Kiến trúc nhà ở nông thôn: Giữ nét truyền thống trong hiện đại

Chủ nhật, 16/06/2019 | 15:37:57
15,961 lượt xem

Trong vài thập niên vừa qua, trước sự phát triển kinh tế và ảnh hưởng của đô thị hóa, nhà ở nông thôn đã biến đổi nhanh chóng. Làm sao có các công trình đáp ứng nhu cầu của dân cư trong đời sống hiện đại, thích ứng với điều kiện tự nhiên nhưng vẫn giữ được bản sắc và nét đẹp làng quê Việt đang được giới kiến trúc sư quan tâm.

Làng hóa phố

Không chỉ là nơi che mưa chắn nắng, từ xưa tới nay, các ngôi nhà ở nông thôn Việt Nam với kiến trúc xây dựng và cách sắp xếp, bài trí không gian sống mang những nét độc đáo, phản ánh một phần văn hóa truyền thống dân tộc. Tùy từng vùng miền, các ngôi nhà mang dáng dấp khác nhau được xây dựng phù hợp với điều kiện tự nhiên, tập quán sinh hoạt của con người, tạo nên những cảnh sắc, biểu trưng riêng của mỗi làng quê.

Tuy nhiên, khi tốc độ đô thị hóa diễn ra mạnh mẽ, kiến trúc nông thôn Việt Nam đã có những biến đổi. Nhìn chung, nhà ở thôn quê đã khang trang hơn, bền vững hơn, đa dạng về hình thức, nhưng lại ít kế thừa kinh nghiệm xây dựng nhà truyền thống. Mái nhà xưa luôn được xây theo hướng mở, chan hòa với thiên nhiên, thì nay ở nhiều vùng, không gian đô thị hiện đại đang dần lấn át không gian làng quê với những ngôi nhà cao tầng với bê tông cốt thép mọc lên ngày càng nhiều. Không chỉ miền Bắc, kiến trúc nhà ở các dân tộc thiểu số khu vực miền núi và Tây Nguyên cũng bị tác động, thay đổi theo hình dáng nhà ở của người Kinh...

Ngày nay, diện tích đất dành cho xây dựng nhà dần thu hẹp; bố cục và không gian nhà cũng biến đổi cho phù hợp với đời sống đương đại. Tuy vậy, có thể thấy, một thời gian dài, kiến trúc nhà ở nông thôn dường như bị lãng quên trong quy hoạch cũng như định hướng thẩm mỹ. Nhà cửa, ngõ xóm xây dựng tùy tiện, các ngôi nhà với đủ kiểu dáng, chi tiết kiến trúc ngoại lai từ Đông sang Tây... tạo nên sự hỗn độn, chen chúc, phá vỡ khung cảnh làng quê.

Kiến trúc nông thôn đang đứng trước những vấn đề về mô hình, quy hoạch, thiết kế, duy trì môi trường cảnh quan, bảo vệ môi trường... Theo các nhà chuyên môn, cần có những nghiên cứu, biện pháp quy hoạch kiến trúc khu vực này hợp lý. Việc tìm ra mô hình kiến trúc nhà ở thực sự cho nông thôn hiện tại ở mỗi vùng miền không chỉ giúp phát huy hết công năng ngôi nhà, đáp ứng tốt hơn nhu cầu con người, mà còn làm cho không gian làng quê vẫn có những có đặc trưng riêng, hiện đại nhưng vẫn bảo tồn được những nét đẹp ngàn đời.

Xây dựng nếp sống đậm bản sắc

Theo Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam Nguyễn Tấn Vạn, những năm gần đây, nhà ở nông thôn vẫn luôn là mảng đề tài được các kiến trúc sư quan tâm. Hội đã tổ chức nhiều hoạt động thu hút các kiến trúc sư tham gia, hướng tới những sáng tác nhằm nâng cao chất lượng ở vùng miền núi và nông thôn, góp phần định hướng xu hướng kiến trúc xanh và bền vững, đồng thời thể hiện trách nhiệm của giới nghề với cộng đồng và xã hội. “Nhà ở nông thôn, xét cho cùng không phải chúng ta giải quyết vấn đề kỹ thuật, không gian sống bình thường, mà theo tôi đây là chúng ta góp sức xây dựng một lối sống, nếp sống trong xã hội đang phát triển, con người ngày càng đòi hỏi nhà cao hơn, rộng hơn, sang trọng hơn trong cuộc sống gắn bó với vùng đất thôn quê đó. Tuy nhiên, không phải giàu có mà chúng ta quên đi nếp sống của người Việt. Kiến trúc phải đáp ứng nhu cầu sống của cư dân nông thôn đang phát triển, đổi mới, và làm cho nếp sống văn hóa đó đậm bản sắc hơn” - KTS Nguyễn Tấn Vạn nói.

Một số mẫu thiết kế nhà ở nông thôn 

Cuộc thi thiết kế kiến trúc “Chung tay kiến tạo nhà ở nông thôn Việt Nam” vừa được Tạp chí Kiến trúc phối hợp với các đơn vị tổ chức, chỉ trong 6 tháng đã thu hút 2.000 kiến trúc sư, 184 đồ án tham gia, cho thấy sức hút của vấn đề này. Tại lễ trao giải sáng 14.6, KTS Phan Công Hùng, giải Nhất cuộc thi chia sẻ: “Xã Quảng Phú Cầu, huyện Ứng Hòa, Hà Nội có nghề làm hương thủ công rất nổi tiếng. Sau 3 tháng nghiên cứu, tôi nhận thấy kiến trúc khu vực này có đặc trưng của đồng bằng Bắc Bộ, nhưng đang bị thay thế dần bằng nhà ống, nhà cấp 4. Tôi đưa ra giải pháp hiện đại hóa nhưng vẫn giữ bản sắc: Dựa trên mặt bằng truyền thống hình chữ L, hình khối kiến trúc giản lược và trở nên hiện đại hơn, thiết kế không gian sinh hoạt bên trong ngôi nhà bảo đảm công năng phục vụ đời sống hiện đại. Về kết cấu, cố gắng phỏng theo vì kèo ngày xưa nhưng sử dụng vận liệu mới, thi công nhanh, rẻ, đẹp và có thể tái chế, sử dụng các vật liệu không ảnh hưởng đến môi trường...”.

Trước ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng tăng ở miền Nam, KTS Nguyễn Quốc Hoàng, Phó Giám đốc Viện Nghiên cứu tiêu chuẩn và thiết kế điển hình hóa xây dựng, Viện Kiến trúc Quốc gia, Bộ Xây dựng cho biết, đơn vị đã nghiên cứu về thiên tai, ngập lụt và bản sắc nhà ở của đồng bằng sông Cửu Long và thiết kế ngôi nhà đáp ứng nhu cầu sử dụng của người dân trong thực tế. Kiến trúc nhà kế thừa yếu tố truyền thống như cách bố trí nội thất, mái dốc để thoát nước mưa nhanh... nhưng sáng tạo ở chỗ có hai khối, một khối kiên cố và khối nhà di động xây dựng bằng khung thép, có thể trượt nổi theo các cọc, bảo đảm người dân có thể cư trú dài ngày khi nhà bị ngập lụt. Nhà được làm bằng khung thép, vật liệu nhẹ, mái che sử dụng vật liệu địa phương, bảo đảm tính kinh tế...

Đã có một số chương trình về nhà ở nông thôn, nhưng không phải chương trình nào cũng thành công, được áp dụng rộng rãi trong thực tế. Ông Võ Minh Nhật, đại diện Ban Tổ chức cuộc thi cho biết: “Cuộc thi đã xây dựng nên một “thư viện” về nhà ở nông thôn để cộng đồng có thể tham khảo. Trong một năm tới, chúng tôi sẽ đẩy mạnh truyền thông, giới thiệu các bản vẽ tới công chúng, đồng thời tổ chức hội thảo tại các khu vực với sự tham gia của nhà thầu địa phương, giúp các thiết kế được ứng dụng vào thực tế, vừa có bản sắc, vừa nâng cao tiêu chuẩn nhà ở nông thôn Việt Nam”.

Theo daibieunhandan.vn

  • Từ khóa
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản
Đánh giá tình hình triển khai luật khoáng sản

Chiều nay 18/9, Đoàn Đại biểu Quốc Hội tỉnh Thái Bình do đồng chí Nguyễn Văn Huy, Phó trưởng đoàn đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh làm trưởng đoàn chủ trì buổi làm việc với Sở Tài nguyên và Môi trường và một...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...