Phu nhân Thủ tướng chính phủ Việt Nam và phu nhân Thủ tướng chính phủ Lào thăm và làm việc tại Thái Bình

Thứ 7, 06/01/2024 | 00:00:00
581 lượt xem

Chiều 6/1, Phu nhân Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, bà Lê Thị Bích Trân và Phu nhân Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa dân chủ nhân dân Lào, bà Vandara Siphandone đến thăm và làm việc tại tỉnh Thái Bình. Tiếp và làm việc với đoàn có đồng chí Nguyễn Khắc Thận, Phó bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; đồng chí Trần Thị Bích Hằng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh.

Phu nhân Thủ tướng chính phủ Việt Nam và phu nhân Thủ tướng chính phủ Lào thăm và làm việc tại Thái Bình

Chuyến thăm và làm việc tại Thái Bình là một trong số các hoạt động trong khuôn khổ chuyến thăm chính thức Việt Nam của Thủ tướng Chính phủ nước Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào Sonexay Siphandone và Phu nhân. Tại Thái Bình, Đoàn đã đến thăm Làng trẻ em SOS, phường Hoàng Diệu, thành phố Thái Bình, nơi đây hiện đang nuôi dưỡng, giáo dục 136 trẻ em bị bỏ rơi. 2 phu nhân đã tặng quà cho các trẻ em đang được nuôi dưỡng tại đây, đồng thời đến thăm mô hình tại một gia đình trong Làng trẻ em SOS. Làng hiện có 14 gia đình, mỗi gia đình có từ 8 – 10 trẻ ở các lứa tuổi khác nhau sống như anh chị em ruột, được chăm sóc bởi một người mẹ nuôi. Tại đây, các em được chu cấp cơ sở vật chất đầy đủ và được trao cho những cơ hội học tập, hoàn thiện cuộc sống. Mô hình nền tảng gia đình dựa trên 4 nguyên tắc sư phạm, là bà mẹ, anh-chị-em, mái ấm gia đình và cộng đồng. Những năm qua, mối quan hệ giữa các thành viên trong làng luôn bền chặt, chính là bởi tình yêu thương và trách nhiệm của những người mẹ, người dì đối với những trẻ em nơi đây. 

Đến thăm làng nghề dệt đũi Nam Cao tại xã Nam Cao, huyện Kiến Xương, 2 phu nhân và đoàn công tác đã được nghe giới thiệu và trải nghiệm các hoạt động của nghề dệt đũi. Nghề dệt đũi Nam Cao được hình thành từ gần 400 năm trước, nổi tiếng nhờ những sản phẩm được làm thủ công với rất nhiều công đoạn. Từ khâu chọn nguyên liệu tới khi thành thành phẩm đều đòi hỏi sự công phu, cần mẫn, tỉ mỉ, trau chuốt. Để có được tấm vải lụa đũi, người dân phải thực hiện rất nhiều công đoạn. Từ trồng dâu nuôi tằm, rồi tằm nhả tơ làm kén đến ươm tơ, lấy kén phải trải qua tám công đoạn mới ra được sợi để dệt. Người thợ cho kén vào nồi luộc chín và ủ nồi kén cho kén tơ nhừ rồi mới bỏ ra ngâm trong nước lạnh để kéo thành sợi tơ, sợi đũi. Sợi tơ sau khi được kéo và cuốn lại, vắt kiệt nước, cho vào guồng quay và mang đi phơi khô rồi đưa đi đánh ống, đánh suốt và cuối cùng là mang đi dệt. Các sản phẩm đũi của Nam Cao chủ yếu sử dụng khung dệt thủ công nên có những đặc điểm riêng về chất lượng. Sau khi Hợp tác xã Dệt đũi Nam Cao được thành lập, làng nghề lụa đũi Nam Cao đã từng bước khôi phục, đưa làng nghề từng bước trở lại thời hoàng kim. Các hoạt động tại làng nghề dệt đũi Nam Cao đã để lại nhiều ấn tượng với đoàn công tác, giúp tăng cường sự hiểu biết về văn hóa và thắt chặt thêm mối quan hệ gần gũi giữa người dân hai nước Việt Nam và Lào./.

Cao Biền

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...