Duy trì sức hấp dẫn của cải lương

Thứ 4, 12/06/2019 | 10:40:10
1,697 lượt xem

Đáp ứng thị hiếu khán giả, đồng thời làm dày thêm chương trình biểu diễn, Nhà hát Cải lương Hà Nội mỗi năm vẫn thực hiện ba vở diễn dài hơi, đồng thời xây dựng thêm các chương trình ca múa nhạc, hài kịch ngắn, nhằm duy trì sức hấp dẫn của nghệ thuật cải lương.

NSND Thanh Hương cùng các nghệ sĩ trẻ trong hài kịch cải lương “Sếp vợ”

Đủ thời lượng, đủ sâu lắng

Nhà hát Cải lương Hà Nội vừa ra mắt chùm hài kịch cải lương, gồm 3 vở diễn ngắn: “Tình yêu qua mạng”, “Sếp vợ” và “Bệnh quảng cáo”. Khán giả thích thú trước những vai diễn và lời thoại cải lương hiện đại, mang tính giải trí cao. “Chùm hài kịch khiến tôi thay đổi suy nghĩ về cải lương như khi xưa còn bé đến rạp Chuông Vàng, rạp Kim Phụng cùng bà nội nghe những vở như “Dòng suối trắng’, “Tiếng trống trận Mê Linh”, “Hai phương trời thương nhớ”, hay “Bà mẹ bên sông Hồng”…”, anh Vũ Tuấn Dũng (Minh Khai, Hà Nội) chia sẻ.

Cải lương giờ đã có nhiều lựa chọn. Tác phẩm dài, trích đoạn cổ, kinh điển, tác phẩm lịch sử thường tìm đến các câu chuyện nội dung dài, dày dặn. Các vở diễn ngắn lại mang tính vui nhộn, chứa nhiều thông điệp của cuộc sống hiện đại. Nhà biên kịch Vũ Thị Thủy, Phòng Nghệ thuật, Nhà hát Cải lương Hà Nội cho hay, mỗi loại hình nghệ thuật đều có đặc trưng riêng, cải lương cũng vậy. Những giai điệu mang chất hài để chuyển tải thông điệp vở diễn, làm thỏa mãn người xem, người nghe. “Xét về tính nghệ thuật trong chùm hài kịch cải lương vừa ra mắt, ê kíp thực hiện tính toán sao cho nội dung các vở diễn đủ sâu lắng, đủ thời lượng để xuất hiện một vài lớp vọng cổ hoặc phi vân điệp khúc nhằm tăng tính hấp dẫn, tăng tiết tấu. Ngoài ra, chúng tôi cũng sử dụng thêm các ca khúc hiện đại như “Chiếc khăn piêu”, “Vọng cổ teen”, “Quả khế”… hợp với vở diễn cũng như thị hiếu khán giả trẻ, giúp họ thêm hưng phấn khi thưởng thức”.

Phó Giám đốc điều hành Nhà hát Cải lương Hà Nội, nhạc sĩ Phạm Chỉnh cho biết, không phải ngẫu nhiên Nhà hát dàn dựng chùm hài kịch cải lương này. “Trong dàn kịch mục cách đây hơn 10 năm, Nhà hát từng dàn dựng 5 vở kịch cùng thể loại. Tuy nhiên, do thời gian biểu diễn khá dài, các nghệ sĩ muốn có sự thay đổi bằng những vở diễn mới, đáp ứng thị hiếu khán giả, cũng là làm dày thêm chương trình biểu diễn của Nhà hát. Ngoài các vở diễn đã có thương hiệu, yếu tố để thu hút và phục vụ các tầng lớp khán giả là những vở diễn mang tính thời sự, phê phán thói hư tật xấu của một bộ phận người trong xã hội - các vấn đề chưa bao giờ hết nóng”.

Nuôi dưỡng ngọn lửa nghề

Không riêng cải lương, mà các bộ môn nghệ thuật truyền thống khác như tuồng, chèo… cũng đang gặp nhiều thử thách, do khán giả hiện có nhiều lựa chọn trên thị trường giải trí. “Giống như nhiều nhà hát, cái khó của Nhà hát Cải lương Hà Nội là vừa cố gắng bảo tồn nghệ thuật truyền thống, vừa phải lo lượng công việc cho hơn 100 cán bộ, nhân viên, nghệ sĩ. Nhà hát vẫn xây dựng mỗi năm ba vở diễn, mỗi vở có thời lượng khoảng hơn hai tiếng, bên cạnh các suất diễn hợp đồng với chương trình ca múa nhạc, hài kịch mang âm hưởng cải lương…”, nhạc sĩ Phạm Chỉnh cho hay.

 Mấy chục năm gắn bó trong nghề, NSND Thanh Hương, NSƯT Thục Vân, NSƯT Thu Hoài và các nghệ sĩ thế hệ đi trước luôn dùng trái tim nhiệt huyết, say nghề để truyền lửa cho thế hệ sau kiên trì nuôi dưỡng đam mê. Yếu tố cốt lõi để duy trì ngọn lửa nghề chính là con người, những nghệ sĩ tâm huyết với nhà hát, luôn say nghề, yêu nghề và vì nghề. Theo NSND Thanh Hương, các nghệ sĩ khát khao có được công việc thỏa mãn đam mê nhưng cũng phải đủ điều kiện kinh tế để duy trì cuộc sống. Tuy nhiên, cuộc sống của nghệ sĩ cải lương hiện nay không khá giả, nhất là lớp sinh viên mới ra trường. Vì thế, phải là người quyết tâm và thực sự yêu nghề mới có thể bám trụ.

Vì tình yêu nghề, các nghệ sĩ đã đồng lòng tạo lực hấp dẫn cho cải lương. Bên cạnh thay đổi nội dung vở diễn, các nghệ sĩ cũng quen dần với hình thức biểu diễn lưu động tại các quận, huyện ở Hà Nội và các tỉnh lân cận, vùng sâu, vùng xa. “Chúng tôi xem đó là tín hiệu vui cho nghệ sĩ vì như thế cải lương vẫn chinh phục được khán giả và luôn có nhiều cơ hội mang tình yêu cải lương đến nhiều người”, NSND Thanh Hương nói.

Theo nhạc sĩ Phạm Chỉnh, Nhà hát Cải lương Hà Nội đã và đang có những kế hoạch cụ thể để đổi mới mình, tạo sự đột phá, song vẫn gìn giữ và phát huy nghệ thuật cải lương. Nhà hát đã lên kế hoạch tiếp cận đối tượng khán giả trẻ bằng việc xây dựng thêm những tác phẩm có tính thời sự, phản ảnh đời sống xã hội hiện đại, mang tính giáo dục cao. Điều này không chỉ mang lại nguồn kinh phí trang trải đời sống nghệ sĩ, mà còn là động lực để người làm nghề giữ ngọn lửa đam mê.

“Đi xa cũng vui và có cái hay, chúng tôi luôn được khán giả trông chờ, tìm gặp. Những ngày biểu diễn, chúng tôi cố gắng đối thoại với khán giả để hiểu họ muốn nghe gì, xem gì. Đương nhiên, họ thích gì mình sẽ đáp ứng. Sau những chuyến công tác trở về, anh em nghệ sĩ ngồi lại trao đổi để thêm những cách diễn mới, chỉnh sửa nội dung cũ. Các địa phương khác nhau, thị hiếu công chúng khác nhau. Vì vậy, khi lên kế hoạch cho các chuyến lưu diễn dài ngày, chúng tôi thường lựa cả cải lương lịch sử, hài kịch cải lương, ca múa nhạc trích đoạn cải lương… Tuy nhiên, do vẫn đau đáu với nghề nên ở hoàn cảnh nào, nghệ sĩ cũng cố gắng hạn chế biến tấu để giữ cải lương được như ngày hôm nay”.

NSND Thanh Hương (Nhà hát Cải lương Hà Nội)

Theo daibieunhandan.vn

  • Từ khóa
Sớm ban hành nghị quyết điều chỉnh giá khám chữa bệnh
Sớm ban hành nghị quyết điều chỉnh giá khám chữa bệnh

Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu đồng. Đây là niềm vui đối với cán bộ, công chức, viên chức. Thế nhưgn đối với các bệnh viện thì lại thêm nhiều khó khăn phải cân đối...

Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ
Đồng chí Bí thư Tỉnh ủy Thái Bình: Dự thảo Quy định là bước đột phá trong công tác cán bộ

Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...