Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Ngãi phát biểu ý kiến thảo luận tại hội trường
Hôm qua, ngày 7-11, kỳ họp thứ sáu, Quốc hội (QH) khóa XIV tiếp tục chương trình làm việc tại hội trường. Buổi sáng, các đại biểu QH nghe trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Đặc xá (sửa đổi) và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án luật này.
Buổi chiều QH nghe Tờ trình của Chính phủ về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và Báo cáo thẩm tra dự án luật này. Tiếp đó, QH nghe Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi và thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Chăn nuôi.
Minh bạch trong công tác đặc xá
Thảo luận về dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi), nhiều đại biểu QH bày tỏ sự thống nhất cao với nhiều nội dung và Báo cáo giải trình, tiếp thu ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Đối với một số quy định cụ thể trong dự án luật, còn đại biểu có ý kiến khác nhau. Theo đó, về thời điểm đặc xá, dự thảo Luật của Chính phủ trình tại kỳ họp này đã kế thừa Luật Đặc xá hiện hành, quy định ba thời điểm đặc xá gồm: Nhân sự kiện trọng đại của đất nước, nhân ngày lễ lớn của đất nước và trong trường hợp đặc biệt để đáp ứng yêu cầu đối nội, đối ngoại của Nhà nước. Có đại biểu nhất trí với quy định này. Nhưng một số ý kiến đề nghị quy định cụ thể về thời gian, tần suất thực hiện đặc xá, có thể là ba năm hoặc 5 năm/đợt; hoặc quy định cụ thể thời điểm đặc xá là ngày Quốc khánh 2-9, nhân dịp Tết Nguyên đán hoặc ngày Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước 30-4. Có ý kiến đại biểu đề nghị làm rõ sự kiện trọng đại của đất nước gồm những sự kiện nào; căn cứ, mức độ nào để xác định sự kiện trọng đại của đất nước để thực hiện đặc xá có hiệu quả, minh bạch và thống nhất.
Các đại biểu Nguyễn Thị Hồng Hà (Ninh Thuận) và Phạm Thị Thu Trang (Quảng Ngãi) quan tâm về những quy định, chính sách, sự hỗ trợ của nhà nước đối với những người bị kết án tù được đặc xá, qua đó tạo điều kiện cho họ tái hòa nhập cộng đồng thành công. Theo các đại biểu, những chính sách trong dự thảo luật còn chung chung, chưa cụ thể và rất khó trở thành hiện thực trong cuộc sống. Trong thực tế, công tác tái hòa nhập cộng đồng của người được tha tù trước thời hạn, được đặc xá gặp nhiều khó khăn và để khắc phục thực trạng này, giúp người được ra tù sớm trở thành người có ích cho gia đình và xã hội thì cần có sự chung tay của toàn xã hội. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung, quy định rõ các điều kiện, chính sách bảo đảm người được đặc xá có thể nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng, ổn định cuộc sống và phấn đấu trở thành người có ích. Nhà nước cần huy động nhiều nguồn lực xã hội trong việc tái hòa nhập cộng đồng cho người được đặc xá; vận động khuyến khích các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động giúp đỡ dưới nhiều hình thức, mô hình phù hợp điều kiện, hoàn cảnh của từng đối tượng, từng địa phương.
Để công tác đặc xá được công bằng, chặt chẽ, các đại biểu QH đề nghị Ban soạn thảo cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện hơn nữa các quy định về điều kiện để được đặc xá; trong đó cần phân chia cụ thể, rõ ràng từng đối tượng được đề nghị đặc xá cần bảo đảm những tiêu chuẩn nào. Bên cạnh đó, cần bổ sung quy định về tổ chức hoặc chế tài để có thể kiểm tra, thẩm định kết quả đề nghị đặc xá. Một số đại biểu đề nghị cân nhắc khi dự thảo luật quy định đặc xá cho cả những người đang hưởng án treo. Bởi những người đang thi hành án treo, thực chất là người không phải chấp hành hình phạt tù và buộc phải chịu thời gian thử thách nhất định. Nếu họ thật sự chấp hành tốt chính sách, pháp luật của Nhà nước thì có thể xem xét rút ngắn thời gian thử thách án treo, chứ không nên đưa vào diện đặc xá… Cuối phiên làm việc buổi sáng hôm qua, Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga đã phát biểu ý kiến tiếp thu các góp ý, đề xuất của các đại biểu QH, đồng thời nêu rõ: Ngay sau phiên họp, Ủy ban Tư pháp sẽ phối hợp Ban soạn thảo, các cơ quan liên quan tiếp thu nghiêm túc, đầy đủ tất cả các ý kiến của đại biểu QH để hoàn thiện tốt nhất dự thảo Luật.
Bảo đảm an toàn thực phẩm và môi trường trong chăn nuôi
Đầu giờ làm việc buổi chiều, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Công an Tô Lâm trình bày Tờ trình về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi); Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của QH Lê Thị Nga trình bày Báo cáo thẩm tra dự án luật này.
Tiếp đó, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của QH Phan Xuân Dũng trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự án Luật Chăn nuôi. Thảo luận về chính sách của Nhà nước trong chăn nuôi, đại biểu Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) và nhiều đại biểu đề nghị bổ sung chính sách về phát triển chăn nuôi an toàn, theo hướng phân định rõ các hoạt động mà Nhà nước đầu tư, hỗ trợ, khuyến khích; bổ sung chính sách hỗ trợ nghiên cứu khoa học công nghệ để đẩy nhanh ứng dụng vào chăn nuôi, hỗ trợ hoạt động kiểm soát, phòng, chống dịch bệnh nguy hiểm. Đồng thời, cần quy định cụ thể, chặt chẽ hơn về quản lý thức ăn chăn nuôi, sửa các quy định về quản lý thức ăn có chứa kháng sinh cho chặt chẽ, tránh tồn dư trong sản phẩm làm ảnh hưởng sức khỏe người tiêu dùng, vì đây là yếu tố quan trọng quyết định năng suất, chất lượng và an toàn thực phẩm.
Một số đại biểu nêu rõ, để kiểm soát tốt các chỉ tiêu an toàn ngay trong quá trình sản xuất thức ăn chăn nuôi, bên cạnh việc kiểm soát nguyên liệu đầu vào của sản xuất, dự thảo luật cần quy định việc các cơ quan chức năng tăng cường công tác hậu kiểm, luật hóa những quy định về kiểm soát thức ăn chăn nuôi đã được thực hiện ổn định, phát huy hiệu quả thời gian qua. Tuy nhiên, cần cải cách thủ tục hành chính để hạn chế việc trùng lặp, chồng chéo trong thanh tra, kiểm tra, tạo môi trường minh bạch, thông thoáng hơn cho hoạt động sản xuất và kinh doanh thức ăn chăn nuôi.
Cho ý kiến về điều kiện cơ sở chăn nuôi, đại biểu Trần Đình Gia (Hà Tĩnh) và một số đại biểu đề nghị, quy định cơ sở pháp lý để phát triển chăn nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa, theo chuỗi và nâng cao giá trị gia tăng để phát triển thành một ngành kinh tế mũi nhọn, tiên tiến, bảo đảm an toàn thực phẩm và bảo vệ môi trường. Trong đó, nên quy định các điều kiện cụ thể về vị trí, khoảng cách, yêu cầu bảo vệ môi trường sản xuất, môi trường sống của từng loại hình chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ, hướng tới phát triển chăn nuôi trang trại tập trung, quy mô lớn, giảm dần chăn nuôi nông hộ, nhỏ lẻ nhưng vẫn bảo đảm thu nhập, nâng cao đời sống và phù hợp tập quán của người dân.
Một số đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định cụ thể về xử lý chất thải chăn nuôi để không làm ô nhiễm môi trường. Hơn nữa, cần đẩy mạnh nghiên cứu sử dụng nguồn chất thải này làm nguồn nguyên liệu đầu vào cho sản xuất phân bón hữu cơ, làm dinh dưỡng cho cây trồng để giảm lượng xả thải và giảm chi phí cho doanh nghiệp, xã hội. Tuy nhiên, đối với các nông hộ có quy mô vừa và nhỏ không đủ điều kiện về nguồn lực tài chính, thì cần có lộ trình, kế hoạch thực hiện phù hợp.
Cuối ngày làm việc, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường đã báo cáo, làm rõ một số vấn đề đại biểu QH nêu ra về dự án Luật Chăn nuôi.
Trong dự thảo Luật Đặc xá (sửa đổi) quy định các đối tượng được đặc xá trong trường hợp đặc biệt. Theo đó, đã liệt kê nhiều đối tượng, trong đó có cả đối tượng được hoãn chấp hành hình phạt tù và hưởng án treo. Theo tôi, quy định như vậy hơi rộng. Vì muốn xét đặc xá, điều kiện đầu tiên phải xét đến là thời gian chấp hành hình phạt; thứ hai là ý thức cải tạo và thứ ba là mức độ tiến bộ của đối tượng. Cả hai đối tượng này đều đã được hoãn chấp hành hình phạt tù và đều đang sống ở ngoài xã hội, không có điều kiện để đánh giá ba nội dung quan trọng vừa nêu trên. Do vậy, tôi đề nghị không đưa hai đối tượng này vào diện đặc xá trong trường hợp đặc biệt.
Theo Nhân dân điện tử
Hôm nay 12/12, ngày làm việc cuối cùng của kỳ họp thứ chín, Hội đồng nhân dân tỉnh Thái Bình khóa XVII. Kỳ họp đã thu hút sự quan tâm theo dõi của đông đảo cử tri và nhân dân trong tỉnh. Các cử tri đều...
Kỳ họp thứ 9, HĐND tỉnh khóa XVII diễn ra từ ngày 10/12 đến ngày...
Việc giải quyết KỊP THỜI những ý kiến, kiến nghị của cử Không những giúp...
Từ 1/7 vừa qua, mức lương cơ sở tăng từ 1,8 triệu đồng lên 2,34 triệu...
Sáng 14/9, đồng chí Nguyễn Quang Dương, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó Trưởng ban Tổ chức Trung ương dự và chủ trì hội nghị trực tuyến góp ý vào dự thảo quy định về thẩm quyền, trách nhiệm của...
Sáng 16/4, Ban tổ chức Trung ương tổ chức hội nghị trực tuyến toàn quốc...
Trong khuôn khổ hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh mở rộng sơ kết giữa...
Chiều 27/10, Ban Tổ chức Trung ương tổ chức Hội nghị trực tuyến góp ý Dự...