Cách mạng Tháng tám và Quốc khánh 2/9: Ý chí của độc lập dân tộc.

Thứ 3, 30/08/2016 | 10:28:19
402 lượt xem

Thành quả của Cách mạng Tháng tám là khát vọng lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh.

Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của QĐND Việt Nam.  Ảnh: Tư liệu.

Cách đây 71 năm, ngày 19/8/1945, gần 30.000 người dân Hà Nội và các tỉnh lân cận đã vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng trước cửa Nhà hát lớn (nay là Quảng trường Cách mạng tháng Tám) để hưởng ứng lệnh Tổng khởi nghĩa của Việt Minh. Hàng chục nghìn người ngay sau đó đã tiến về đánh chiếm Phủ Khâm sứ, Trại lính Bảo an và các cơ sở của chính quyền bù nhìn phát xít Nhật.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân

Từ Hà Nội, làn sóng cách mạng, giành chính quyền về tay nhân dân liên tiếp thắng lợi trong cả nước chỉ trong 14 ngày. Phong trào nổi dậy và khởi nghĩa đã lan nhanh khắp cả nước và đến ngày 28/8/1945, Hà Tiên là địa phương cuối cùng khởi nghĩa giành chính quyền thắng lợi.

Ngày 2/9/1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Bản Tuyên ngôn Độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, Nhà nước công nông đầu tiên ở Đông Nam Á.

Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập tại Quảng trường Ba Đình ngày 2/9/1945 (Ảnh tư liệu)

Như chúng ta biết, Cách mạng tháng Tám năm 1945 là một sự kiện lớn và trọng đại trong lịch sử Việt Nam ở thế kỷ XX. Kế thừa những thắng lợi của ông cha ta trước đây, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, cả dân tộc Việt Nam triệu người như một, nhất tề vùng lên tổng khởi nghĩa, đập tan ách thống trị của thực dân, phong kiến giành chính quyền về tay nhân dân. Từ đây, lịch sử dân tộc Việt Nam đã bước sang một trang mới.

Cách mạng Tháng Tám 1945 thành công do sự lãnh đạo đúng đắn, sáng suốt, của Đảng Cộng sản Việt Nam, là sự vận dụng và phát triển chủ nghĩa Mác - Lê-nin trong điều kiện cụ thể nước ta một cách sáng tạo, linh hoạt.

71 năm đã trôi qua, độ lùi thời gian giúp chúng ta càng nhìn nhận một cách khách quan hơn, rõ hơn về cuộc cách mạng vĩ đại này. Giá trị lịch sử và thực tiễn của Cách mạng tháng Tám năm 1945, trước hết là ý chí độc lập dân tộc, là sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc Việt Nam. Sức mạnh này đã được tập dượt, tôi luyện qua các phong trào cách mạng trước đó như Xô viết Nghệ Tĩnh 1930-1931 đến cuộc vận động dân chủ 1936-1939 và cao trào giải phóng dân tộc 1939-1945.

Bằng thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, nhân dân ta đã đập tan ách phát xít Nhật, lật đổ ách đô hộ của thực dân Pháp gần 100 năm, xóa bỏ chế độ phong kiến hàng nghìn năm, đưa dân tộc Việt Nam bước sang kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội. Nhân dân Việt Nam từ thân phận nô lệ đã trở thành người làm chủ đất nước, làm chủ vận mệnh của mình.

Đối với quốc tế, Cách mạng tháng Tám 1945 tại Việt Nam được nhìn nhận là mô hình đấu tranh giành độc lập của các nước thuộc địa, giúp các dân tộc Á, Phi, Mỹ La tinh liên kết lại xóa bỏ chủ nghĩa thực dân, tự giải phóng cho dân tộc mình. Phương thức khai sinh một quốc gia, thành lập nhà nước dân cử, hợp pháp của Việt Nam sau cách mạng tháng Tám trong bối cảnh vừa kết thúc chiến tranh thế giới, tình hình chính trị thế giới phức tạp cũng là mô hình cho các nước bị thực dân đô hộ tham khảo.

Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “Giai cấp lao động và những dân tộc bị áp bức nơi khác cũng có thể tự hào rằng: Lần này là lần đầu tiên trong lịch sử cách mạng của các dân tộc thuộc địa, một Đảng mới 15 tuổi đã lãnh đạo cách mạng thành công, đã nắm chính quyền toàn quốc”.

Trước hết là những người lao động bị áp bức, bóc lột chiếm đại bộ phận trong nhân dân Việt Nam. Độc lập, tự do, hạnh phúc, những nội dung ấy đã gắn bó quyền của dân tộc với quyền con người, quyền công dân. Đó cũng là tư tưởng mà Hồ Chí Minh đã công bố với cả thế giới ngay khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời tiên phong cho các dân tộc bị áp bức, nô lệ đấu tranh cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội, giải phóng con người.

Bài học: Cần nắm được bước ngoặt lịch sử

Cách mạng Tháng Tám là điển hình của sự vận dụng nắm bắt thời cơ, đẩy lùi nguy cơ, thể hiện trình độ khoa học và nghệ thuật lãnh đạo của Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh. Đó là lúc quân Anh chưa vào miền Nam và quân Tưởng chưa vào miền Bắc để giải giáp quân Nhật, cũng là lúc quân Nhật bại trận, mất tinh thần đang chờ quân Đồng minh đến tước vũ khí, ngụy quyền tay sai bỏ trốn hoặc đầu hàng chính quyền cách mạng.

Nhờ vậy, sức mạnh của toàn dân ta được nhân lên gấp bội, tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền trên cả nước một cách nhanh, gọn, ít đổ máu và giành thắng lợi.

Điều đặc biệt trong Cách mạng Tháng Tám là Đảng ta đã sử dụng phương thức quân sự, chính trị phối hợp, trong đó, lực lượng chính trị đóng vai trò quyết định, tiến hành mít tinh, biểu tình, thị uy, bao vây các công sở, gây sức ép, kêu gọi địch đầu hàng, thị uy biểu dương lực lượng. Lực lượng vũ trang lúc này chỉ đóng vai trò diệt ác, trừ gian, bảo vệ các cuộc mít tinh, biểu tình của nhân dân.

Đồng thời, việc chọn địa bàn Tổng khởi nghĩa ở cả nông thôn và thành thị với tinh thần cả nước đều nhất loạt khởi nghĩa, làm cho quân Nhật không kịp trở tay, không còn khả năng giải tỏa, ứng cứu chi viện cho nhau.

Mục tiêu khởi nghĩa được chọn là các cơ quan đầu não, các công sở chính quyền địch, như ở Hà Nội là Tòa Khâm sai, Phủ Toàn quyền và các cơ quan đầu não ở các tỉnh, thành phố... Việc lựa chọn mục tiêu chính xác góp phần thúc đẩy Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi nhanh chóng trên cả nước.

Sức mạnh của khối đại đoàn kết dân tộc đã được Đảng tiếp tục xây dựng và phát huy trong cuộc kháng chiến chống Pháp trường kỳ, toàn dân, toàn diện 1945-1954, và tiếp đó là cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước kéo dài 21 năm 1954-1975.

Quá trình chuẩn bị cho Cách mạng Tháng Tám chính là quá trình khơi nguồn và quy tụ sức mạnh tổng hợp vốn có tiềm ẩn lâu đời trong lịch sử dân tộc. Việc đem lại quyền làm chủ, quyền làm người thật sự cho nhân dân lao động, thật sự đem lại độc lập tự do cho nước nhà thì Cách mạng Tháng Tám có một giá trị đặc biệt to lớn và sâu sắc.

Có thể khẳng định rằng không có thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám năm 1945 thì cũng không thể có thắng lợi của các cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Chính thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám đã tạo ra một giá trị to lớn, trở thành khâu đột phá cho các thắng lợi tiếp theo.

Thắng lợi vĩ đại của Cách mạng tháng Tám đã để lại nhiều bài học kinh nghiệm quý báu như: có một đảng tiên phong lãnh đạo, đề ra đường lối cách mạng đúng đắn; vấn đề giành và giữ chính quyền; vấn đề dự đoán chính xác thời cơ và nắm đúng thời cơ trong những bước ngoặt lịch sử cách mạng.

Thắng lợi của Cách mạng tháng Tám năm 1945 là thắng lợi đầu tiên của cách mạng ở những nước thuộc địa, nửa thuộc địa do Đảng của giai cấp công nhân lãnh đạo. Nó như một cánh én báo hiệu mùa Xuân, thức tỉnh các dân tộc bị áp ức bóc lột vùng dậy đánh đổ chủ nghĩa thực dân giành lại độc lập, tự do dân tộc.

Thành quả của Cách mạng tháng Tám là khát vọng lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết dân tộc dưới sự lãnh đạo của Đảng và lãnh tụ Hồ Chí Minh. Khát vọng cao cả ấy luôn là nguồn sức mạnh tổng hợp đồng hành cùng cả dân tộc, cổ vũ cho thế hệ hôm nay và mai sau vận dụng một cách sáng tạo bài học về chủ động, sáng tạo phát huy sức mạnh của nhân dân đưa sự nghiệp đổi mới đất nước giành thắng lợi.

  • Từ khóa
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất
HĐND huyện Vũ Thư tổ chức Kỳ họp giải quyết công việc phát sinh đột xuất

Sáng 26/4, HĐND huyện Vũ Thư khóa XX, tổ chức Kỳ họp để giải quyết công việc phát sinh đột xuất, nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội địa phương năm 2024....

Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp
Góp ý kiến dự thảo Chỉ thị của Bộ Chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp

Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc góp ý kiến đối với dự thảo Chỉ thị của Bộ chính trị về Đại hội Đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội XIV của Đảng. Đồng chí Mai Văn...