, sinh viên học viện Nông nghiệp, sau một thời gian, không tìm kiếm được việc làm, đã trở thành học viên xuất sắc của khóa đào tạo. Hiện anh đang phụ trách thiết kế Website của công ty với sự lạc quan về một tương lai tươi sáng.

Anh Vinh cho biết: Ra trường từ tháng 9 năm 2017 với tấm bằng khá trong tay, tôi đã đi khắp nơi để xin việc, nhưng ở đâu người ta cũng bảo là ghi nhận bạn có trình độ, nhưng chúng tôi không nhận bạn được vì bạn là người khuyết tật. May mắn thay cho tôi, khi tôi gặp được được chị Phạm Tú Anh,  chủ nhiệm CLB Người khuyết tật huyện Đông Hưng. Chị đã  giới thiệu cho tôi đến học tại công ty VAWAY. Từ công ty này, tôi đã có môi trường học nghề, và trở thành nhân viên công ty. Từ bản thân mình, tôi nghĩ các bạn khuyết tật đừng nghĩ mình là người khuyết tật, mà không làm được gì cho xã hội, các bạn hãy vươn lên, tìm công việc thích hợp cho mình thì mình sẽ làm được. 

Chính xuất phát từ cái tâm với người khuyết tật, nên từ thành công của khóa đào tạo việc làm online dành cho người khuyết tật đầu tiên với 7 em được cấp chứng chỉ, 4 em được nhận vào làm việc tại công ty, Đào Khắc Cử lại tiếp tục phối hợp với Hội Người khuyết tật Thái Bình tổ chức khai giảng khóa đào tạo thứ hai với sự tham gia của hơn chục bạn khuyết tật đến từ các địa phương trong tỉnh. Chi phí giảng viên và ăn ở của khóa đào tạo việc làm online cho người khuyết tật trong 3 tháng cho một học viên dự toán hết 9 triệu đồng. Tuy nhiên, học viên được công ty miễn phí hoàn toàn.

Anh Cử cho biết thêm: Xuất phát từ thơ bé, mình cũng gặp khó khăn, ra ngoài đời, mình gặp nhiều hoàn cảnh khó khăn. Khi mình có điều kiện một chút, mình nghĩ tới làm sao giúp đỡ được họ. Mình nghĩ, người khuyết tật, sau này cha mẹ họ mất thì ai sẽ là người giúp đỡ họ, nguồn sống của họ là gì. Từ suy nghĩ đó, tôi mới lập dự án đào tạo tin học ứng dụng cho người khuyết tật. Trong quá trình đào tạo, trước hết phải phá bỏ được vỏ bọc tự ti, mặc cảm của người khuyết tật, phá bỏ được rào cản đó thì mới đào tạo về chuyên môn, khả năng các bạn đến đâu thì đào tạo đến đó.

Với vai trò kết nối người khuyết tật với các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất và những tâm lòng hảo tâm, chị Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hội Người khuyết tật Thái Bình mong muốn: Các bạn là người khuyết tật chưa có việc làm, muốn có việc làm, các bạn hãy vươn lên tự tìm kiến việc làm cho mình. Các bạn cũng có thể liên hệ với chúng tôi, Lãnh đạo Hội Người khuyết tật Thái Bình và các huyện, thành phố để chúng tôi có thể kết nối các bạn tìm cơ hội.Tôi cũng rất mong muốn cơ quan, ban ngành, doanh nghiệp, mở ra cơ hội cho người khuyết tật. Bởi nhìn bên ngoài thì có thể khó, nhưng người khuyết tật nếu được học được  nghề phù hợp thì họ sẽ phát huy được khả năng và tự nuôi sống được bản thân.


Mặc dù sinh ra đã chịu nhiều thiệt thòi, hoặc chẳng may, cuộc sống mang đến cho họ những tai họa,  từ người khỏe mạnh, có thể trở thành người khuyết tật, nhưng không vì thế mà những người khuyết tật chịu khuất phục, trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội. Họ sẽ có thêm nghị lực, thêm động lực để trở thành người có ích nếu có điều kiện để phát triển năng lực, khẳng định bản thân. Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ người khuyết tật, có Luật người khuyết tật, nhưng họ vẫn cần nhiều hơn nữa sự quan tâm, hỗ trợ, giúp đỡ của toàn xã hội để có cơ hội tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội như bao người bình thường khác./.

Phạm Hương 

  • Từ khóa
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương
Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình tiếp xúc cử tri huyện Kiến Xương

Nhằm chuẩn bị cho Kỳ họp thứ Bảy, Quốc hội khóa XV, sáng 25/4, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Khắc Định, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội làm trưởng...

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...