Lao hạch – Bệnh lý dễ gây nhầm lẫn

Thứ 3, 04/07/2023 | 00:00:00
1,289 lượt xem

Thông thường khi nhắc đến bệnh lao, đa phần người dân chỉ biết đến lao phổi với những biểu hiện như sốt, ho ra máu. Thế nhưng, bệnh lao còn xuất hiện ở nhiều bộ phận khác, trong đó có lao hạch là bệnh khá phổ biến, song rất nhiều người mắc lại bỏ qua triệu chứng, không đi khám, bởi chưa có hiểu biết về căn bệnh này.

Lao hạch là bệnh khá phổ biến chiếm tỷ lệ 20% trong số các thể lao ngoài phổi

Phát hiện có hạch kích thước hơn 1 đốt ngón tay ở vùng cổ, bệnh nhân Tô Thanh Huế để tới 2 năm mới đi khám tại chuyên khoa ung bướu. Sau khi xét nghiệm, chị được chuyển sang Bệnh viện Phổi Thái Bình điều trị vì lao hạch. 

Bệnh nhân Tô Thanh Huế: 

Ban đầu thấy có hạch nhỏ dưới tai, em không để ý mấy, xong cứ thấy nó to dần lên. Em không nghĩ là bệnh lao, em cũng chưa nghe đến bệnh lao hạch bao giờ, đến đây khám mới biết là lao hạch. 


Không biết lao hạch là bệnh gì cũng là câu trả lời chung của nhiều bệnh nhân tại Bệnh viện Phổi Thái Bình. Đa phần chỉ đến lúc nhiễm và nhập viện, người bệnh mới nắm được thông tin về căn bệnh này. Trong khi đó, lao hạch là bệnh phổ biến với tỷ lệ 20% trong số các thể lao ngoài phổi, đứng hàng thứ hai sau lao màng phổi.

 Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ niêm mạc mắt, mũi, miệng, tiếp xúc với người bị lao,… Lao hạch không được chữa trị đúng cách và điều trị sớm có thể trở thành khối u ác tính.

Bệnh xuất hiện ở mọi lứa tuổi do vi khuẩn xâm nhập vào cơ thể từ niêm mạc mắt, mũi, miệng, tiếp xúc với người bị lao

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Doanh, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Thái Bình: 

Lao hạch thường hay gặp ở nhóm hạch cổ, chiếm 70-80%, trong trường hợp nhiễm khuẩn thì có thể sưng, nóng, đỏ, đau. Lao hạch còn có thể phối hợp với các bệnh khác như lao phổi, lao màng não, đái tháo đường, xơ gan, suy thận, suy giảm miễn dịch. Bệnh nhân không được điều trị kịp thời thì có thể hóa mủ gây lỗ rò hoặc vỡ mủ, để lại sẹo xấu, có thể gây nghẹo cổ về một bên.


Theo các bác sĩ, chế độ ăn uống đóng vai trò quan trọng trong việc phòng ngừa, điều trị lao hạch. Những người có chế độ ăn thiếu chất hoặc mất cân bằng giữa các loại chất, thường xuyên sử dụng chất kích thích thích, thức uống có cồn, có nguy cơ mắc lao hạch cao hơn. 

Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là một trong những yếu tố giúp ngăn ngừa lao hạch

Bác sĩ Nguyễn Mạnh Doanh, Trưởng khoa Nội 3, Bệnh viện Phổi Thái Bình:

Phòng bệnh lao hạch thì một là giảm nguy cơ nhiễm lao trong cộng đồng, phải kiểm soát vệ sinh môi trường. Tiêm vaccine trong tiêm chủng mở rộng để cơ thể hình thành miễn dịch chống lại bệnh lao. Khi biểu hiện có một hoặc nhiều hạch ở góc hàm, thượng đòn hoặc nách, bẹn thì nên đi khám ở cơ sở chuyên khoa lao. 

 

Việc tập luyện thể dục thể thao thường xuyên là một trong những yếu tố giúp ngăn ngừa lao hạch. Đối với những người đã mắc bệnh và điều trị khỏi, vẫn cần duy trì thói quen này để tránh tái phát. Bởi cơ thể không có hệ miễn dịch đủ mạnh sẽ dễ mắc lao hạch khi trực khuẩn xâm nhập vào niêm mạc. Các bác sĩ cũng khuyến cáo việc kiểm tra sức khỏe định kỳ để phát hiện, điều trị bệnh từ giai đoạn sớm. 

Hà My

  • Từ khóa
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV
Bế mạc Kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XV

Chiều ngày 30.11, tại Nhà Quốc hội, dưới sự chủ trì của Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội khóa XV họp phiên bế mạc kỳ họp thứ 8.

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...