Công điện số 06/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19

Thứ 5, 20/05/2021 | 00:00:00
1,739 lượt xem

Ngày 19/5/2021, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Bình ban hành Công điện số 06/CĐ-UBND về việc triển khai các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19. Nội dung công điện như sau:

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH 

Điện:

- Giám đốc Sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thuộc tỉnh;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn.

Thời gian qua, các cấp, các ngành, các địa phương trong tỉnh đã thực hiện nghiêm túc, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Trung ương, của Ban Thường vụ Tỉnh ủy tại Thông báo kết luận số 135-TB/TU ngày 06/5/2021, của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện số 05/CĐ-UBND ngày 06/5/2021 được nhân dân đồng tình, ủng hộ, nghiêm túc thực hiện, một số ổ dịch trên địa bàn tỉnh cơ bản được kiểm soát. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh trong nước trong những ngày qua đang diễn biến rất phức tạp; tình hình dịch trong tỉnh vẫn tiềm ẩn nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng. Để khẩn trương, chủ động ngăn chặn dịch bệnh đảm bảo an toàn, sức khỏe cho Nhân dân, thực hiện mục tiêu kép, đồng thời tổ chức thành công bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021-2026; Ủy ban nhân dân tỉnh yêu cầu các sở, ban, ngành, địa phương, đơn vị và toàn thể Nhân dân:

1. Tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm, quyết liệt hơn nữa các chỉ đạo của Ban Bí thư Trung ương Đảng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, của Tỉnh ủy, Ủy ban nhân dân tỉnh và hướng dẫn của ngành Y tế; tuyệt đối không chủ quan, lơ là; xác định nhiệm vụ phòng, chống dịch là nhiệm vụ trọng tâm hàng đầu của cả hệ thống chính trị và Nhân dân. Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch theo chức năng, nhiệm vụ, phân công, phân cấp, địa bàn quản lý. Phát huy tinh thần tự giác, chủ động của mỗi cá nhân và người dân trong công tác phòng, chống dịch. Nghiêm túc xem xét, xử lý trách nhiệm đối với các tổ chức, cá nhân lơ là, chủ quan, không thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch. 

2. Từ 12 giờ, ngày 20/5/2021, gỡ bỏ thực hiện giãn cách trên địa bàn tỉnh đối với một số hoạt động theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27/3/2020 của Thủ tướng Chính phủ được xác định tại Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 06/5/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh. Tiếp tục áp dụng một số biện pháp phòng, chống dịch, cụ thể như sau:

- Dừng các hoạt động tập trung đông người không cần thiết; dừng các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật; hoạt động vui chơi, giải trí; cơ sở làm đẹp; karaoke; massage; xông hơi; rạp chiếu phim, điểm cung cấp dịch vụ trò chơi điện tử công cộng; điểm cung cấp dịch vụ internet công cộng; các hình thức kinh doanh dịch vụ hoạt động như quán bar, vũ trường;

- Tạm dừng tổ chức lễ khai mạc Đại hội thể dục, thể thao cấp xã, các giải thi đấu thể thao, hoạt động của các bể bơi, tắm biển; tạm dừng hoạt động thể dục, thể thao, thể hình tại phòng tập Gym, Aerobic, Yoga...;

- Tạm dừng hoạt động, đóng cửa các khu, điểm du lịch; các tour du lịch đưa, đón khách từ tỉnh ngoài, khách nước ngoài về tỉnh Thái Bình;

- Dừng đón khách tại các di tích lịch sử, cơ sở tôn giáo, tín ngưỡng trên địa bàn tỉnh;

- Đối với các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn, uống; dịch vụ giải khát được phép hoạt động trở lại, nhưng không được phục vụ tại chỗ, chỉ được bán mang đi và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo khuyến cáo 5K của Bộ Y tế, ghi nhật ký của khách hàng; nghiêm cấm việc sử dụng vỉa hè để kinh doanh;

- Tiếp tục dừng các hoạt động hội họp, các sự kiện chưa cần thiết; trường hợp cần thiết phải tổ chức để triển khai các nhiệm vụ chính trị, kinh tế - xã hội thì cơ quan, đơn vị chủ trì tổ chức phải thực hiện nghiêm ngặt quy định phòng, chống dịch, nhất là đeo khẩu trang, giữ khoảng cách, khử khuẩn...;

- Hạn chế việc di chuyển của người dân, nhất là khi đi, đến các tỉnh, thành phố có dịch. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn việc tổ chức hoạt động giao thông công cộng để hạn chế đi lại, bảo đảm các yêu cầu phòng, chống dịch; 

- Khuyến cáo người dân khi có việc thực sự cần thiết mới đi ra khỏi nhà, không đi ra ngoài tỉnh, nhất là đến các địa phương có dịch, người Thái Bình từ vùng có dịch không nên về tỉnh trong thời điểm này, khi có việc thực sự cần thiết mới đi hoặc về và phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch, nghiêm túc khai báo y tế. Các trường hợp có biểu hiện: sốt, ho, khó thở, đau họng... phải có trách nhiệm khai báo với cơ quan y tế để có các biện pháp xử lý kịp thời.

3. Báo Thái Bình, Đài Phát thanh và Truyền hình Thái Bình và các cơ quan thông tin, truyền thông: Tập trung làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền về các giải pháp, biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 để người dân đồng thuận, tự giác thực hiện và nâng cao ý thức, trách nhiệm trong phòng, chống dịch. Các cơ quan truyền thông của tỉnh tăng cường tần suất và đa dạng hình thức tuyên truyền, nhất là tuyên truyền về tác hại, hậu quả nếu dịch bệnh phát sinh, lây lan trên địa bàn tỉnh và việc xử lý các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch. 

4. Công tác tổ chức truy vết, cách ly, xét nghiệm:

a) Truy vết: Khi phát hiện ca bệnh (F0), Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh phải khẩn trương thông báo cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để chỉ đạo tổ chức khoanh vùng ngay, giám sát chặt, điều tra kỹ lưỡng, truy vết thần tốc, triệt để, tuyệt đối không để mất dấu F0 và không được bỏ sót các trường hợp liên quan (F1, F2, F3…), tiến hành phân loại F1, F2, F3… để thực hiện cách ly (cách ly tập trung đối với F1, cách ly tại nhà F2). Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành quyết định cách ly tại nhà đối với F2; Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm thực hiện giám sát chặt chẽ việc cách ly tại nhà.

b) Quản lý cách ly: Siết chặt quản lý các khu cách ly tập trung, đảm bảo đủ điều kiện về cơ sở vật chất, các khu cách ly phải có đủ camera để giám sát người được cách ly; tuân thủ các quy định về cách ly tập trung, trong đó lưu ý việc giãn cách không để lây nhiễm chéo trong khu cách ly. Nếu để lây nhiễm chéo trong khu cách ly, đơn vị thường trực điều hành khu cách ly chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh. 

- Giao Sở Y tế thành lập Đoàn kiểm tra thường xuyên kiểm ra công tác thực hiện cách ly tập trung ít nhất 15 ngày/lần/cơ sở; đồng thời khẩn trương tham mưu giải pháp để bảo đảm cách ly tập trung cho 10.000 người.

- Giao Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm quản lý, giám sát chặt chẽ, theo dõi sức khỏe các trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung trở về địa phương, các trường hợp F2 phải thực hiện cách ly y tế tại nhà theo quy định. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, cấp xã chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh nếu không quản lý chặt chẽ các trường hợp nêu trên để phát sinh ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn.

c) Xét nghiệm: 

Sở Y tế xác định phạm vi, đối tượng lẫy mẫu xét nghiệm, triển khai kế hoạch, điều phối việc tổ chức xét nghiệm nhanh nhất, phấn đấu thực hiện theo công thức 4 - 6 trong lấy mẫu và trả kết quả xét nghiệm; đồng thời, tổ chức đánh giá mức độ, nguy cơ lây nhiễm từ các khu vực có nguy cơ cao, chủ động đề xuất xét nghiệm sàng lọc ngẫu nhiên trong cộng đồng (lưu ý với các trường hợp tiếp xúc với nhiều người tại các doanh nghiệp, chợ…, như: bảo vệ, coi xe…) để có biện pháp xử lý kịp thời.

5. Đối với công tác điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19:

- Sở Y tế chỉ đạo Bệnh viện Đa khoa tỉnh tập trung nhân lực điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 theo hướng dẫn và phác đồ điều trị của Bộ Y tế, chú ý đối với bệnh nhân có bệnh lý nền tăng cường phối hợp, trao đổi chuyên môn kỹ thuật với các bệnh viện tuyến Trung ương trong công tác điều trị bảo đảm an toàn, không để bệnh nhân tử vong.

- Giao Sở Y tế sẵn sàng kích hoạt Bệnh viện dã chiến quy mô 500 giường bệnh để điều trị cho bệnh nhân nhiễm Covid-19 khi có yêu cầu; đồng thời, tham mưu phương án mở rộng quy mô Bệnh viện dã chiến lên 1.000 giường bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế.

6. Về việc kiểm soát đối với các trường hợp nguy cơ cao:

a) Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

Chỉ đạo Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn, giao trách nhiệm cho Trưởng thôn, Tổ trưởng tổ dân phố, phát huy vai trò Tổ Tự quản phối hợp với lực lượng Công an tăng cường hơn nữa việc bám sát địa bàn, rà soát nắm rõ từng nhân khẩu cư trú trên địa bàn; hằng ngày, lập danh sách các nhóm đối tượng có nguy cơ, những người về từ khu vực ổ dịch (liên quan đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều…), những người đến từ các tỉnh, thành phố: Bắc Giang, Bắc Ninh, Vĩnh Phúc, Đà Nẵng…, những người hết cách ly cư trú trên địa bàn (lập danh sách, có địa chỉ, số điện thoại…). 

Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn chịu trách nhiệm theo dõi, quản lý chặt chẽ các trường hợp nêu trên, thông báo kịp thời với cơ quan y tế để có phương án cách ly, xét nghiệm theo quy định.

b) Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh liên hệ với Ban Quản lý khu công nghiệp/Khu kinh tế các tỉnh, thành phố: Đà Nẵng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Vĩnh Phúc… cập nhật danh sách lao động là người Thái Bình làm việc tại các địa phương trên; thông báo cho Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để thực hiện theo dõi, quản lý, cách ly theo quy định.

c) Sở Y tế tiếp tục rà soát, cung cấp danh sách các trường hợp bệnh nhân, người nhà bệnh nhân có liên quan đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở Tân Triều thông báo cho Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để theo dõi, quản lý, cách ly theo quy định. Đồng thời, hướng dẫn phân loại, quản lý, cách ly, xét nghiệm các trường hợp có nguy cơ theo quy định.

7. Tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch tại các địa bàn, khu vực có nguy cơ cao:

a) Đối với các cơ sở khám, chữa bệnh:

- Tiếp tục rà soát, siết chặt công tác phòng, chống dịch tại các cơ sở khám, chữa bệnh, nhất là các cơ sở khám, chữa bệnh tư nhân, tuyệt đối không để xảy ra các ổ dịch tại các cơ sở y tế. Yêu cầu thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 theo hướng dẫn của Bộ Y tế; xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch theo các cấp độ; bổ sung trang thiết bị phòng hộ cho cán bộ, y bác sĩ và nhân viên làm việc tại các cơ sở y tế, tránh để xảy ra lây nhiễm chéo. Định kỳ xét nghiệm sàng lọc cán bộ, y bác sĩ và nhân viên tiếp xúc với những bệnh nhân nặng, có nguy cơ cao. Nếu để dịch bệnh Covid-19 phát sinh trong cơ sở khám, chữa bệnh thì người đứng đầu cơ sở khám, chữa bệnh phải chịu trách nhiệm và bị xử lý kỷ luật theo quy định. 

- Các nhà thuốc, quầy thuốc trên địa bàn tỉnh khi phát hiện người dân có biểu hiện ho, sốt, khó thở, đau họng phải lập danh sách (họ và tên, số điện thoại, chỗ ở hiện tại, thời gian đến mua thuốc) và thông báo ngay với Trạm Y tế hoặc cơ sở y tế gần nhất; giao Sở Y tế, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tổ chức kiểm tra, xử lý theo quy định nếu phát hiện nhà thuốc, quầy thuốc không thực hiện nghiêm chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh.

b) Đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh:

- Thực hiện nghiêm Quyết định số 2194/QĐ-BCĐQG ngày 27/5/2020 của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19, các quy định phòng, chống dịch của Bộ Y tế và chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công văn số 1947/UBND-KGVX ngày 17/5/2021, nhất là việc thực hiện nghiêm yêu cầu 5K, xây dựng kế hoạch, phương án phòng, chống dịch cụ thể theo các cấp độ và triển khai tới người lao động, khẩn trương thành lập Tổ An toàn Covid, định kỳ hằng tuần tự kiểm tra, đánh giá nguy cơ lây nhiễm Covid-19; cập nhật dữ liệu bản đồ an toàn phòng, chống dịch Covid-19 (AntoanCovid.vn). 

- Giao Sở Công Thương, Ban Quản lý khu kinh tế và các khu công nghiệp tỉnh, Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, hướng dẫn công tác phòng, chống dịch đối với doanh nghiệp thuộc lĩnh vực, địa bàn quản lý, kiên quyết đóng cửa các doanh nghiệp nếu không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; đồng thời, kịp thời động viên các doanh nghiệp nỗ lực khắc phục khó khăn, tập trung sản xuất, kinh doanh hiệu quả.

c) Đối với các nơi thường xuyên có hoạt động tập trung đông người (siêu thị, chợ, bến xe, quảng trường, công viên, công trường xây dựng…) phải thường xuyên kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở và có biện pháp hạn chế tập trung đông người; xây dựng phương án phòng, chống dịch đáp ứng yêu cầu, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch có hiệu quả: đối với cá nhân thực hiện 5K, đặc biệt yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang; đối với cơ sở, đơn vị, cơ quan, doanh nghiệp,… phải tự đánh giá, cập nhật lên hệ thống an toàn Covid-19. Giao Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tăng cường kiểm tra, phát hiện, xử lý nghiêm người không đeo khẩu trang, kiên quyết đóng cửa các cơ sở, đơn vị, doanh nghiệp nếu không bảo đảm an toàn phòng, chống dịch.

8. Đối với công tác bầu cử đại biểu Quốc hội khóa XV và đại biểu Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026:

Các cấp, các ngành, các địa phương tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại cơ quan, đơn vị, địa phương và tại các điểm bầu cử trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động liên quan công tác bầu cử. Đồng thời, triển khai hướng dẫn bảo đảm công tác y tế phục vụ bầu cử đến Tổ bầu cử và từng thành viên Tổ bầu cử.

9. Ủy ban nhân dân huyện, thành phố:

- Chủ động rà soát, cập nhật, có phương án, kịch bản phòng, chống dịch, sẵn sàng ứng phó hiệu quả mọi tình huống theo nguyên tắc 4 tại chỗ; chuẩn bị sẵn sàng khu cách ly (ngoài khu cách ly tập trung hiện có) đáp ứng tối thiểu cách ly 500 người (lựa chọn địa điểm, thẩm định điều kiện, chuẩn bị về nhân lực phục vụ, cơ sở vật chất…);

- Tăng cường kiểm tra, xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định về phòng, chống dịch trên địa bàn;

- Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố chịu trách nhiệm chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra, thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch theo chỉ đạo của Ủy ban nhân dân tỉnh tại Công điện này; đồng thời, trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn chủ động quyết định áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19 bảo đảm kịp thời, linh hoạt, hiệu quả, phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và không trái với chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh.

10. Sở Y tế:

- Hằng ngày, cập nhật, phân loại vùng dịch Covid-19 tại Việt Nam và hướng dẫn các đơn vị, địa phương thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch;

- Thường xuyên cập nhật thông tin tình hình dịch bệnh, tham mưu kịp thời các biện pháp phòng, chống dịch hiệu quả, phù hợp với các cấp độ dịch; đảm bảo nhân lực, cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện, sinh phẩm, hóa chất xét nghiệm, vật tư, thuốc để đáp ứng cho các tình huống trong phòng, chống dịch Covid-19, tiếp tục xây dựng phương án triển khai tiêm vắc - xin theo hướng dẫn của Bộ Y tế;

- Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch trong các cơ sở y tế.

11. Sở Tài chính: Nghiên cứu, bố trí kinh phí theo quy định của pháp luật bảo đảm phục vụ có hiệu quả cho công tác phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn tỉnh.

12. Giám đốc sở; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn:

Trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn nắm chắc tình hình, kịp thời tham mưu xử lý các phát sinh theo lĩnh vực, địa bàn phụ trách; tập trung chỉ đạo, hướng dẫn, đôn đốc, kiểm tra, đảm bảo tuyệt đối an toàn phòng, chống dịch, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại cơ quan, đơn vị, địa phương và tại các điểm bầu cử trong suốt thời gian diễn ra các hoạt động liên quan công tác bầu cử.

13. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và đoàn thể các cấp tăng cường công tác tuyên truyền, vận động hội viên, đoàn viên và các các tầng lớp nhân dân thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch Covid-19.

14. Người đứng đầu đơn vị, địa phương, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân phải chủ động khai báo với chính quyền địa phương và cơ quan y tế khi có người về từ vùng dịch, nếu cố tình che giấu thông tin, không khai báo y tế phải chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật.

15. Đối với những nội dung không đề cập tại Công điện này tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tại Thông báo số 25/TB-VP ngày 14/5/2021.

Nhận Công điện này, yêu cầu các đơn vị khẩn trương, nghiêm túc thực hiện. Giao Sở Y tế đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện Công điện này. Công điện này thay thế Công điện khẩn số 05/CĐ-UBND ngày 06/5/2021 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh./.

Chủ tịch Nguyễn Khắc Thận đã ký.                                                                                                  

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...