Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam năm 2019

Thứ 6, 18/01/2019 | 15:57:26
1,017 lượt xem

Chiều 17.1, tại Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự và phát biểu tại Phiên tổng thể và đối thoại chính sách cấp cao, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2019 với chủ đề “Kinh tế Việt Nam năm 2018 và triển vọng năm 2019 - Củng cố nền tảng cho tăng trưởng nhanh và bền vững”.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn kinh tế Việt Nam

Cùng dự có Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính; Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình; cựu Ngoại trưởng Mỹ, Chủ tịch danh dự Quỹ Hòa bình Quốc tế Carnegie John Kerry...

Phát biểu đề dẫn, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cho biết, với 3 hội thảo chuyên đề và Phiên Tổng thế - Đối thoại Chính sách cấp cao, Diễn đàn năm nay ước tính thu hút gần 2.000 lượt đại biểu đến từ các cơ quan Đảng, Chính phủ, bộ, ngành trung ương và địa phương, các nhà kinh tế, học giả, doanh nghiệp và đại diện các đại sứ quán, phái đoàn ngoại giao, các tổ chức quốc tế.

Trưởng ban Kinh tế Trung ương đã đề cập đến một số nội dung cần tập trung thảo luận.  Thứ nhất, Hiệp định CPTPP đã chính thức có hiệu lực. Vì vậy cần làm rõ chiến lược thu hút FDI trong thời gian tới là gì? Làm thế nào để kết nối được các doanh nghiệp Việt Nam với các doanh nghiệp FDI cùng tham gia vào chuỗi giá trị, sản xuất toàn cầu, và cùng khai thác được các lợi thế của các FTA thế hệ mới mang lại?

Thứ hai, trong thời đại công nghệ gắn với đổi mới sáng tạo thì những rào cản công nghệ truyền thống không còn là khoảng cách lớn nữa, cơ hội được chia đều và mọi quốc gia đều có thể vươn lên bứt phá. Vậy Việt Nam cần làm gì để tận dụng hiệu quả những cơ hội mà nền kinh tế số đem lại, để không bỏ lỡ chuyến tàu công nghiệp 4.0, để đưa nền kinh tế số thực sự trở thành một động lực mới cho tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững trong thời gian tới? 

Thứ ba, cần làm gì để tiếp tục cải thiện môi trường kinh doanh một cách thực chất gắn với hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa để tạo điều kiện kinh tế tư nhân phát triển nhanh và bền vững? để tăng cường khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam?

Tại buổi đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng các đại biểu trao đổi làm rõ những về triển vọng của kinh tế Việt Nam trong năm 2019 và trong trung hạn, trong bối cảnh thương mại thế giới diễn biến phức tạp; xu hướng bảo hộ hay tăng cường hội nhập với các FTAs thế hệ mới; thách thức và cơ hội cho Việt Nam, đặc biệt với các vấn đề nút thắt của nền kinh tế như ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo đảm an ninh năng lượng và phát triển bền vững; phát triển khoa học công nghệ để tham gia hiệu quả vào Cách mạng Công nghiệp 4.0.

Trả lời câu hỏi của các diễn giả, nhìn lại kết quả ấn tượng năm 2018 đâu là nguyên nhân quan trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết cho biết để đạt được điều này có 3 nguyên nhân: Thứ nhất là hệ thống chính trị, người dân, doanh nghiệp tích cực hưởng ứng chủ trương của Nhà nước trong phát triển kinh tế. Thứ hai là tạo ra môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi hơn cho người dân và thứ ba là Chính phủ và các cơ quan liên quan luôn đứng ra tháo gỡ những khó khăn cho doanh nghiệp, qua đó tạo nguồn lực để phát triển. Chính điều này đã tạo ra sự tăng trưởng cao trong nền kinh tế của Việt Nam trong năm qua.

Phát biểu kết luận phiên đối thoại, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong năm nay, Thủ tướng sẽ trực tiếp chỉ đạo việc đánh giá lại toàn bộ các khía cạnh điều hành kinh tế - xã hội của Chính phủ từ Trung ương đến địa phương, trong đó tập trung vào khía cạnh lớn đó là, tập trung vào các tư duy và tiến trình hoạch định phát triển kinh tế - xã hội trong 10 năm trở lại đây, phải chỉ ra được những giá trị kế thừa và những bài học kinh nghiệm lớn, cần tiếp tục được nhận thức và chỉnh đốn nghiêm túc.

Thủ tướng cho rằng, những mục tiêu như Chính phủ số, các giá trị kiến tạo phát triển, sự liêm chính… khó đi vào thực tiễn nếu không cải cách những nguyên tắc và mô hình quản trị không còn phù hợp với thực tiễn. Thủ tướng cho biết, Chính phủ sẽ đánh giá lại toàn bộ thực trạng và tiềm năng đích thực của các ngành kinh tế có tính chủ lực nhằm kiến tạo sức bật mới cho sự phát triển, trong đó xác định kinh tế số có vai trò động lực, là cỗ máy tiên phong cho mục tiêu phát triển nhanh và bền vững của Việt Nam.

Nhân dịp này, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cảm ơn các đại biểu đã có những tham luận, ý kiến trao đổi sâu sắc, nhiệt huyết vì một Việt Nam thịnh vượng. Thủ tướng nhấn mạnh, trong mỗi bước đi trên hành trình đầy chông gai này, Việt Nam luôn mong có được sự ủng hộ, đồng hành và đóng góp những ý kiến quý báu của các đại biểu dự cuộc đối thoại hôm nay. Thủ tướng đề nghị, ngay sau Diễn đàn, Ban Kinh tế Trung ương, Văn phòng Chính phủ và các bộ, ngành tổng hợp các ý kiến, phát hiện mới của các diễn giả, các đại biểu, tiếp thu tối đa để tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quốc hội, Chính phủ trong quá trình xây dựng, đề xuất các chủ trương, chính sách và quy định pháp luật nhằm tháo gỡ các nút thắt, củng cố và kiến tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế nhanh và bền vững của nước ta trong thời gian tới.

Theo Daibieunhandan

  • Từ khóa
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII
Cử tri quan tâm theo dõi kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh khóa XVII

Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...