Quyền bình đẳng của phụ nữ trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Thứ 5, 06/03/2025 | 00:00:00
209 lượt xem

Chủ tịch Hồ Chí Minh người lãnh tụ thiên tài của dân tộc Việt Nam, vị Cha già kính yêu của dân tộc, Người đã làm rạng danh non sông đất nước ta. Trước lúc đi xa, Người đã để lại cho dân tộc ta bản Di chúc thiêng liêng, tài sản tinh thần vô giá mãi mãi khắc sâu trong tâm khảm mỗi người dân Việt Nam.

Bản Di chúc ấy, nhiều nhà lãnh đạo các nước trên thế giới cũng đã cho rằng: “Lời Di chúc của con người vĩ đại ấy là cho tất cả loài người, việc gì Người chưa làm, tất cả chúng ta đều có nhiệm vụ tiếp tục làm”.

Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh kết tinh những tư tưởng lớn, mang tính định hướng chiến lược lâu dài của Chủ tịch Hồ Chí Minh về những vấn đề cụ thể, thiết thực liên quan đến từng lớp người, từng đối tượng trong xã hội, nhiệm vụ của cả dân tộc, trong đó có phụ nữ.

 9 giờ sáng ngày 10/5/1968, khi xem lại bản Di chúc viết vào ngày 10-5-1965, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã bổ sung một số vấn đề, trong những vấn đề viết thêm đó, Người đã viết về phụ nữ: “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”. Những lời tâm huyết này của Người là sự đúc kết ngắn gọn tất cả những trăn trở cũng như tư tưởng của cả cuộc đời Người về vấn đề giải phóng phụ nữ, thực hiện nam nữ bình quyền cũng là để giải phóng triệt để giải phóng dân tộc, giai cấp, tiến tới giải phóng nhân loại mà Người luôn tâm niệm: “Giải phóng người đàn bà, đồng thời phải tiêu diệt tư tưởng phong kiến, tư tưởng tư sản trong người đàn ông. Về phần mình, chị em phụ nữ không nên ngồi chờ Chính phủ, chờ Đảng ra chỉ thị giải phóng cho mình mà tự mình phải tự cường, phải đấu tranh.”

Chủ tịch Hồ Chí Minh và các nữ đại biểu tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ III của Đảng, 

tháng 9 năm 1960. Ảnh tư liệu 

Tư tưởng về quyền bình đẳng của phụ nữ trước hết bắt nguồn từ sự thấu hiểu và đồng cảm với thân phận của người phụ nữ nói chung, phụ nữ Việt Nam nói riêng và sự đồng cảm ấy được nâng nên tình cảm dân tộc và nhân loại, điều đó được thể hiện trong những bài viết của mình, Hồ Chí Minh đã dành nhiều bài để tố cáo tội ác man rợ của chế độ thực dân cũng như lễ giáo phong kiến Việt Nam đối với người phụ nữ: “Chế độ thực dân, tự bản thân nó đã là một hành động bạo lực của kẻ mạnh đối với kẻ yếu rồi. Bạo lực đó đem ra đối xử với trẻ em và phụ nữ lại càng bỉ ổi hơn nữa”, và “trong xã hội và trong gia đình, người phụ nữ bị hạ thấp tột bậc và không được hưởng chút quyền gì”. Nguyễn Ái Quốc đã khẳng định “Dưới chế độ phong kiến và thực dân, phụ nữ bị áp bức tàn tệ. Ngoài xã hội thì phụ nữ bị xem khinh như nô lệ. Ở gia đình thị họ bị kìm hãm trong xiềng xích “tam tòng” “đàn bà phải quanh quẩn bếp núc”. Thông qua bản di chúc nói về phụ nữ đã toát lên tinh thần giải phóng phụ nữ của Người là quá trình vận dụng sáng tạo chủ nghĩa Mác – Lênin, xuất phát từ tình hình thực tiễn ở Việt Nam và nhất là bối cảnh Người viết di chúc được thể hiện ở các phương diện sau:

Thứ nhất, Tư tưởng về quyền bình đẳng của phụ nữ bắt nguồn từ sự quan tâm và đánh giá cao vị trí vai trò của phụ nữ trong quá trình phát triển của lịch sử dân tộc Việt Nam. 

Người nhận xét: “Non sông gấm vóc Việt Nam do phụ nữ ta, trẻ cùng già, ra sức dệt thêu mà thêm tốt đẹp, rực rỡ”... ''Nhân dân ta anh hùng là nhờ có các bà mẹ Việt Nam anh hùng"... "Dân tộc ta và Đảng ta đời đời biết ơn các bà mẹ Việt Nam đã sinh ra và cống hiến những người ưu tú, đã và đang chiến đấu anh dũng tuyệt vời bảo vệ non sông gấm vóc do tổ tiên ta để lại".

Người cũng rút ra kết luận “Xem trong lịch sử cách mệnh chẳng có lần nào là không có đàn bà tham gia”, "Phụ nữ ta chẳng tầm thường / Ðánh Ðông, dẹp Bắc làm gương để đời"; trước kia thì có Bà Trưng, Bà Triệu, từ ngày dân Việt Nam tranh được chính quyền, phụ nữ đều ra sức gánh vác công việc. Nào giúp đỡ chiến sĩ, tăng gia sản xuất. Nào chống nạn mù chữ, tham gia tuyển cử, Tuần lễ vàng, Đời sống mới…, việc gì phụ nữ cũng hăng hái. 

Với cách nhìn toàn diện, Bác Hồ nhấn mạnh rằng phụ nữ chiếm một nửa nhân loại; “Nói đến phụ nữ là nói đến một nửa xã hội”, cũng tương tự “Phụ nữ Việt Nam chiếm một nửa tổng số nhân dân ta”; Người còn chỉ rõ: “Phụ nữ là một lực lượng lao động rất quan trọng”.Vì vậy, theo Người, “Nếu phụ nữ chưa được giải phóng thì xã hội chưa được giải phóng”, “Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội chỉ một nửa”. Bác Hồ phân tích có lý, có tình, rằng: Muốn xây dựng chủ nghĩa xã hội, “Nhất định phải sản xuất thật nhiều. Muốn sản xuất nhiều thì phải có nhiều sức lao động. Muốn nhiều sức lao động thì phải giải phóng lao động của phụ nữ”.

Thứ hai, chính vì sự đồng cảm quan tâm, đánh giá cao vai trò, vị trí của người phụ nữ đối với xã hội nên sinh thời Bác là người đi tiên phong trong phong trào đấu tranh đòi quyền bình đẳng nam nữ.

Người nói: “Nhiều người lầm tưởng đó là một việc dễ chỉ: Hôm nay anh nấu cơm, rửa bát, quét nhà, hôm sau em quét nhà, nấu cơm, rửa bát thế là bình đẳng, bình quyền. Lầm to! Đó là một cuộc cách mạng to và khó”. Quyền bình đẳng thực sự của người phụ nữ theo Bác là “người phụ nữ Việt Nam đứng ngang hàng với đàn ông để hưởng mọi quyền công dân”.

Năm 1941, Nguyễn Ái Quốc về nước trực tiếp chỉ đạo cách mạng, khi sáng lập Mặt trận Việt Minh để tập hợp lực lượng đánh thực dân Pháp giành độc lập dân tộc, Người đã đề ra 10 chính sách của Việt Minh, trong đó có chính sách về phụ nữ: “Đàn bà cũng được tự do, bất phân nam nữ đều cho bình quyền”. Trong Chương trình Việt Minh, Người viết “Sau khi đánh đuổi đế quốc phát xít Nhật, sẽ lập nên Chính  phủ nhân dân nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa… sẽ thi hành những chính sách Phổ thông đầu phiếu: Hễ ai là người Việt Nam, vô luận nam, nữ từ 18 tuổi trở lên đều có quyền tuyển cử và ứng cử… Về chính trị: Nam nữ bình quyền. Về các phương diện kinh tế, chính trị, văn hóa: Đàn bà đều được bình đẳng với đàn ông”. 

Trong Tuyên ngôn độc lập đọc tại Quảng trường Ba Đình lịch sử ngày 2-9-1945, Bác trịnh trọng tuyên bố với thế giới và quốc dân đồng bào: “Tất cả mọi người đều sinh ra có quyền bình đẳng. Tạo hóa cho họ những quyền không ai có thể xâm phạm được; trong những quyền ấy, có quyền được sống, quyền tự do và quyền mưu cầu hạnh phúc”3. Những quyền ấy được Bác trích trong Tuyên ngôn độc lập năm 1776 của nước Mỹ. Song trong xã hội Mỹ chỉ những người đàn ông da trắng, theo đạo Tin Lành có tài sản mới được bầu cử. Còn phụ nữ Mỹ (sau 144 năm giành độc lập) - năm 1920 mới giành được quyền đi bầu cử. Song, với Tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ thì “tất cả mọi người” Việt Nam đều là những người có quyền đi bầu cử Quốc hội vào ngày 6-1-1946:“Tất cả công dân Việt Nam, cả trai và gái, từ 18 tuổi trở lên, đều có quyền bầu cử và ứng cử, trừ những người đã bị tước mất công quyền và những người trí óc không bình thường”. Và Hiến pháp của nước Việt Nam dân chủ cộng hoà năm 1946“… tuyên bố với thế giới: phụ nữ Việt Nam đã được đứng ngang hàng với đàn ông để được hưởng chung mọi quyền tự do của một công dân”4. 

Hồ Chí Minh nhấn mạnh, để thực sự nam nữ bình đẳng, bình quyền là “một cuộc cách mạng to và khó”, bởi “ách áp bức dân tộc và bóc lột giai cấp của bọn thực dân Pháp và tay sai đã gây nên những nỗi đau khổ, cơ cực của người phụ nữ”, và “vì trọng trai khinh gái là một thói quen mấy nghìn năm để lại. Vì nó ăn sâu trong đầu óc của mọi tầng lớp xã hội”. Khó khăn là vậy, nhưng cuộc cách mạng này là vô cùng cần thiết, bởi “Nói phụ nữ là nói phần nửa xã hội. Nếu không giải phóng phụ nữ thì không giải phóng một nửa loài người. Nếu không giải phóng phụ nữ là xây dựng chủ nghĩa xã hội mới một nửa” . 

Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh thống nhất nước nhà, Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn nhắc nhở các cấp ủy Đảng, chính quyền, các Bộ, ban, ngành, cơ quan, đoàn thể, đơn vị cần chú ý đào tạo, bồi dưỡng cho phụ nữ tham gia vào công tác quản lý lãnh đạo. Có như vậy, phụ nữ mới thực sự bình đẳng. Bình đẳng không chỉ về chính trị mà còn từ thực tiễn sinh hoạt của đời sống xã hội và trong gia đình. Bác đã chỉ ra “Chồng đánh chửi vợ, cha mẹ đánh chửi con, là điều rất dã man”. Về thăm và nói chuyện với đồng bào, cán bộ tỉnh Thái Bình năm 1966 sau khi phân tích tình hình, chỉ rõ nhiệm vụ sản xuất và chiến đấu, Bác nhấn mạnh: “Một điều nữa Bác cần nói là: phải kính trọng phụ nữ. Chúng ta làm cách mạng là để tranh lấy bình quyền bình đẳng, trai gái đều ngang quyền như nhau…. Đàn ông phải kính trọng phụ nữ. Nhưng Bác nghe nói vẫn có người đánh chửi vợ! Đó là một điều đáng xấu hổ. Như thế thì còn gì là tình nghĩa vợ chồng? Như thế là phạm pháp, là cực kỳ dã man. Chi bộ đảng phải giáo dục đảng viên và nhân dân về quyền bình đẳng giữa vợ chồng. Đoàn thể phụ nữ và thanh niên phải bảo ban nhau cách cư xử hoà thuận trong gia đình. Bác mong rằng: từ nay về sau sẽ không còn thói xấu đánh chửi vợ nữa”.

Thứ ba, để giành được quyền bình đẳng Bác luôn luôn nhắc nhở phụ nữ phải không ngừng nỗ lực vươn lên, ngày càng đóng góp sức lực làm rạng danh non sông đất nước. 

Bác không chỉ là người đầu tiên đề cập đến vấn đề giải phóng phụ nữ, khẳng định vai trò, vị trí của họ đối với gia đình và xã hội, đấu tranh đòi quyền bình đẳng cho họ mà còn là luôn động viên, khuyên bảo, nhắc nhở chị em phải tự cố gắng học tập, sáng tạo vươn lên để khẳng định mình chứ không phải chờ Đảng, Chính phủ đề ra các chủ trương, chính sách. 

Nhân dịp kỷ niệm 50 năm ngày Quốc tế Phụ nữ, Người khen ngợi phụ nữ Việt Nam ta sẵn có truyền thống đấu tranh anh dũng và lao động cần cù. Trong kháng chiến, phụ nữ ta từ Bắc đến Nam đều hăng hái tham gia đánh giặc cứu nước. Nhưng phụ nữ ta cần phải cố gắng nhiều để theo kịp chị em các nước bạn, góp phần nhiều hơn nữa trong việc xây dựng CNXH. Người phê bình: Phụ nữ ta còn một số nhược điểm như bỡ ngỡ, lúng túng, tự ti, thiếu tin tưởng vào khả năng của mình; mặt khác, phụ nữ cũng gặp nhiều khó khăn về gia đình, con cái. Muốn giải quyết khó khăn phải quyết tâm học tập, phát huy sáng kiến, tin tưởng ở khả năng của chính mình, nâng cao tinh thần tập thể, đoàn kết giúp đỡ nhau để giải quyết mọi khó khăn của phụ nữ trong công tác chính quyền. Người kêu gọi: Chị em phụ nữ nông thôn thi đua góp sức hoàn thành tốt cải cách ruộng đất và lập những tổ đổi công tốt. Chị em công nhân và công chức thi đua làm tròn nhiệm vụ của mình. Chị em trí thức thi đua góp phần vào việc phát triển văn hoá. Nữ thanh niên tuỳ theo cương vị của mình, thi đua học và hành, xung phong trong mọi công việc. Đồng thời, Bác cũng chỉ rõ một thực trạng: cấp trên có cất nhắc cán bộ phụ nữ nhưng chưa mạnh dạn, tức là còn phần nào chưa coi trọng trí tuệ, tài năng của phụ nữ. Vậy phụ nữ phải làm sao cho người ta thấy phụ nữ giỏi, lúc đó cán bộ không cất nhắc, anh chị em công nhân sẽ cử mình lên. Người căn dặn: tất cả phụ nữ phải hăng hái nhận lấy trách nhiệm của người làm chủ đất nước, tức là phải ra sức thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm để xây dựng nước nhà, xây dựng CNXH. 

Cả cuộc đời 79 mùa xuân, Bác đã giành trọn vẹn cho dân cho nước. Trước lúc đi xa, trong Di chúc thiêng liêng Bác căn dặn toàn Đảng, toàn dân “Trong sự nghiệp chống Mỹ, cứu nước, phụ nữ đảm đang ta đã góp phần xứng đáng trong chiến đấu và trong sản xuất. Đảng và Chính phủ cần phải có kế hoạch thiết thực để bồi dưỡng, cất nhắc và giúp đỡ để ngày thêm nhiều phụ nữ phụ trách mọi công việc kể cả công việc lãnh đạo. Bản thân phụ nữ thì phải cố gắng vươn lên. Đó là một cuộc cách mạng đưa đến quyền bình đẳng thật sự cho phụ nữ”.

Khắc sâu lời dạy và thực hiện tâm nguyện của Bác “một nửa thế giới” cần được giải phóng, bình đẳng về mọi mặt, mục tiêu thiên niên kỷ quốc gia đã ưu tiên phát triển bền vững nguồn lực phụ nữ như: Tăng cường giáo dục, đào tạo, tuyên truyền nhằm nâng cao nhận thức về mọi mặt, trình độ nghề nghiệp và năng lực quản lý kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường cho phụ nữ; hỗ trợ phụ nữ làm kinh tế, tạo việc làm và xóa đói giảm nghèo; đẩy mạnh các chương trình chăm sóc sức khỏe phụ nữ và trẻ em, cải thiện môi trường sinh hoạt tại từng địa phương; tạo điều kiện để chị em tham gia xây dựng và giám sát việc thực hiện các chính sách, pháp luật về bình đẳng giới… Cùng với chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước ưu tiên phát triển nguồn lực phụ nữ, phụ nữ Việt Nam hôm nay luôn cố gắng học tập, công tác, từng bước vươn lên và ngày càng  khẳng định vị thế của mình trong xã hội và trên trường quốc tế, góp phần tích cực vào sự nghiệp xây dựng Việt Nam “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.

Nguyễn Thùy Duyên

                    Giảng viên Khoa Lý luận cơ sở - Trường Chính trị tỉnh Thái Bình

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...